Đầu độc là phương thức giết người phổ biến dưới thời cổ đại , nhiều vụ hoàng đế, quý tộc hay thê thiếp bị đầu độc bí ẩn nhất lịch sử, tới nay đã được giới khoa học tìm lời giải đáp.
Trong series "3 vụ đầu độc bí ẩn nhất lịch sử Trung Quốc", hãy cùng nhìn lại những chất độc lạ, phương pháp khó tin và loạt tình tiết bất ngờ trong các vụ đầu độc nức tiếng Trung Hoa cổ đại!
Thanh triều "một bước lụi tàn"
Vị hoàng đế cuối cùng bị đầu độc ở Trung Quốc cổ đại là Ái Tân Giác La Tải Điềm, thường được gọi là vua Quang Tự (1871 - 1908).
Vào năm Quang Tự thứ 34 (tức năm 1908), vào ngày 21/10, Quang Tự "băng hà tại Đài Doanh Hàm Nguyên điện". Ngày hôm sau, 22/10, Từ Hi Thái hậu cũng băng hà tại Nghi Loan điện - Trung Nam Hải. Hoàng đế 38 tuổi và thái hậu 74 tuổi lần lượt qua đời trong vòng 24 giờ khiến người dân triều Thanh lúc đó vô cùng sửng sốt.
Vua Quang Tự. Hình ảnh: Sohu
Hồi đó xuất hiện rất nhiều lời bàn tán, có người cho rằng ông bị đầu độc chết, có người đồn rằng ông chết vì bệnh tật, trong đó "lời đồn về cái chết do bị hạ độc" được lan truyền nhiều nhất.
Một giả thuyết cho rằng hoàng đế rất vui khi biết Từ Hi không thể khỏi bệnh, Từ Hi đã rất tức giận khi nghe tin này và sai người trộn thạch tín vào loại thuốc mà hoàng đế đang uống để hạ độc, với mong muốn giết chết ông trước khi bà quy tiên.
Từ Hi thái hậu và vua Quang Tự. Hình ảnh: Baidu
Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng Từ Hi không hề có ý định làm hại Quang Tự, mà là tên thái giám Lý Liên Anh lo lắng cho địa vị của mình nên đã ra tay giết vua với danh nghĩa chủ tử của mình – Từ Hi Thái hậu.
Công chúa Đức Linh, người đã sống trong cung điện được hai năm, đã trực tiếp chỉ đích danh kẻ sát nhân là thái giám Lý Liên Anh trong cuốn sách "Doanh Đài khấp huyết ký": "Bọn quan lại trong triều, đứng đầu là đại thái giám Lý Liên Anh thường ngày ỷ thế chủ là Từ Hi hay làm nhiều chuyện tổn thương Quang Tự."
Nhưng cho đến nay, ai là kẻ chủ mưu hạ độc hoàng đế nhà Thanh, có lẽ sẽ mãi là một ẩn số!
Khai quật lăng mộ, hé lộ nguyên nhân cái chết
Để làm sáng tỏ sự thật, vài năm trước, trong nghiên cứu về các vấn đề học thuật lớn của "Dự án Biên soạn Lịch sử nhà Thanh", các chuyên đề đặc biệt đã được liệt kê để nghiên cứu nguyên nhân cái chết của Hoàng đế Quang Tự.
Theo dữ liệu nghiên cứu được công bố, sau khi kiểm tra độc tính của tóc, quần áo và xương thu thập được khi làm sạch quan tài ở lăng mộ vào năm 1980, người ta thấy rằng hàm lượng diarsenic trioxide (hay thạch tín) trong cơ thể rõ ràng rất bất thường. Báo cáo nghiên cứu cuối cùng khẳng định rằng "Hoàng đế Quang Tự chết vì ngộ độc thạch tín."
Thạch tín. Hình ảnh: Baidu
Thạch tín là một trong những chất độc thường được sử dụng để giết người ở Trung Quốc cổ đại. Vào thời nhà Thanh, Trần Sĩ Đạc có mô tả trong cuốn "Biện Chính lục – Trúng độc môn" rằng: "Những người uống phải chất độc của thạch tín, sẽ chết vì đau đớn, nếu không sơ cứu kịp thời, sẽ dẫn đến thối dạ dày, tiêu chảy, nôn ra máu tím và chết." Hơn nữa, thạch tín còn dễ hòa tan trong nước, khó mà phát hiện ra.
Trên thực tế, thạch tín cũng được gọi là hạc đỉnh hồng - là một vị thuốc Đông y có tác dụng chữa bệnh vượt trội, từ trước đến nay, các nhà y học Trung Quốc đều có sử dụng cho bệnh nhân, nguyên tắc điều trị của nó là "lấy độc trị độc", nhưng liều lượng và phạm vi sử dụng được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Những kẻ có mưu đồ bất chính thường lợi dụng việc "uống thuốc" để bỏ loại độc này vào và giết người.
Để ngăn chặn việc bị đầu độc bằng thạch tín, từ xa xưa nó đã được liệt vào danh sách "thuốc cấm", không được phép mua bán trên thị trường. Nhà Nguyên cũng thực hiện "hệ thống tên thật", và các giao dịch được đăng ký từng cái một.
Vậy còn hoàng cung phòng chống ngộ độc thạch tín như thế nào? Ngoài việc để các cận thần nô tì nếm thử, triều đình nhà Minh và nhà Thanh còn dùng "đĩa bạc" và "kim bạc" để thử độc. Nếu thực sự có độc thì đồ bằng bạc trắng tinh sẽ chuyển sang màu đen!