Vị vua tổ chức lễ Vu Lan nhiều nhất trong lịch sử: Cầu siêu cho tử sĩ vô danh

Lê Tiên Long |

Vua Minh Mạng là vị vua triều Nguyễn tổ chức nhiều lễ Vu Lan bồn, và không chỉ tưởng nhớ cha mẹ, nhà vua còn tri ân các tướng sĩ đã vì nước bỏ mình cùng cô hồn bơ vơ.

Rằm tháng Bảy theo dân gian là ngày xá tội vong nhân; đây cũng lại là ngày đại lễ Vu Lan theo văn hóa Phật giáo. Ngày này gắn liền với tinh thần báo hiếu, báo ân, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa. Để độc giả có thêm tri thức về truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc, chúng tôi đăng tải loạt bài: Vu Lan - Đạo Hiếu trong sử Việt.

* Bài 1: Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan?

* Bài 2: Vị vua chí hiếu trong sử Việt, khiến Phật hoàng Trần Nhân Tông 'thấy thẹn'

* Bài 3: Vị hòa thượng ngày ngày đi mua thịt cá nhưng vẫn được vua Tự Đức khen thưởng

Bộ quốc sử của triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ cho biết ngay từ năm đầu tiên sau khi lên ngôi (1820), vua Minh Mạng đã tổ chức đàn tế những người hy sinh vì nước vào tháng 7 âm lịch.

Sách Thực lục ghi lời vua bảo Bộ Lễ rằng : "Nay các công thần khai quốc và trung hưng đều đã đặt nơi tế tự rồi. Duy nghĩ rằng nhà nước từ lúc khai sáng đến giờ, bề tôi và quân lính chết vì việc nước không phải ít mà họ tên vùi mất không được thăm viếng tế tự, rất đáng đau thương".

Từ đó triều đình chuẩn định hằng năm lấy hai kỳ xuân thu, sau khi tế miếu công thần rồi, thì tế riêng những người chết về việc nước gọi là đàn Ân tự.

Năm Minh Mạng thứ 2, tháng 7, vua đến đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, và ban cho các tăng hơn nghìn lạng bạc.

Vị vua tổ chức lễ Vu Lan nhiều nhất trong lịch sử: Cầu siêu cho tử sĩ vô danh - Ảnh 2.

Vua Minh Mạng. Hình minh họa.

Rằm tháng 7 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Minh Mạng cũng lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ để cúng các chiến sĩ trận vong.

Theo Đại Nam thực lục: "Vua thương nhớ các tướng sĩ trận vong từ trước và tất cả những ma vô tự, sai lập đàn chay phổ độ thủy lục (dưới nước, trên cạn) ở chùa Thiên Mụ".

Khi nhà vua đến xem đàn chay, đã bảo các quan đi theo rằng: "Đặt đàn chay chưa biết những u hồn ở âm phủ có được thấm ơn không, chỉ là để tỏ ý trẫm thương nhớ bề tôi mà thôi".

Đại Nam thực lục cũng viết về việc Bộ Lễ sát hạch các nhà sư cả nước sau đàn chay, lấy năm chục người khá thông và hơi thông cho đãi tiệc chay, bạc lạng cùng giới đao và độ điệp rồi cho về.

Rằm tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua lại mở trai đàn ở chùa Thiên Mụ, để tế các tướng sĩ hy sinh khi đánh dẹp ở miền núi phía Bắc và đánh quân Xiêm ở Chân Lạp. Vua sai quyền thự Thống chế Bùi Công Huyên và Biện lý Công bộ Nguyễn Đức Trinh trông coi việc lập đàn.

Vị vua tổ chức lễ Vu Lan nhiều nhất trong lịch sử: Cầu siêu cho tử sĩ vô danh - Ảnh 3.

Chùa Thiên Mụ

Ngày lễ, vua đến chùa Thiên Mụ, tới trước đàn thờ các tướng sĩ, chính tay rót rượu, sai các quản vệ dâng tế. Thống chế Phạm Văn Điển, Chưởng cơ Lê Văn Thuỵ, trước đây đều đã cầm quân đi đánh dẹp, nên vua sai họ chia nhau dâng rượu các đàn thờ.

Sử viết: Vua truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày (gọi là tam thất, tức là ba nhân bảy) để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Vua nói: "Lòng ta nhớ nghĩ đến tướng sĩ, không lúc nào quên".

Sau đó, vua Minh Mạng truyền sai triệu tập những nhà sư ở chùa các địa hạt, người nào tinh tiến giữ giới, đến Kinh, cấp cho giới đao độ điệp (dao cho sư đeo dùng để cắt áo và giấy độ điệp là bằng chứng nhận của nhà nước cấp cho nhà sư).

Năm sau, cũng vào tết rằm tháng 7, vua Minh Mạng lại cho đặt một đàn chay thuỷ lục ở chùa Thiên Mụ để siêu độ cho vong linh các quan quân chết trận ở các đạo quân Bắc Kỳ mới được 7 ngày. Sau đó cho bày thêm bài vị, tiếp tục làm chay siêu độ cho các tướng biền, binh lính vì đánh dẹp Phiên An mà chết trận, chết bệnh. 

Vua Minh Mạng cũng ra lệnh cho quan tỉnh Gia Định sắm nhiều bò, lợn, giấy tiền, mọi thứ lễ phẩm, ban một đàn tế tướng sĩ hy sinh ở đó để tỏ đạo trung hậu.

Khi vua ra chơi xem làm chay ở chùa Thiên Mụ, đã bảo quan hầu rằng: "Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng Tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. 

Kể ra người ta sinh ở trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người bằng thuyết hoạ phước, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan.

Một việc khuyên người làm thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống lại, cũng không thể đổi bỏ đi được".

* Đọc bài tiếp theo: Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại