Trang Newsweek đưa tin, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại qương Quốc gia Mỹ (NOAA) vào năm 2021 tình cờ quay được cảnh một "quái vật biển" có hình dáng kỳ lạ. Video này được ghi hình khi NOAA thực hiện sứ mệnh thám hiểm biển sau trong khoảng thời gian kéo dài từ ngày 26/10 đến hết 15/11/2021.
Sứ mệnh của NOAA là lập bản đồ, thu thập dữ liệu chưa từng biết đến về khu vực biển sâu ở Bắc Đại Tây Dương, bao gồm các vùng nước sâu ngoài khơi bang Florida, Georgia và South Carolina.
Vào ngày 9/11, robot thám hiểm của NOAA đang quét dọc đáy biển ở độ sâu khoảng 2.400 mét ngoài khơi bang Florida, Mỹ đã thu được hình ảnh của một con mực có xúc tu dài tới 6 mét. Theo mô tả của các chuyên gia, khi mới nhìn thấy con mực, họ có cảm giác nó có chút "ma quái" và giống như một sinh vật ngoài hành tinh. Con mực này dường như đã trưởng thành, có chiều dài xúc tu tới 6,4 mét, trong khi phần thân chỉ dài 30cm.
Video ghi hình con "quái vật biển" với xúc tu dài 6m ở độ sâu 2.400 m so với mặt nước biển. (Nguồn: NOAA)
Nhà động vật học Michael Vecchione thuộc NOAA nhận định rằng con mực xuất hiện trong video là mực tay dài, thường sống ở vùng biển sâu. Theo Vecchione, không có nhiều quan sát về mực tay dài được ghi nhận, đến nay chỉ có khoảng hơn 10 lần phát hiện sinh vật hiếm thấy này. Độ sâu kỷ lục từng phát hiện mực tay dài là 4.734m.
Theo Reddit, mực tay dài hay còn gọi là mực Mangapinna là một trong những sinh vật khó nắm bắt nhất trong tự nhiên. Mực tay dài có chiều dài cơ thể lên đến 8m, sở hữu các xúc tu lớn gấp 5 đến 20 lần kích thước cơ thể chúng.
Các xúc tu của mực tay dài cùng một hình dạng và dài tương đương nhau. Trong khi đó, những loài mực khác có 2 xúc tu ngắn hơn 6 xúc tu còn lại.
Khi di chuyển, chúng mở các xúc tu dài ra sau đó uốn cong 1 góc gần 90 độ. Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là hành vi kiếm mồi của mực tay dài. Một hành vi khác mà nhóm nghiên cứu quan sát được là các con mực tay dài giữ xúc tu vuông góc với cơ thể trong khi di chuyển từ phương ngang sang tư thế thẳng đứng.
Mực tay dài thường được tìm thấy ở vùng nước sâu từ 1.000 đến 4.000m so với mặt nước biển. Ở độ sâu này, ánh sáng mặt trời không thể tiếp cận và áp lực nước rất lớn. Khu vực chúng sống thường là trầm tích, trong địa hình có độ dốc thấp và phần trên của hẻm núi ngầm. Các hẻm núi ngầm và địa hình tương tự ở vùng biển sâu thường có nhiều sự đa dạng sinh học.
Mực tay dài lần đầu được phát hiện vào năm 1907 nhưng đến tận năm 1988 các cảnh quay đầu tiên của loài sinh vật kỳ lạ này mới được ghi lại trên máy ảnh của một thợ lặn ngoài khơi bờ biển Brazil.
Đến năm 1998, một thợ lặn người Nhật Bản có tên là Shinkai đã ghi lại được hình ảnh một con mực tay dài ở khu vực Mauritius thuộc Ấn Độ Dương. Ngoài ra, chúng còn được phát hiện ở các vực ngầm ngoài khơi vịnh Mexico.
Với vẻ ngoài đặc biệt, mực tay dài xứng đáng ghi tên mình vào danh sách những "quái vật" kì dị của đại dương.
*Nguồn: Newsweek, Reddit