Lời dẫn
Rất nhiều nhà sử dụng bồn inox để trữ nước, thậm chí có nhà dùng nhiều hơn 1 bồn
Mình ở nhà liền kề (nhà mặt đất), thuộc khu vực quận Long Biên và cách cầu Chương Dương không xa lắm. Giống như nhiều gia đình quanh đó, nhà mình sử dụng 2 bồn nước 1000L bằng inox trữ nước sinh hoạt để có được áp lực nước ổn định chứ không dùng nước trực tiếp từ sau đồng hồ nước. Do vậy, mình có thể quan sát được tương đối về chất lượng nước cấp dựa vào lượng cặn bẩn đọng lắng dưới đáy các bồn nước.
Cặn bẩn bên trong bồn inox chứa nước trực tiếp sau đồng hồ nước
Nhà xây từ năm 1994 nên sử dụng loại ống nước mạ kẽm. Tới nay dù trải qua vài lần tu sửa và đã thay thế phần lớn ống dẫn nước bằng ống nhựa PVC, PPR đi nổi nhưng còn sót lại một số chỗ vẫn là những đoạn là ống kẽm chìm trong tường.
Con mình bị mẩn ngứa khắp người, đi khám da liễu mà không khỏi
Trước đây từng có thời gian con mình bị ngứa ngáy, mẩn đỏ khắp người. Dù đã đi khám da liễu, bôi nhiều loại thuốc ngoài da nhưng bệnh vẫn không đỡ. Chỉ tới khi mình xả toàn bộ nước trong các bồn chứa, vệ sinh lòng bồn và thay nước thì mới hết ngứa. Từ đó cứ định kỳ 1 năm nhà mình lại vệ sinh bồn nước 2 lần và không xảy ra tình trạng ngứa ngáy nữa.
Dù nhà mới xây hay xây đã lâu thì tình trạng nước lẫn rong rêu đều khó tránh khỏi
Tuy nhiên, do chỉ vệ sinh được bồn chứa chứ không làm gì được bên trong đường ống dẫn nước nên hiện tương nước xả ra có lẫn đất, cát hoặc rong rêu vẫn thi thoảng còn bắt gặp. Chắc các bạn ở nhiều khu vực khác cũng không lạ gì với tình trạng nước xả ra từ vòi có nhiều cặn bẩn, đục màu,... và phải một lúc sau mới hết những tạp chất nhìn thấy được bằng mắt thường này.
Một lần tình cờ lướt Facebook bắt gặp quảng cáo dịch vụ sục rửa đường ống nước nên mình có tìm hiểu và nhận thấy có 2 trường phái vệ sinh đường ống nước là (1) sử dụng hóa chất (AVCO STR H-52, Dynamic Descaler, Rydlyme...) và (2) sử dụng các tác động cơ học.
Mình biết đến dịch vụ này qua quảng cáo trên Facebook
Việc dùng hóa chất có một số nhược điểm như: dư lượng hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được làm sạch đúng cách; và đồng thời, lượng dung dịch sau khi làm sạch có thể khiến bể phốt có mùi, ảnh hưởng độ bền đường ống nếu không được sử dụng đúng cách.
Vì vậy, sau khi cân nhắc thì mình đã lựa chọn dịch vụ làm sạch đường ống bằng cơ học mà cụ thể là sục khí nén. Việc thỏa thuận giá cả diễn ra cũng nhanh chóng qua Facebook Messenger, và chốt thời gian là đầu giờ chiều một ngày thứ 7 cuối tuần.
Bắt đầu
Đội vệ sinh đường ống nước gia đình mình hôm đó gồm 2 người với trang bị như sau: một chiếc máy nén khí, một thùng sơn chế (gắn thêm vòi), vài đoạn ống dẫn và trái tim là một bộ phận điều khiển đặt trong vali.
Bạn kỹ thuật giải thích: Bộ điều khiển sẽ giúp điều chỉnh áp lực theo cài đặt của người vận hành hoặc giảm tự động khi quá áp để không làm hư hại đường. Nước sẽ được hút từ thùng sơn và đẩy vào đường ống dưới áp suất lớn (từ vài chục đến vài trăm MPa) và tốc độ cao để tẩy sạch cặn bám, rong rêu trong đường ống nước.
Theo bạn kỹ thuật thì phương pháp này có những ưu điểm như sau:
•Có thể làm sạch đến hơn 90%, không làm tổn thương đường ống.
•Xử lý làm sạch không phải tháo đường ống ra.
•Làm sạch mọi loại cặn bám trong đường ống.
•Tốc độ làm sạch nhanh.
•Xử lý làm sạch được các đường ống có cấu trúc phức tạp.
•Thao tác đơn giản, dễ sử dụng.
•Không gây ô nhiễm môi trường.
Quy trình sục rửa có thể tóm gọn như thế này:
1. Bạn kỹ thuật dùng remote để điều khiển cho máy nén khí chạy hoặc ngắt.
2. Máy nén khí sẽ hút nước trong thùng sơn chế để đẩy vào đường ống.
3. Một bạn khác đi mở lần lượt từng vòi nước, vòi sen tắm, xả bồn cầu,... để xả cặn bẩn ra. Phần đầu các vòi đều có cục lọc nho nhỏ nên phải giữ lại cẩn thận khỏi thất lạc.
4. Vệ sinh đường ống ở tầng nào thì vác máy móc đi đến đó.
Nhà mình có 2 tầng và một tum, trong đó hệ thống tiêu thụ nước được bố trí như sau:
Nước từ sau đồng hồ sẽ chảy vào bồn inox 1 ở tầng 1 rồi được máy bơm đẩy lên bồn inox 2 ở trên nóc tầng tum.
Tầng 1 có 1 bồn rửa bát, 1 máy giặt và 1 nhà vệ sinh với 1 bồn rửa mặt, 1 bồn cầu, 1 vòi xịt, 1 vòi sen tắm và 1 bình nước nóng.
Tầng 2 có 2 nhà vệ sinh với 2 bồn rửa mặt, 2 bồn cầu, 2 vòi xịt, 2 vòi sen tắm, 2 vòi nước và 1 bình nước nóng chung cho 2 nhà vệ sinh.
Tầng tum có 1 bồn rửa bát, 2 vòi nước và 1 hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời 200L.
Sục bình nước nóng
Mình liệt kê chi tiết như vậy để các bạn dễ hình dung ra khối lượng công việc, khối lượng nước phải xả bỏ trong quá trình sục rửa đường ống.
Chui vào trong bồn inox để cọ rửa
2 người làm việc không nghỉ mà cũng mất hơn 4 tiếng đồng hồ (từ 2h chiều đến ngoài 6h chiều) mới xong.
Cọ rửa bên trong bồn nước inox
Các bạn xem video chi tiết dưới đây dể dễ hình dung hơn nhé!
[Video] Đã bao lâu rồi nhà bạn chưa vệ sinh đường ống nước- Thử dùng dịch vụ sục đường ống và kết quả rùng mình
Trải nghiệm dịch vụ sục đường ống nước sinh hoạt và kết quả quá đáng sợ
Kết quả
Sau đây là một số hình ảnh khá ghê rợn trong quá trình xả cặn bẩn. Thật rùng mình khi nghĩ đến việc hàng ngày gia đình mình vẫn sử dụng nước này để sinh hoạt. Trong video phía trên có đầy đủ các công đoạn làm vệ sinh và hình ảnh trực tiếp khi xả vòi, các bạn hãy xem để thấy được toàn cảnh nhé!
Mình nghĩ một phần nguyên nhân đến từ vài đoạn ống mạ kẽm lâu ngày bị rỉ sét, tuy nhiên hàng xóm nhà mình mới xây nhà được vài năm, sử dụng hoàn toàn ống nhựa cũng thi thoảng gặp tình trạng nước bị lẫn cặn bẩn.
Bên cạnh đó, mặc dù đoạn đường ống dẫn từ sau đồng hồ đến bồn nước số 1 chỉ dài khoảng hơn chục mét, lại hoàn toàn là ống nhựa PPR nhưng trong bồn inox vẫn có cặn, kết tủa đen nên mình cũng rất nghi ngờ chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo.
Như vậy, mình vừa chia sẻ với các bạn trải nghiệm dịch vụ sục rửa đường ống nước nhà liền kề (nhà mặt đất). Mình chọn phương pháp này vì không sử dụng hóa chất nên không phải lo lắng về dư lượng hóa chất tồn dư, không gây hại cho sức khỏe.
Nước bẩn xả ra hoàn toàn là từ bên trong đường ống và bồn chứa nước. Đúng là không trông thấy thì không sao, chứ đã thấy rồi thì mới biết là mình dùng nước bẩn đến phát sợ bấy lâu nay.
Lần tới khi sục rửa đường ống cho nhà chung cư thì mình sẽ có bài chia sẻ tiếp. Các bạn nhớ đón xem nhé!