Vị tướng "6 không" - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền

Thiếu tướng Hoàng Kiền |

Tướng Nguyễn Chơn là sư đoàn trưởng chưa từng thua trận nào, một vị tướng bậc thầy về lối đánh xóa sổ hoàn toàn đơn vị địch.

LTS: Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Anh hùng LLVTND về người thủ trưởng mà ông hết lòng kính trọng, ngưỡng mộ - Thượng tướng Nguyễn Chơn, một huyền thoại chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 2.

Cuối năm 1970, tôi (Hoàng Kiền) hành quân vượt Trường Sơn vào đến Đường 9 Nam Lào thì dừng lại, bổ sung cho Binh trạm 32 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Đầu năm 1971, quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với lực lượng tập trung rất lớn, được sự phối hợp, hỗ trợ mọi mặt của quân Mỹ, mở "Cuộc hành quân Lam Sơn 719" đánh ra hành lang vận chuyển chi viện chiến lược của ta - Đường Trường Sơn.

Tôi trong đội khảo sát của Binh trạm 32 đi khảo sát tìm đường tránh đường 35 đang nằm trong khu vực chiến sự, đi qua trận địa đại đội súng máy 12,7 ly đang phục sẵn sàng đánh máy bay trực thăng của địch đổ bộ, gặp một cán bộ cùng quê, anh ấy nói đây là đơn vị của Sư đoàn 2, được nghe các anh nói về Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn rất nhiều.

Sư đoàn đã di chuyển từ địa bàn Khu 5 sang khu vực đường 9 Nam Lào từ năm 1970 để phục đón chặn địch tiến công sang, sẵn sàng tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào.

Sư đoàn Bộ binh 2 nằm trong đội hình cánh quân phía Tây do Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách.

Với quyết tâm bẻ gãy cánh quân phía Nam, tiêu diệt Sư đoàn 1 quân VNCH, không cho chúng tiến lên Sê Pôn, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) được tăng cường 1 tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), Trung đoàn Pháo binh 368, thực hiện trận then chốt tiêu diệt Trung đoàn 1 địch ở điểm cao 723, tiếp theo là Trung đoàn 2 ở các điểm cao 660, 462.

Sau khi đi trinh sát và nghiên cứu lại, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn thấy địch đang muốn tiến về Sê Pôn, nên ông đề xuất phương án: Đánh ép mặt trước, buộc địch phải rời công sự, kéo về Sê Pôn; ta sẽ dùng 6 tiểu đoàn thực hành bao vây, đón lõng dọc đường địch hành quân để đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt toàn bộ trung đoàn địch.

Phương án của ông được Đảng ủy Sư đoàn 2 và Bộ Tư lệnh chiến dịch chấp nhận. Sư đoàn 2 đã tổ chức đánh địch theo đúng phương án của Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, giành thắng lợi lớn.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 3.

Ngày 23-3-1971, Bản Đông được giải phóng, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc. Trong chiến dịch, Sư đoàn 2 đã đánh thắng hai trận lớn, tiêu diệt Trung đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2, như vậy là Sư đoàn 2 đã đánh quỵ Sư đoàn 1 bộ binh VNCH, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của chiến dịch lịch sử Đường 9 - Nam Lào trong mùa Xuân 1971.

Từ đó rồi sau này, tôi được biết đến ông là người chỉ huy sâu sát, mưu trí, gan dạ, dũng cảm, một vị chỉ huy quân sự xuất sắc của quân đội ta. Ông là sư đoàn trưởng chưa từng thua trận nào, một vị tướng bậc thầy về lối đánh xóa sổ hoàn toàn đơn vị địch.

Nguyễn Chơn còn được coi là linh hồn của "Sư đoàn thép", Sư đoàn bộ binh 2 Quân khu 5 được vinh danh mang tên ông - Sư đoàn Nguyễn Chơn. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1970.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 4.

Tháng 4 năm 1993, tôi đang chỉ huy đơn vị xây dựng công trình ngoài Trường Sa, nhận được điện về dự Hội nghị xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa do Bộ Tổng tham mưu tổ chức và được yêu cầu có bài báo cáo tại hội nghị.

Tại Hội nghị, tôi đề xuất một số vấn đề, trong đó có việc làm công sự tháp tăng.

Những xe tăng bị hỏng không cơ động được, trên các địa hình chật hẹp không có đường cơ động, việc bảo đảm kỹ thuật ngoài đảo vô cùng khó khăn, nên loại thân xe, tháo lấy tháp pháo xây dựng công sự lắp lên thành công sự tháp tăng.

Nghe xong, tướng Nguyễn Chơn hỏi: "Đồng chí nói cho tôi nghe về việc sử dụng xe tăng xem nào".

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 5.

Tháp pháo xe tăng ở Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Viết Thái.

Tôi mới được đào tạo cơ bản 3 năm tại Học viện Lục quân, học về xe tăng nắm rất chắc, nên nhân dịp này, trình bày về tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng, sử dụng xe tăng trong tiến công, trong phòng ngự như thế nào... rồi nhấn mạnh: "Xe tăng là lực lượng đột kích của Lục quân, không cơ động được thì chỉ như khẩu pháo, chỉ cần tháp pháo thôi".

Có một số ý kiến không đồng tình, với lý do không có thiết bị nào cẩu được tháp pháo xe tăng nặng gần chục tấn để nhấc lên lắp vào công sự.

Tôi khẳng định là làm được, người Ai Cập cổ đại xây dựng được kim tự tháp với những phiến đá khổng lồ thì chúng tôi cũng làm được công sự tháp tăng.

Nghe xong, tướng Nguyễn Chơn nói: "Đồng chí Hoàng Kiền nói đúng, tôi sang Liên Xô tham quan cuộc diễn tập ở Viễn Đông, thấy họ đã làm công sự tháp tăng rồi, bắn rất hiệu quả. Giao cho Cục tác chiến báo cáo Tổng tham mưu trưởng loại biên chế 1 chiếc xe tăng đã hỏng không cơ động được, giao cho Trung đoàn Công binh 83 làm thí điểm 1 chiếc tôi ra kiểm tra để kết luận."

Chúng tôi tích cực, chủ động triển khai, giao cho kỹ sư Tống Văn Hoá thiết kế pa lăng xích, vào Lữ đoàn 126 ở Cam Ranh xin thực hành cẩu tháp pháo xe tăng hạ xuống, cẩu lắp vào rất nhẹ nhàng.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 6.

Công sự tháp tăng thí điểm thành công, tướng Nguyễn Chơn rất mừng. Ông sang thăm Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đóng tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, biểu dương đơn vị. Từ đó, mối quan hệ giữa Trung đoàn nói chung và cá nhân tôi, Trung đoàn trưởng nói riêng với thủ trưởng rất gần gũi gắn bó.

Mỗi khi thủ trưởng từ Hà Nội vào Đà Nẵng là gọi điện cho chúng tôi sang ăn cơm tại khách sạn Bạch Đằng, nơi phu nhân của ông là bà Trần Thị Lý - Anh hùng LLVTND làm giám đốc. Có lần, ông bảo "sao mày không đưa vợ sang chơi". Thế là các lần sau tôi đều đưa vợ sang.

Trong bữa cơm có vợ ngồi cùng, ông nói chuyện vui rất thân tình. Trong không khí thân mật, ấm cúng, chúng tôi hỏi về tình yêu, chuyện xây dựng gia đình của hai đồng chí Anh hùng LLVTND.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 7.

Bà Lý nói: "Anh ấy gặp tôi cùng ngồi tâm sự, tìm hiểu, sau đó anh ấy hỏi: 'Tổ chức bảo tao lấy mi, mi có ưng không?' Tôi trả lời: 'Tổ chức đã bảo thế, nếu anh ưng thì em ưng'. Thế là thống nhất tổ chức lễ cưới. Năm ấy anh Chơn đã 50 tuổi, từ thanh niên chỉ lo đánh giặc, lúc đó mới nghĩ đến gia đình vợ con".

Tết nào về Đà Nẵng nghỉ Tết, thủ trưởng cũng sang thăm Trung đoàn, ăn cơm với Ban chỉ huy chúng tôi, thăm nhà chúng tôi, thật gần gũi. Khoảng năm 1995, thủ trưởng về Tết, chúng tôi sang thăm, thấy gia đình đang xây nhà mới bên cạnh ngôi nhà cũ nhỏ.

Tôi hỏi thăm tình hình, thủ trưởng nói: "Tao chả có tiền đâu, nhờ anh em nó giúp cả, bây giờ còn thiếu tiền làm hệ thống nước."

Bấy giờ tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 kiêm giám đốc Công ty xây lắp Hải Công, bàn thống nhất trong Công ty, Đơn vị giúp thủ trưởng hoàn thiện hệ thống nước của ngôi nhà mới xây. Thủ trưởng rất vui, cảm ơn chúng tôi mãi.

Mỗi lần chúng tôi ra Hà Nội họp hay công tác đến thăm, thủ trưởng đều gọi mấy anh em thân quen trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu đến nhà công vụ của thủ trưởng ăn cơm, trao đổi công việc luôn.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 8.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 với Thượng tướng Nguyễn Chơn (năm 2011). Ảnh: Hồng Vân/Báo Quảng Nam

Sau này tôi ra Hà Nội về Bộ Tư lệnh Công binh công tác, Thượng tướng Nguyễn Chơn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách biên giới biển đảo, đặc biệt là công trình DK1, nên tôi tiếp tục được công tác gắn bó với thủ trưởng.

Trước khi nghỉ hưu, thủ trưởng xuống thăm chia tay Bộ Tư lệnh Công binh, tôi được dự nghe ông nói chuyện về yêu cầu nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với những nghiên cứu tâm huyết truyền lại cho thế hệ nối tiếp.

Khi đã nghỉ hưu, vào năm 2000, Thượng tướng Nguyễn Chơn được Bộ Quốc phòng mời nói chuyện với cán bộ cao cấp toàn quân về kinh nghiệm chiến đấu, tôi cũng được dự.

Năm ấy đã 73 tuổi, vẫn rất minh mẫn, tướng Nguyễn Chơn truyền đạt kinh nghiệm của mình cho cán bộ như một lớp tập huấn cấp chiến dịch, chiến lược, kết hợp giữa thực tế chiến đấu với lý luận quân sự để có cách đánh với các đối tượng tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao nếu xảy ra, thật thiết thực và sâu sắc.

Năm 2007, tôi được điều sang làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới thuộc Bộ Tổng tham mưu, mỗi lần đi công tác ở khu vực Tây Nguyên, dừng chân tại Đà Nẵng tôi đều ghé thăm thủ trưởng Nguyễn Chơn.

Một hôm có anh em trong đoàn công tác và mấy phóng viên báo Quân đội cùng đi vào thăm thủ trưởng, ngồi nói chuyện, ông hỏi rất kỹ về việc triển khai khảo sát, thi công đường. Ông nói, đây là con đường có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng an ninh kết hợp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mọi việc đều phải sâu sát cụ thể tỉ mỉ mới được.

"Tao đánh trận là phải trực tiếp đi trinh sát, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, phải mò vào tận hàng rào, phải ngửi thấy mùi thuốc súng của nó thì nhất định đánh thắng. Bây giờ làm đường tuần tra biên giới khó khăn lắm. Hoàng Kiền được chọn làm Giám đốc Ban quản lý dự án là đúng đấy. Mày đã có kinh nghiệm làm đường Trường Sơn, xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, làm Tư lệnh Công binh chỉ đạo xây dựng công trình chiến đấu toàn quân được anh em khen là sâu sát cụ thể", ông nói.

Tôi cám ơn lời nhận xét động viên của thủ trưởng và hứa sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 10.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 11.

Những năm cuối đời, ông bị mờ mắt. Được tin thủ trưởng nằm ở Bệnh viện 108 điều trị, tôi đến thăm, ông đang băng vì mới mổ thay thủy tinh thể một bên. Ngồi hỏi thăm sức khỏe, thủ trưởng vẫn vui vẻ nói chuyện rất hài hước.

Ông bảo: "Kiền ơi, mọi người đang khuyến khích 3 không: Không rượu, Không thuốc lá, Không trà. Tao trước là 4 không: Không rượu, Không thuốc lá, Không trà, Không vợ (phu nhân của ông đã mất năm 2000 - NV). Bây giờ thêm hai không nữa: Không răng là thứ năm. Răng tao lung lay rụng hết rồi". Vừa nói, ông vừa dùng tay nhấc cái răng ra khỏi hàm rồi lại cắm vào, và bảo: "Nó rụng hết tao cứ để thế cắm vào thôi chứ không nhai được. Không mắt là thứ sáu. Hai con mắt thay thủy tinh thể cả. Có ai 'Sáu Không' như tao không?"

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 12.

Ngồi nói chuyện với Thượng tướng rất lâu, nghe ông nói hài hước mà rất vui. Thật cảm động mà thân thương kính trọng vô cùng.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 13.

Hồi ấy, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Ngùng, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Đại tá Thân Như Ngôn, nguyên là thư ký kế tiếp cho tướng Nguyễn Chơn đã hội ý thống nhất và trao đổi với tôi cùng nhau góp kinh phí quay bộ phim video về vị danh tướng.

Chương trình chưa thực hiện thì có kế hoạch của Bộ Quốc phòng, theo đó Bộ sẽ bố trí kinh phí để làm phim về một số tướng lĩnh, lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Chơn.

Chúng tôi rất mừng, thế là đã có phim về thủ trưởng của mình, thoả lòng mong đợi.

Ngày Thượng tướng từ trần, tôi đang ở quê. Dẫu biết tuổi ông đã cao, nhưng nghe tin vẫn thấy trong lòng thẳm sâu nỗi niềm tiếc thương vô hạn. Lễ phục chỉnh tề, chúng tôi lên Nhà tang lễ quốc gia vào viếng và dự lễ truy điệu tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Được tiếp xúc, làm việc với Thượng tướng Nguyễn Chơn trong nhiều năm, tôi may mắn có được những kỷ niệm hết sức sâu sắc, với lòng ngưỡng mộ và kính trọng dành cho ông - Vị tướng, nhà chỉ huy quân sự xuất sắc, nhưng cũng là một người đồng đội đi trước rất gần gũi thân thiện trong đời thường.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 14.

Vị tướng 6 không - Huyền thoại chiến trường qua lời kể của tướng Hoàng Kiền - Ảnh 15.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại