Trong khi những mẫu robot khác còn đang mải miết học cách chạy, nhảy lộn ngược hoặc chạy qua các chướng ngại vật thì hãy cùng xem cách con robot này học cách di chuyển ra sao trên bề mặt gồ ghề, chật hẹp mà không bị ngã lộn nhào.
Trong một video được Viện nhận thức về con người và máy móc Florida (IHMC) chia sẻ mới đây, các nhà khoa học đã phát triển thành công một hệ thống lập kế hoạch bước chân tự động cho robot Boston Dynamics Atlas và robot NASA Valkyrie.
Hệ thống sử dụng cảm biến để tìm ra con đường hiệu quả nhất để tới một địa điểm do con người lựa chọn. Nó thậm chí có thể hoạt động trên cả địa hình gồ ghề và chật hẹp.
Trước đây IHMC thường dựa vào phương pháp thủ công, đó là để con người điều khiển robot di chuyển các bước chân sao cho phù hợp thông qua một giao diện người dùng đặc biệt. Tuy nhiên phương pháp đó khiến robot di chuyển khá chậm chạp và có vẻ cồng kềnh.
Đó là lý do tại sao IHMC quyết nghiên cứu ra một phương pháp giúp robot có thể chủ động di chuyển mà không cần bàn tay điều khiển của con người.
Thật vậy, IHMC cho biết cách di chuyển dựa vào sự điều khiển của con người là một trong những lý do khiến robot Atlas từng bị ngã khi đang di chuyển trong cuộc thi thử thách robot do DARPA, cơ quan trực thuộc Bộ quốc phòng Mỹ tổ chức hồi năm 2015.
Để khắc phục lỗi do con người, hệ thống mới cho phép người vận hành có thể chọn vị trí di chuyển mong muốn cho robot. Nhưng đến bước cuối cùng không phải là con người điều khiển mà là thuật toán điều hướng robot di chuyển qua các chướng ngại vật bằng cách tạo ra bản đồ các bước cần di chuyển để tới điểm đích theo mong muốn.
Mô phỏng thuật toán điều hướng cho robot trên màn hình máy tính
Nhờ tạo ra điểm tưởng tượng trong không gian, robot có thể xác định được nơi đặt các bước cần di chuyển
Mặc dù vậy, phương pháp mới sẽ cần thêm thời gian để cải tiến vì hiện nay robot mới chỉ hoạt động ổn định 100% đối với địa hình bẳng phẳng. Trong khi đó, tỷ lệ di chuyển thành công qua các địa hình hẹp chỉ là 50% và gồ ghề là 90%.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ tăng tốc độ xử lý cho thuật toán, dạy robot cách điều hướng trong một mê cung hoặc các địa hình khác phức tạp hơn.
IHMC không phải tổ chức mới trong lĩnh vực phát triển robot. Hồi đầu năm nay, viện nghiên cứu này đã phát triển thành công robot hình người chạy bằng động cơ thủy lực, hứa hẹn sẽ nâng cao sức mạnh và phạm vi di chuyển của robot.
Những công nghệ ấn tượng giúp robot có thể di chuyển vững trên các địa hình gồ ghề
Tham khảo The Next Web