Từ xa xưa cho đến nay người ta vẫn rêu rao câu nói "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng".
Chính vì thế mà những người có thân phận làm "tập 2" thường khá chạnh lòng khi có ai đó vô tình nhắc đến câu nói trên, bởi phần nào đó câu nói cũng là những định kiến xót xa về mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng trong đời sống thực tại.
Mới đây, trên một nhóm kín dành cho chị em phụ nữ cũng xuất hiện một bài đăng thu hút khá nhiều sự chú ý của mọi người xoay quanh chủ đề con anh – con tôi – con chúng ta:
Người vợ trẻ tỏ ra ngao ngán vì luôn bị mẹ chồng mặc định là "dì ghẻ" nên ghét con riêng của chồng.
Theo như trần tình của chị Lan Anh thì chị cho biết rằng mình là tập 2 của chồng, vừa kết hôn hồi đầu năm 2018, hiện đang mang bầu 3 tháng.
Điều đáng bàn là chị sống cùng gia đình chồng bao gồm bố mẹ chồng, chồng và một cậu con trai riêng của chồng với người vợ cũ năm nay được 5 tuổi.
Chị Lan Anh nhận xét rằng con riêng của chồng là đứa trẻ khá tinh quái, nghịch ngợm, lại không biết lễ độ, thường xuyên được mẹ chồng chị chiều chuộng vô lối.
Đỉnh điểm làm nên cơn bức xúc của chị Lan Anh là khi chị phát hiện ra đứa trẻ này lén "thó" vải trong tủ lạnh ra để ăn một mình, không hỏi han ý kiến của ai trong nhà mặc dù trước đó, sau bữa cơm gia đình chị cũng đã ăn tráng miệng vải no nê.
Khi thấy cậu bé có vẻ không biết nghe lời, cộng với sự sốt ruột lo lắng con chồng có thể bị hóc vì ăn vải mà không có người lớn bên cạnh, chị Lan Anh mới ngay miệng mắng cho đứa bé một trận.
Vì đôi ba câu nói giáo huấn con, chị Lan Anh lại nhận về nhận xét cay đắng của mẹ chồng. Mẹ chồng chị bênh đứa bé, cho rằng chị mắng mỏ nó là vì tiếc vài quả vải, và vì nó là con riêng của chồng nên chị mới hắt hủi, ghét bỏ nó.
Trước sự oan ức này, chị Lan Anh đã viết bài tâm sự giãi bày với 500 chị em, vừa bộc bạch nỗi khổ tâm của mình, vừa xin ý kiến chị em xem mình hành xử như vậy là đúng hay là sai.
Các chị em đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện này, người đồng tình cũng có mà người ném đá lại càng nhiều.
Ngay sau khi được đăng tải, bài đăng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân tình. Nhiều chị em ngay lập tức để lại bình luận tham gia đóng góp ý kiến với chị Lan Anh, cho rằng tình cảnh của chị đúng là tình ngay lý gian.
Người ngoài đọc và hiểu chuyện có thể biết rằng chị muốn tốt cho đứa nhỏ, muốn uốn nắn và giáo dục nó ngay từ khi còn bé để lớn lên trở thành người tốt.
Nhưng đối với người trong gia đình chồng chị Lan Anh, đặc biệt là vị trí mẹ chồng – bà nội đứa bé, bà sẽ không khỏi cả nghĩ rằng chị vì ghét bỏ con riêng của chồng mà tìm cớ mắng mỏ nó, lại còn mắng ngay trước mặt bà chẳng khác nào xát muối vào tim bà.
Theo những người này thì tâm lý người lớn tuổi rất thương con thương cháu, họ có thể thương sai cách, nhưng dù thế nào cũng muốn bảo vệ núm ruột của mình.
Chị Lan Anh đang ở vai trò "mẹ ghẻ" nên không khó tránh khỏi bị mang tiếng ác. Nhưng chỉ cần chị Lan Anh dùng cái tâm sáng của mình để giáo huấn đứa trẻ thì sẽ đến lúc mẹ chồng chị thấu hiểu được thôi.
Hành động của người vợ trẻ bị lên án là ích kỷ, nhỏ nhen với con chồng hơn là muốn tốt cho đứa trẻ. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó cũng có người phê phán chị Lan Anh là nhỏ nhen, ích kỷ và hẹp hòi với con riêng của chồng.
Cho rằng những gì chị nói chỉ là bao biện, vì trẻ con 5 tuổi hoàn toàn có thể ăn vải nhằn hạt nên chuyện chị lo lắng cũng là lo xa.
Hơn nữa đứa bé vẫn còn quá nhỏ để nhận thức lễ độ, lại là con trai nên chuyện tinh nghịch là điều không thể tránh khỏi.
Nếu chị Lan Anh đã chấp nhận yêu chồng từng qua một lần đò thì cũng cần phải chấp nhận lẫn yêu thương con riêng của chồng.
Những người này cho rằng chính hành xử thiếu tinh tế của chị Lan Anh nên mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu và mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng mới bị đẩy lên tới đỉnh điểm.
Cũng có thể vì đứa bé không phải là con ruột do chị Lan Anh sinh ra nên mới bị chị hắt hủi như thế, chứ nếu là con chị thèm thuồng quả vải hẳn mọi chuyện đã khác rồi.
Hiện tại, bài đăng của chị Lan Anh vẫn nhận được vô vàn ý kiến bình luận trái chiều.
Người bênh vực có, người phê phán cũng nhiều.
Nhưng đúng là thông qua câu chuyện này có thể thấy rằng việc làm mẹ đứa con do chính mình sinh ra đã khó khăn trăm bề, thì việc làm mẹ của một đứa trẻ không do mình sinh ra mà của chồng và người phụ nữ khác còn gian nan gấp mấy mươi lần.
Những người phụ nữ vào tình cảnh ấy chẳng thể làm gì khác ngoài việc dành hết tâm sức để yêu thương chồng con, để người khác nhìn vào có thể cảm nhận được tấm chân tình của mình mà xoá bỏ đi phần nào định kiến "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng".