Mùa nước nổi miền Tây là thời điểm nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng hạ lưu, những cánh đồng đầu nguồn ngập trắng xóa.
Khi đó, người dân thỏa sức thu hoạch những thứ được coi là đặc sản như: rắn, rùa, chuột, chim, cá linh non, cá lăng, cá lóc, bông súng, bông điên điển, tôm, cua, ốc, lươn...
Mùa nước nổi miền Tây thường kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 Dương lịch (tức khoảng từ 9 tháng 7 Âm lịch đến tháng 10 Âm lịch hàng năm). Dù được coi là mùa lũ, thế nhưng, những sản vật mà thiên nhiên ban tặng vào mùa nước nổi tạo nên đặc trưng rất riêng cho nơi đây.
Một trong những "nghề hot" trong mùa này phải kể đến là nghề bắt rắn ban đêm. Những con rắn nước, rắn hổ hành, rắn ri voi, rắn bông sung... ban ngày phải trú ở trên gò cao, đợi đêm đến chúng mới xuống tìm mồi, đây là thời điểm "vàng" để những người đàn ông đi "săn rắn".
Trong đoạn phóng sự dưới đây, nhóm 3 người đàn ông đã đi thuyền săn rắn ban đêm ở xã An Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Chỉ với chiếc đèn soi nhỏ, đám "thợ săn" đã nhanh chóng phát hiện ra những con rắn đu mình trên tán cây. Cảnh tượng những đôi bàn tay trần thoăn thoắt vạch bụi rậm, tán cây túm rắn, thả vào lồng khiến người xem giật mình thon thót. Những thước phim được VTV2 ghi lại trong loạt phóng sự "Miền Tây mùa nước nổi".
Giật thon thót xem cảnh săn rắn ban đêm ở miền Tây. (nguồn: phóng sự Miền Tây mùa nước nổi - VTV2)