Vị tướng "đòi" ngủ trên xe tăng: Các cậu ấy ngủ được thì tớ cũng ngủ được!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đó là câu khẳng định của Thiếu tướng Lê Chưởng khi ông yêu cầu cho mình ngủ trong xe tăng trong một dịp ghé qua Đại đội xe tăng 3 của Mặt trận B4.

Và sự giản dị, dễ gần của ông đã để lại trong lòng những người lính trẻ những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ về tình cảm giữa người chỉ huy với bộ đội. Thật đúng là:

"Tướng sĩ một lòng phụ tử,

Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"

(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

Ngày 27.01.1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Vì vậy, Tết Quý Sửu - 1973 là cái Tết hòa bình đầu tiên đối với dân tộc Việt Nam sau mấy chục năm chiến tranh khốc liệt. Tình hình chung là như vậy, song ở nơi này nơi khác tiếng súng vẫn vang lên trong các cuộc tranh chấp vùng ảnh hưởng. Và đối với những người lính, sự cảnh giác là không bao giờ thừa.

ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập, 1 chọi 10 - Trận đấu tăng bi tráng...

Trận địa trực chiến giữa địa bàn chiến lược

Đang vui mừng, phấn khởi chuẩn bị đón cái Tết hòa bình đầu tiên sau mấy chục năm bom đạn, loạn ly với rất nhiều dự định thì Đại đội xe tăng 3, Tiểu đoàn 408, Mặt trận B4 nhận lệnh: "Điều một trung đội ra trực chiến tại sân bay A Lưới! Trung đội còn lại có nhiệm vụ bảo vệ sân bay A Sầu!".

Ban chỉ huy đại đội quyết định cử Trung đội xe tăng 2 do thiếu úy Nguyễn Văn Phùng chỉ huy đi làm nhiệm vụ ở A Lưới. Còn Trung đội xe tăng 1 do chuẩn úy Nguyễn Quang Hòa chỉ huy có nhiệm vụ ở lại hậu cứ và trực chiến tại A Sầu.

Nhiệm vụ của Trung đội xe tăng 2 là thực hiện chế độ sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không ra khu vực sân bay A Lưới.

Thế là kế hoạch đón Tết, mừng Xuân đành gác lại. Một tổ trinh sát do đại đội trưởng Lê Minh Đô dẫn đầu đi ngay ra đó xác định trận địa. Còn lại, tất cả tập trung vào công tác chuẩn bị để lên đường trong thời gian ngắn nhất.

Sáng 28 Tết năm đó, trung đội bắt đầu xuất phát. Do quãng đường từ hậu cứ ra đến vị trí trực chiến cũng không xa lắm nên chỉ khoảng gần trưa là đến nơi. Vị trí các xe đã được tổ trinh sát xác định sắn nên xe nào xe nấy nhanh chóng vào vị trí.

Vì ở đây la liệt những hố bom với hố bom nên bộ đội đã tận dụng chúng làm công sự cho xe tăng. Nhờ vậy, chỉ chưa đày một ngày sau khi có mặt, hệ thống công sự cho xe tăng đã hòm hòm. Một cái chòi gác cao lêu nghêu được dựng lên để quan sát, cảnh giới từ xa. Mọi công việc phục vụ cho nhiệm vụ trực chiến cơ bản đã đâu vào đấy.

Trải dài hàng chục km, chỗ rộng nhất hơn ba km thung lũng A Lưới là một địa bàn có vị trí quan trọng tầm chiến lược nên đã bị hai bên giành đi, giật lại khá nhiều lần. Lần gần đây nhất là năm 1969, Sư đoàn Kỵ binh bay của Mỹ đã đổ bộ lên đây.

Vị tướng đòi ngủ trên xe tăng: Các cậu ấy ngủ được thì tớ cũng ngủ được! - Ảnh 2.

Một đơn vị xe tăng thuộc Trung đoàn 202 hiệp đồng cùng bộ binh tấn công vào sân bay Quảng Trị, tháng 4/1972.

Vì vậy, việc cấp trên phải đề phòng một cuộc đổ bộ đường không tương tự của phía Việt Nam Cộng hòa cũng là điều dễ hiểu. Và đó cũng chính là lý do mà Trung đội xe tăng 2 có mặt tại đây vào thời điểm này.

Cũng vì Tết nhất đến nơi nên ngay sau khi hoàn thành hệ thống công sự chiến đấu cả trung đội đã bắt tay vào xây dựng nhà "C bộ". Với một số vật liệu đã chuẩn bị sẵn từ "nhà" nên công việc cũng khá nhanh.

Cho đến chiều 30 Tết thì nhà "C bộ" cũng tạm gọi là hoàn thành. Mặc dù còn đơn giản song cũng đủ chỗ cho các cán bộ đại đội ngủ nghỉ, làm việc và tiếp khách. Ấy là lo xa như vậy chứ bộ đội vừa làm vừa kháo nhau: "Ở đây thì làm quái gì có khách!".

Mấy ngày Tết trôi qua trong sự thấp thỏm và cảnh giác cao độ. Song thật may là không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ phía bên kia cũng đã cảm thấy đuối sức, hoặc giả từ bài học của Sư đoàn Kỵ binh bay của Mỹ mà họ không muốn sa vào vũng lầy này.

Nhịp sống của phân đội trực chiến dần trở lại bình thường. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Phùng đã ngắm được vài vạt đất có thể trồng rau để phân cho các xe.

Đúng lúc ấy thì phân đội có khách! Thật không ai ngờ được.

Các cậu ấy ngủ được thì tớ cũng ngủ được!

Chiều Mùng Hai hay Mùng Ba Tết gì đó, khi vầng dương chuẩn bị khuất sau dãy A Bia phía tây, các chiến sĩ đã qua một ngày trực chiến căng thẳng đang rủ nhau đi cuốc đất tăng gia thì họ phát hiện trên đường tuyến gần trận địa trực chiến của mình một chiếc com-măng-ca đang bị hỏng.

Một lúc sau, từ xe đó có hai người dò dẫm đi vào trận địa của họ. Những người lính trẻ hết sức ngạc nhiên khi thấy giữa khung cảnh hoang tàn của chiến địa bỗng một ông già đầu tóc bạc trắng, dáng hiền từ trong bộ quần áo lụa màu mỡ gà, chân lại đi đôi guốc mộc giống như một ông tiên xuất hiện trước mắt họ.

Khi thấy người cùng đi giới thiệu đây là Thiếu tướng Lê Chưởng, khi đó đang làm việc tại Ban thống nhất Trung ương, xe ông đi công tác qua đây bị hỏng, muốn nghỉ nhờ một đêm để lái xe đi lấy phụ tùng, các chiến sĩ vội báo cáo ngay lên Ban chỉ huy đại đội.

Thực ra, chỉ những chàng lính trẻ mới không biết ông là ai thôi chứ các đồng chí trong Ban chỉ huy đại đội đều đã biết ông hoặc nghe đến tên vị chính ủy lừng danh của Quân khu Trị Thiên rồi. Vì vậy, khi được nghe báo cáo Đại đội trưởng Lê Minh Đô vội vàng sửa sang quân phục sang đón tiếp ông.

Có lẽ tưởng ông đến kiểm tra nên đại đội trưởng Đô vội tập trung toàn đơn vị lại. Sau khi nghe chỉ huy đơn vị báo cáo, ông cho bộ đội ngồi xuống và bản thân mình cũng ngồi xuống luôn một cành cây trước hàng quân.

Trước hết, ông chúc Tết đơn vị, chúc toàn thể anh em mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, ông bảo người cùng đi - chắc là trợ lý của ông đưa cho mình cái túi, trong đó là mấy gói kẹo Hải Châu và 5 bao thuốc lá Thủ Đô bao bạc trao cho Đại trưởng Đô.

Thì ra đấy là quà ông tặng anh em ăn Tết. Ông nói giản dị: "Các đồng chí thông cảm! Tôi còn phải đi nhiều nơi nữa nên các đồng chí dùng tạm thế này thôi". Lính tráng ngồi dưới mắt mũi cứ sáng như đèn ô tô: "Thế này là quá nhiều và quá sang với chúng em rồi!".

Tiếp đó, ông thân mật hỏi han tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh... từng người. Được cái một trung đội xe tăng cũng ít người nên câu chuyện vui vẻ lắm. Sau cùng, ông thông báo một số tình hình thời sự và dự báo tình hình của ta. Lúc này thì lính tráng cứ há hốc mồm mà nghe bởi sự uyên bác của ông.

Trời sâm sẩm tối, buổi nói chuyện mới kết thúc. Đại đội trưởng Đô mời ông về bên nhà "C bộ" ăn cơm. Ông lắc đầu: "Cho tớ ăn chung với bộ đội! Còn để xem các cậu nuôi bộ đội thế nào chứ". Thế là bữa cơm lính được dọn ra. Ông vừa ăn ngon lành vừa pha trò làm bộ đội cười nghiêng ngả.

Cơm xong, Đại đội trưởng Đô lại tha thiết mời ông về nhà "C bộ" nghỉ ngơi cho đàng hoàng. Ông gật đầu nhưng hỏi lại: "Thế bộ đội các cậu ngủ nghỉ thế nào?". Trung đội trưởng Phùng gãi đầu, gãi tai: "Báo cáo thủ trưởng! Một số anh em mắc võng trong lán, một số ngủ trong xe ạ!".

Ông tỏ vẻ ngạc nhiên: "Trong xe cũng ngủ được à?". Phùng lại phải giải thích: "Đây là xe tăng bơi, lòng xe khá rộng nên ngủ trong đó được".

Thật bất ngờ khi ông quay sang bảo đại đội trưởng Đô: "Đêm nay cho tớ ngủ trong xe tăng nhé!". Trung úy Đô sững người, lúng búng: "Báo cáo thủ trưởng! Trong xe mùi dầu mỡ hôi lắm, lại bẩn nữa... sợ thủ trưởng sẽ không ngủ được".

Ông cười hiền từ, chỉ vào các chiến sĩ đang đứng xung quanh và nói: "Không sao cả! Các cậu ấy ngủ được thì tớ cũng ngủ được". Và thế là đêm hôm đó, một xe được dành cho ông và người trợ lý.

Sáng hôm sau ông dậy sớm ăn bữa cơm sáng đạm bạc cùng anh em. Lúc này, xe đã sửa xong và ông tiếp tục lên đường. Cánh lính trẻ tiễn ông đầy lưu luyến. Ông hẹn: "Nếu có dịp, khi quay ra tớ sẽ lại ghé thăm và ngủ một đêm nữa trong xe tăng".

Ông đi rồi, cánh lính trẻ còn bàn tán với nhau mãi. Họ không thể ngờ một vị tướng nổi tiếng của quân đội lại có tác phong giản dị và dễ gần đến thế!

Thiếu tướng Lê Chưởng sinh năm 1914, quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông được thụ phong quân hàm Thiếu tướng năm 1959 và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1971, ông chuyển ngành sang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ông sang công tác tại Ban Thống nhất trung ương. Thật tiếc là ông đã hy sinh tháng 10.1973 trên đường đi công tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại