Khủng hoảng rác thải nhựa hiện tại đã là một khái niệm không còn xa lạ với hầu hết chúng ta nữa.
Với hàng triệu tấn rác nhựa được thải ra các đại dương mỗi năm gây nên những thiệt hại lớn cho môi trường, loài người giờ đây cũng đang dần có trách nhiệm hơn trong từng hành động của mình. Chúng ta đang hướng đến một xã hội tái chế nhiều hơn, cố gắng phân loại rác trước khi vứt... Tất cả nhằm giảm được lượng rác thải ra môi trường, và đều đáng trân trọng.
Nhưng như vậy liệu có đủ không? Có phải chúng ta vẫn dùng đồ nhựa, chỉ cần vứt đúng chỗ, phân loại đúng nơi là ổn?
Thực ra nếu biết điều gì sẽ xảy ra với một chai nhựa sau khi bỏ vào thùng rác tái chế, bạn sẽ không còn nghĩ như vậy nữa đâu. Mới đây, Ivan Watson - phóng viên kỳ cựu của CNN đã làm một phóng sự về câu chuyện đằng sau những mảnh rác nhựa ai cũng nghĩ là được tái chế, được tóm tắt trong video dưới đây.
Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi bỏ chai nhựa vào thùng rác?
91% rác nhựa không được tái chế
Một chai nhựa sau khi bỏ vào thùng rác có thể được đưa đến một nhà máy tái chế nào đó. Nó sẽ được làm sạch, nghiền vụn, rồi "chế biến" thành các viên nhựa cỡ nhỏ - hay còn gọi là nurdle.
Nurdle sau đó sẽ được bán cho các nhà sản xuất, trở thành nguyên liệu để tiếp tục tạo ra các sản phẩm nhựa khác - như túi nylon, đồ chơi, đế giày dép... Nhìn chung, đó là một giải pháp giúp cho loài người vẫn có nhựa để dùng mà không cần phải sản xuất thêm quá nhiều nhựa mới.
Chai nhựa có thể vào đây
Nhưng bi kịch ở đây là loài người thải ra quá nhiều rác nhựa, các nhà máy tái chế không thể đáp ứng hết được. Điều này dẫn đến tình huống cái chai tưởng chừng sẽ được tái chế kia lại phải phơi mình ngoài bãi rác.
Và đó là câu chuyện xảy ra với phần lớn số rác nhựa được thải ra trên thế giới.
Nhưng cũng có thể phơi mình ngoài bãi rác
Theo thống kê của CNN, 91% rác nhựa đã không được tái chế. Riêng với chai nhựa, số liệu của IBISWorld cho thấy mỗi năm loài người thải ra đến 2,7 tỉ tấn, nhưng chỉ 30% là được tái chế. Và trong 30% ấy, cũng chỉ 1/5 được chuyển thành vật dụng trong ngành thực phẩm.
Tái chế thành viên nhựa? Chuyện chưa dừng lại ở đây
Ngay cả các viên nhựa mới được tái chế nói trên cũng không phải là giải pháp tối ưu hoàn toàn.
Nói qua một chút về các nurdle. Đây là những viên nhựa có kích thước từ 1 - 5mm, là dạng nguyên liệu cơ bản nhất trong ngành sản xuất nhựa. Lý do là bởi các viên nhựa như vậy rất đóng gói vận chuyển, tiết kiệm diện tích, và cũng dễ nung chảy hơn. Ngày nay, từ nước đóng chai đến nhựa trên TV, tất cả đều được chế tác nhờ nurdle.
Các hạt nhựa này cũng gây ra nhiều phiền toái cho môi trường
Tuy nhiên cũng vì hình thức quá nhỏ mà trong quá trình vận chuyển, các viên nhựa nurdle đã lọt ra ngoài môi trường, qua những con sông, ống nước... với số lượng lên tơi hàng tỉ viên.
Giới khoa học gọi đó là "nước mắt nhân ngư", và thiết nghĩ đây là một biệt danh rất phù hợp. Bởi lẽ khi lọt ra đại dương, các hạt nhựa này gây nguy hiểm cho đời sống sinh vật theo cái cách kinh khủng nhất, đến nhân ngư nếu có thật cũng phải đổ lệ.
Với kích cỡ nhỏ và màu sắc bắc mắt, nurdle dễ dàng lọt vào chuỗi thức ăn của các loài vật dưới đại dương. Khi đi vào cơ thể, chúng bắt đầu cho phép các độc chất hữu cơ tích tụ, khiến cơ thể sinh vật nhiễm độc. Các độc chất này cũng rất bền vững, có thể tồn tại hàng năm trời, dẫn đến ảnh hưởng ra cả hệ sinh thái.
Các hạt nurdle có thể độc hại đến mức những người được giao nhiệm vụ dọn dẹp bãi biển cũng được khuyên rằng không nên chạm vào chúng bằng tay trần. Điều này có nghĩa rằng những tín đồ tắm nắng trên bãi biển trong giai đoạn này sẽ không thấy gì là vui vẻ.
Câu chuyện còn trở nên tệ hại hơn, khi ước tính có khoảng 53 tỉ hạt nhựa đã lọt ra ngoài môi trường mỗi năm tính riêng tại Anh Quốc. Con số ấy gom lại đủ để sản sinh ra 88 triệu chai nhựa.
Vấn đề thực sự không chỉ là vứt ở đâu
Câu chuyện trên không nhằm mục đích khuyến khích bạn vứt rác bừa bãi hay từ bỏ phân loại rác. Vấn đề là song song với điều đó, chúng ta cần phải giảm số lần sử dụng nhựa, nhằm giảm đi gánh nặng cho môi trường.
Bạn vứt rác đúng chỗ, đó là điều đáng quý. Bạn phân loại rác chuẩn chỉnh, điều đó còn đáng quý hơn. Nhưng nếu bạn bớt thải rác, Trái đất lúc đó mới thực sự cảm ơn bạn.
Tham khảo: CNN, Science Alert