[Video] Những pha lồng tiếng líu lưỡi, không thể nhịn cười ở phòng thu

Cao Thanh Hương - KingPro |

Ca sĩ có khi quên lời, nghệ sĩ có khi quên thoại và diễn viên lồng tiếng cũng có lúc rơi vào tình huống khó đỡ. Nhưng diễn viên lồng tiếng khi bị "dính phốt" cũng dễ thương vô cùng.

Từ những "tai nạn" hài hước...

Công việc của diễn viên lồng tiếng trong phòng thu căng thẳng không thua diễn viên ngoài phim trường.

Mắt vừa quan sát màn hình ti vi lại không được rời khỏi kịch bản để căn chỉnh và sửa lời thoại cấp tốc khi biên dịch dịch ẩu. Tai nghe phone, miệng bắt đúng khẩu hình, tâm lý để "diễn giọng" phù hợp và ra nét cho từng trạng thái khóc cười, la hét, thở dài... của nhân vật. 

Điều đó đòi hỏi sự tập trung cao độ của các giác quan. Do đó, líu lưỡi, nói nhịu "dính phốt" khi làm nghề là điều hiển nhiên. Những tình huống đó vô tình đem lại sự thú vị và không ít kỷ niệm để đời cho người làm nghề diễn viên lồng tiếng...

Clip Những pha lồng tiếng bị rớt hài hước ở hậu trường phòng thu

Diễn viên Bùi Huy Hồ kể: "Hồi tôi còn làm ở nhóm lồng tiếng phim TVB chung tổ với chị Ý Nhi. Nhớ có cảnh mắc cười, lần đó nhân vật chị Ý Nhi làm bị một vết thương rất nặng.

Lúc chị Ý Nhi làm xong hết cảnh bị thương, tôi hỏi: bà Nhi, cảnh vừa rồi bà làm chuyện nhạy cảm hay bị thương vậy? Nghe tôi hỏi, Ý Nhi chửi um sùm. Nhưng thấy mọi người ai cũng cười khúc khích, chị Ý Nhi yêu cầu kỹ thuật cho xem lại đoạn phim vừa làm. Xem xong, chị Ý Nhi bảo "thôi, cho tôi làm lại đi".  

Diễn viên lồng tiếng Bùi Huy Hồ cho biết, lồng tiếng mà chỉ biết nói cho khớp miệng với diễn viên trên phim thì không thể sinh động. Người lồng tiếng giỏi là người phải biết truyền cảm xúc trong giọng nói, bắt nhịp với từng cử chỉ, hơi thở của nhân vật.

Nhân vật thở nhẹ, diễn viên lồng tiếng không được thở mạnh. Nhân vật bị đánh vào bụng thì tiếng kêu rên sẽ khác với khi bị đánh vào tay, chân hay mặt. Cười cũng có 5, 7 kiểu, khóc cũng không dưới 10 loại. Tất cả những điều đó, giới phòng thu gọi là làm màu.

Để làm màu hay, người diễn viên phải biết quan sát và học hỏi từ chính vốn sống và kinh nghiệm của mình. Chẳng hạn, khi đi ăn cũng cần để ý quan sát. Có người vừa ăn vừa cười nói oang oang, lại có người vừa ăn vừa hỉ mũi; cũng có người ăn uống kiểu cách, chậm rãi... 

Người diễn viên lồng tiếng tinh tế và thực sự yêu nghề sẽ biết quan sát và tập để khi cần cho vai diễn thì sẵn sàng "bung ra".

[Video] Những pha lồng tiếng líu lưỡi, không thể nhịn cười ở phòng thu - Ảnh 2.

Diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc tại phòng thu...

Kể về những "tai nạn" hài hước trong phòng thu, diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc nhớ lại: "Tổ lồng tiếng năm 1990 có 12 người. Các thiết bị đều được đem từ Hồng Kông qua. Tất cả mọi người đều vào thu chung một phòng. Diễn viên làm chính ngồi phía trước, người nào không có vai thì đứng phía sau, tới cảnh ở chợ thì họ đi qua đi lại để làm tiếng chân xa gần.

Lúc đó cả phòng thu có hai chiếc micro được treo từ trên trần thả xuống. Micro cực hút tiếng. 7 giờ sáng, diễn viên đã phải làm, chỉ cần đi trễ một phút cũng bị trừ lương nên có những bạn chưa kịp ăn uống gì. 

Ngồi làm mà cái bụng sôi kêu ọt ọt ọt và bị micro thu luôn nên cả đám phải làm lại hết, một người sai thoại hay líu lưỡi là tất cả phải làm lại từ đầu.

Một lần tôi lồng vai quần chúng cho một bộ phim cổ trang. Thấy trong phim có một chú chó chạy ngang, tôi cao hứng thoại "Phương ơi, kêu "con ki" đi về đi". 

Thầy giáo tôi vội vàng cho cắt ngay vì phim cổ trang làm sao đã biết gọi chó là... "con ki".

Lần khác, tôi lồng tiếng cho diễn viên Tăng Hoa Thiên, đến cảnh cô ấy bị hãm hiết, tôi la lên mày mà tới đây, tao đập mày "quò giè " bây giờ. Tôi không biết mình nói nhịu què giò thành "quò giè" đến khi mọi người trong phòng thu nhắc mới phát hiện ra".

Đến điều tiết cảm xúc riêng tư...

Khó nhất đối với diễn viên lồng tiếng có lẽ là điều tiết cảm xúc. Bước chân vào phòng thu, họ phải biết gạt bỏ mọi cảm xúc riêng tư, cá nhân để sống cho tròn vai với nhân vật của mình. 

Họ có thể đang rất buồn, khóc lóc nhưng đặt chân vào phòng thu, phải thể hiện một vai diễn có tính cách nhí nhảnh, tươi vui, họ vẫn phải thể hiện được đầy đủ điều đó trong giọng nói. 

Ngược lại, cũng có khi đang vui nhưng gặp nhân vật buồn bã, khóc lóc thì họ cũng phải buồn theo nhân vật để diễn giọng cho đúng.

[Video] Những pha lồng tiếng líu lưỡi, không thể nhịn cười ở phòng thu - Ảnh 3.

Diễn viên lồng tiếng Huy Hồ, Thùy Trang trong phòng thu

Diễn viên lồng tiếng Bùi Huy Hồ nhớ lại: "Ngày xưa, có lần tôi và Ý Nhi gây nhau. Trước khi vào phòng thu, chúng tôi cãi nhau rất dữ, cảm giác như sắp cháy nhà đến nơi nhưng khi vào phòng thu, phải lồng tiếng cho đoạn phim mà nhân vật diễn cảnh mùi mẫn, chúng tôi vẫn làm rất ngọt. Mọi người ngồi coi cứ cười khúc khích vì trước đó vừa cãi nhau to".

Bù lại, giọng của họ rất được khán giả yêu thích. Bích Ngọc kể: "Khán giả mê phim TVB đến nỗi kỳ đó tôi đang làm vai diễn này nhưng kẹt đi đọc quảng cáo nên nhờ người khác thế vô 5 phút. Vậy là khán giả gửi thư lên Sài Gòn Film hỏi tại sao lại đổi giọng? Khán giả nghe riết quen luôn giọng của mọi người. Chỉ nghe giọng là biết Bích Ngọc, Thế Thanh, Nguyễn Vinh, Thế Phương..."

Cũng như vậy, năm 2016, diễn viên lồng tiếng Lê Hà bị tai nạn giao thông. Vết thương trúng ngay vùng miệng, gần như toàn bộ phần thịt ở hàm dưới bị rớt xuống, chỉ còn dính lại một chút bên phải. Vụ tai nạn nặng đến mức, chị bị đứt hẳn một sợi dây thần kinh ở cằm, gẫy xương quay tay và hai xương ngón tay.

Thời điểm đó Lê Hà đang làm rất nhiều phim. Chồng chị phải gọi điện cho từng công ty để nói họ đổi vai. Tình huống bất khả kháng nên các công ty đành chịu nhưng riêng bộ phim "Tình yêu và bóng tối" nhà đài không đồng ý thay người. Họ chấp nhận chờ Lê Hà ra viện để làm tiếp, dù phim đang ở tình trạng cần làm gấp do phim lồng tiếng tới đâu phát sóng tới đó.

Lý do là nhà đài và công ty lồng tiếng đã phải cast rất nhiều diễn viên cuối cùng mới chọn được Lê Hà. Vậy là sau hai tuần nằm viện và nghỉ ngơi, Lê Hà quay lại phòng thu để tiếp tục công việc, dù thời điểm ấy ngay đến việc nói chuyện bình thường đối với chị đã vô cùng khó khăn. 

[Video] Những pha lồng tiếng líu lưỡi, không thể nhịn cười ở phòng thu - Ảnh 4.

Lê Hà (hàng trên bên phải) cùng các cô chú diễn viên thế hệ trước trong buổi livestream với báo Trí Thức Trẻ.

Chị chia sẻ: "Tôi phải cố gắng dù rất đau. Lúc đó, tay không tự chạy xe được, miệng không nói được nhưng vẫn phải đi làm vì họ đã mất công chờ mình thì mình phải làm để kịp phim phát sóng. 

Mỗi ngày ở nhà, tôi phải tập nói lại từ đầu, quay lại những bài học vỡ lòng về cơ miệng, cơ mặt, thậm chí cả cách phát âm. 

Lúc đó những bài học về bộ môn tiếng nói sân khấu mà thầy Nam Anh dạy lại quay trở về. Mất hai tháng tôi mới nói lại được bình thường nhưng đó là cả quá trình rèn luyện đầy gian khổ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại