Khái niệm "Drone" giờ cũng không còn xa lạ gì với tất cả chúng ta nữa. Hiểu một cách khoa học thì đó là một dạng thiết bị bay không người lái (UAV).
Nhưng đơn giản hơn thì những chiếc flycam mà bạn vẫn thường thấy cũng là một dạng drone, được sử dụng với mục đích quay phim chụp ảnh.
Cả 2 đều là drone
Drone ngày càng phát triển, bay cao, bay xa và ngày càng "nét" hơn. Nhưng lúc này mới nảy sinh vấn đề, đó là nếu nó bay được đến độ cao của máy bay thương mại thì liệu va chạm có xảy ra? Và hậu quả của vụ va chạm sẽ là như thế nào.
Để tìm ra câu trả lời. các chuyên gia từ Viện nghiên cứu của ĐH Dayton (UDRI - Mỹ) đã làm một thử nghiệm nhỏ. Họ "bắn" một chiếc drone lên trời bằng đại bác, hướng nó đến một chiếc Mooney M20 - loại máy bay gia đình có công suất nhỏ.
Chiếc máy bay dĩ nhiên là cố định thôi. Nhưng nhờ đại bác, chúng ta có thể mô phỏng lại vụ va chạm giữa một chiếc drone nặng chưa đầy 1kg, và chiếc máy bay đang di chuyển với vận tốc 383km/h.
Trong vòng chưa đây 3% của 1 giây, drone đã đâm vào cánh của máy bay, và video dưới đây sẽ cho bạn thấy chuyện gì đã xảy ra.
Ít ai ngờ một chiếc Drone tý hon có thể gây thảm họa hàng không
Có lẽ rất nhiều người đã nghĩ đến cảnh chiếc drone bị vỡ tan tành trong tích tắc. Nhưng rất tiếc, bản thân chiếc máy bay mới là thứ bị tổn thương. Cánh quạt trên drone đã khiến cánh máy bay bị xé nát, khiến phần khung chính nâng đỡ trọng lượng bị tổn hại nghiêm trọng.
"Khi 4 cánh quạt của drone vỡ ra, năng lượng từ vụ va chạm đã tích tụ lại, gây tổn hại mạnh cho cánh máy bay," - trích lời Kevin Poormon, trưởng nhóm nghiên cứu tại UDRI.
"Nếu phần cánh bị tổn hại quá nhiều, bạn sẽ không thể bay tiếp được. Máy bay sẽ rơi,"
Poormon cho biết, vụ va chạm này cũng có thể so sánh với các trường hợp tai nạn hàng không do chim trời trong quá khứ. Tuy nhiên, thiệt hại đến tận bộ khung chính của cánh máy bay thì chim không làm được. Chỉ có drone thôi.
"Drone có cân nặng giống như các loài chim trời, và chúng tôi cũng từng thấy nhiều báo cáo về việc suýt va chạm giữa máy bay và drone từng xảy ra," - trích lời Poormon.
Kết quả nghiên cứu này không đồng nghĩa với việc các máy bay thương mại hiện tại đều gặp đe dọa vì một số lý do. Thứ nhất, drone dân dụng như flycam hiện chưa thể bay quá cao được. Thứ 2, các chuyên gia chưa có điều kiện để thực hiện một thử nghiệm tương tự với các máy bay lớn hơn.
Tuy nhiên theo Poormon, họ đang hy vọng rằng trong tương lai, họ sẽ làm được điều đó. Giả dụ như họ sử dụng một chiếc drone cỡ lớn, có cả động cơ và kính chắn gió, thì không biết vụ va chạm sẽ khiếp thế nào?
Ngoài ra, ông cũng cho rằng đây là phát súng đầu tiên để nhà chức trách sớm đưa ra quy định đối với drone, nhất là khi thời đại 4.0 đang khiến công nghệ phát triển quá nhanh.
Tham khảo: Daily Mail, Science Daily