Vị Tướng mở đầu binh nghiệp bằng "Đội quân áo nâu"

Báo chính phủ |

Dường như không ai trong số 15 vị Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay (và cả 4 vị Đại tướng Công an nhân dân Việt Nam), mở đầu con đường binh nghiệp như Đại tướng Lê Đức Anh - tổ chức và lãnh đạo “Đội quân áo nâu” trong những ngày Nam Bộ kháng chiến.

Sách “Lộc Ninh - Lịch sử và truyền thống” (xuất bản năm 1987) viết: Ngay sau ngày 2/9/1945, theo phân công của chính quyền cách mạng Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh - người phụ trách quân sự, bắt đầu tổ chức lực lượng Vệ quốc đoàn, thu hút nhiều thanh niên tích cực trong các làng cao su ở Lộc Ninh, biên chế thành tiểu đội, trung đội, đồng phục quần áo màu nâu, giày ba ta, đội calo vải xanh và họ được gọi là “Đội quân áo nâu”.

Lật những trang về trước, sách này ghi về các sự kiện sau khởi nghĩa Nam Kỳ 1940: Tình thế vô cùng khó khăn, Xứ ủy Nam Kỳ coi như không còn vì đảng viên phần lớn bị bắt, bị giết và tù đày, số còn lại về các nơi tìm cách gây dựng lại phong trào.

Các đảng viên như Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Tủng (Tư Tờ), Nguyễn Xang (tức Hoàng Dư Khương) về vùng Thủ Dầu Một hoạt động trong công nhân cao su.

Cuối năm 1942, hàng trăm công nhân làng 4, 9, 10 đồn điền Lộc Ninh biểu tình thị uy đòi chủ sở không được cúp phạt.

Đầu năm 1943, hơn 300 công nhân làng 4 đồn điền Lộc Ninh kéo đến văn phòng chủ sở đòi không được cúp lương, phải tăng lương; xô xát xảy ra, địch đàn áp, công nhân chống lại quyết liệt, thấy vậy chủ chánh Công ty Xét-xô phải nhượng bộ; lúc đó tại làng 1 đồn điền cao su Dầu Tiếng, Ban cán sự Đảng Thủ Dầu Một được thành lập gồm các đồng chí Văn Công Khai, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung, Vũ Văn Hiền…

Đồng chí Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Trung được phân công trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Lộc Ninh và toàn bộ vùng các dân tộc ít người phía bắc Lộc Ninh.

Như vậy, trước khi xuất hiện “Đội quân áo nâu” trên vùng đất miền Đông Nam Bộ, người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Anh - người con gốc Phú Vang, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, học trò tiểu học thành Vinh, đi làm gia sư và lần theo con đường cách mạng ở xứ Huế, hoạt động đấu tranh và vào đất Nam Kỳ từ cuối năm 1939 - đã giữ vai trò thủ lĩnh phong trào công nhân các đồn điền cao su ở Lộc Ninh, Hớn Quản.

Chuyện kể rằng: Có lần Lê Đức Anh đóng vai một thầy xu chuyên đi phân phối thực phẩm cho công nhân, ông tận dụng việc thực dân Pháp bắt công nhân trồng rau, nuôi heo, bò cung cấp cho đồn điền để vừa tuyên truyền khuyến khích công nhân tham gia lao động, vừa đưa thông tin về Việt Minh và vận động họ gia nhập Công nhân cứu quốc.

Vai trò thủ lĩnh của người thanh niên công nhân tuổi ngoài 20 ấy càng nổi bật lên trong thời kỳ tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Ấy là khi Chi bộ Lộc Ninh được thành lập (tháng 2/1944), đồng chí Lê Đức Anh làm Bí thư, đã tăng cường vận động quần chúng, đưa Điều lệ Việt Minh vào phong trào công nhân và nhân dân trong vùng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong nhân dân và công nhân các đồn điền cao su, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng vùng lên khởi nghĩa.

Sau khi dự cuộc họp lần thứ 3 Ban cán sự Đảng Thủ Dầu Một trở về, từ tháng 3/1945, đồng chí Lê Đức Anh ráo riết thúc đẩy các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa trên tất cả các làng Lộc Ninh, Đa Kia…

Giữa tháng 8/1945, được tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Tổng bộ Việt minh kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, sau đó tin Hà Nội khởi nghĩa thành công đã về đến Nam Bộ.

Tại Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh triệu tập cuộc họp bàn việc cướp chính quyền và đề nghị phải thành lập ngay lực lượng vũ trang. Sáng sớm ngày 24/8/1945, hàng ngàn công nhân ở các làng cao su như Lộc Ninh, Đa Kia cùng đồng bào các dân tộc ở Lộc Ninh, lực lượng tự vệ nhất tề nổi dậy khởi nghĩa.

Đó là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khá tiêu biểu ở Lộc Ninh-Bình Phước. Từng đoàn người kéo nhau đi, cầm theo bất cứ thứ gì có thể dùng làm vũ khí chiến đấu, họ xông tới chiếm các trụ sở hành chính, trụ sở cảnh sát trong thị trấn, các bót canh, nơi ở và làm việc của bọn chủ sở đồn điền...

Cùng lúc ấy, một đội quân cảm tử với 3 khẩu súng vừa lấy được của giặc, còn lại toàn là gươm, giáo, gậy tầm vông, do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy đánh chiếm các mục tiêu trong sào huyệt của địch ở Lộc Ninh.

Quân Nhật trong các đồn bốt dù có kháng cự quyết liệt cũng không sao tránh khỏi bị quần chúng áp đảo và lực lượng vũ trang cảm tử tấn công tiêu diệt. Nhiều tên ngoan cố bị tiêu diệt, còn lại chúng buộc phải đầu hàng, toàn bộ vũ khí của chúng bị tước đoạt; quân khởi nghĩa giành toàn thắng.

Ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng ở Lộc Ninh được thành lập gồm các đồng chí Lê Đức Anh, Ba Quyên, Ba Ánh, Ba Đèn, Cầu, Kỳ, Ngàn và một số người khác. Đồng chí Lê Đức Anh được phân công phụ trách quân sự. Cùng ngày, Lộc Ninh đưa một bộ phận về tham gia cướp chính quyền ở Thủ Dầu Một.

Tiếp đó là sự kiện quan trọng nhất với bất cứ những người hoạt động từ tiền khởi nghĩa đến Tổng khởi nghĩa - ngày 2/9/1945, đoàn đại diện nhân dân và công nhân Lộc Ninh do đồng chí Lê Đức Anh dẫn đầu về Sài Gòn dự lễ Quốc khánh.

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước dân chủ cộng hòa và có tên trên bản đồ thế giới hiện đại; được lắng nghe lời thề “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ gìn nền tư do và độc lập” của Hồ Chủ tịch.

Trở về từ Sài Gòn trong không khí trang trọng và phấn khởi tự hào ấy, Lê Đức Anh hành động ngay không chậm trễ: Thành lập “Đội quân áo nâu”; lực lượng vũ trang ấy tổ chức và trang bị còn thô sơ, nhưng đó là hiện thân của ý chí quyết tâm của người dân Lộc Ninh nói riêng cũng như toàn Nam Bộ và cả nước nói chung trước âm mưu và dã tâm của thực dân Pháp đang muốn gây chiến tranh lập lại chế độ thuộc địa.

Hành động theo ý chí quyết tâm ấy, ngày 23/9/1945 tại Sài Gòn, lệnh kháng chiến chống thực dân Pháp gây hấn đã được phát đi cho toàn Nam Bộ. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, đơn vị hỗn hợp “Đội quân áo nâu” và “Đội quân cung tên” của Lộc Ninh (gọi chung là “Đội quân áo nâu”) do đồng chí Lê Đức Anh dẫn đầu theo Quốc lộ 13 tiến về Sài Gòn chi viện cho mặt trận nóng bỏng này.

Từ chiến tuyến của 4 cây cầu xung quanh Thành phố, quân và dân Sài Gòn có sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang các địa phương, trong đó có “Đội quân áo nâu” của đồng chí Lê Đức Anh, đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, giam chân chúng trong nội thành, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng củng cố và xây dựng để chuyển sang kháng chiến lâu dài.

Cuối năm 1945, đơn vị vũ trang “Đội quân áo nâu” rút về trấn giữ cầu Bến Phân - Thủ Dầu Một, rồi về Bến Cát để củng cố và tăng cường thực lực. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lê Đức Anh, “Đội quân áo nâu” trở thành một bộ phận lực lượng vũ trang chủ lực khu tỉnh, tham gia nhiều trận chống càn ở Tà Bái, Sóc Sim, rồi về hoạt động ở Lộc Ninh, Bù Đốp, Đa Kia, lập nhiều chiến công.

Thời ấy Quân đội nhân dân Việt Nam chưa quy định quân hàm quân hiệu, người chỉ huy “Đội quân áo nâu” không có chức danh nhưng được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị vũ trang của ông cũng như trong đội ngũ cán bộ chính quyền cách mạng Lộc Ninh rất tuân phục và nể trọng bởi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và tài vận động quần chúng của người cán bộ trẻ tuổi và năng nổ Lê Đức Anh.

Cuối năm 1946, Quận ủy lâm thời Hớn Quản được thành lập, đồng chí Lê Đức Anh được cử làm Bí thư Quận ủy. Đến đầu năm 1947 đồng chí Lê Đức Anh được điều đi làm Chính trị viên Chi đội 1, chi đội vũ trang cách mạng đầu tiên của chiến trường Nam Bộ.

Ở Việt Nam, binh nghiệp của một vị tướng - nhất là tướng đi qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược, thường được hậu thế huyền thoại hóa từ những chiến công lẫy lừng. Đại tướng Lê Đức Anh cũng không ngoại lệ, chỉ có điều khác biệt là ở ông, chính “Đội quân áo nâu” mới đích thực “khởi nghiệp” những mùa chiến chinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại