“Trở thành một đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu... không có nghĩa là chúng tôi không có quyền suy nghĩ cho chính mình,” Tổng thống Macron đã tuyên bố như vậy Amsterdam trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Khi được hỏi về lập trường của Pháp trong vấn đề Đài Loan, Tổng thống Macron đã nói rằng Paris ủng hộ thế nguyên trạng hiện nay, nghĩa là “chính sách Một Trung Quốc và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tình hình”.
Trở về từ chuyến đi thăm Trung Quốc vào cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Pháp Macron đã lập luận rằng Liên minh Châu Âu (EU) không thể “chỉ là những người theo đuôi Mỹ” và rằng việc gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan không phải là lợi ích của khối. Ông này đã thẳng thừng bày tỏ với các phóng viên rằng: “Điều tồi tệ hơn là có ý nghĩ cho rằng người châu Âu chúng ta phải trở thành những người theo đuôi Mỹ trong vấn đề này và đi theo chương trình nghị sự của Mỹ cũng như phản ứng thái quá của Trung Quốc”.
Những phát biểu trên của Nhà lãnh đạo Pháp đã khiến ông nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio - một đảng viên Cộng hòa thuộc bang Florida trong Ủy ban Đối ngoại. Ông này đã đề xuất rằng Washington có thể rời khỏi EU để tự mình giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Chủ tịch Quốc hội Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan You Si-Kun mới đây đã có phát biểu cho rằng Pháp đã từ bỏ phương châm “tự do, bình đẳng, bác ái” và rằng các nền dân chủ tiên tiến không nên “phớt lờ sự sống và cái chết của người dân ở các quốc gia khác,” nói thêm rằng những bình luận của Tổng thống Macron đã khiến ông “bối rối”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Nhà lãnh đạo Macron “hoàn toàn đúng khi đòi hỏi sự độc lập và chủ quyền cho châu Âu”, trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh rằng có “khá nhiều” lãnh đạo các nước EU có suy nghĩ giống như Tổng thống Macron.
“Khá nhiều” các nhà lãnh đạo châu Âu đứng về phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với lập trường rằng EU không nên lệ thuộc vào các chính sách của Washington, đặc biệt là khi liên quan đến Trung Quốc, ngay cả khi họ không nói điều đó ra một cách công khai, ông Charles Michel hôm qua (12/4) cho biết.
Theo ông Michel, “đã có một bước nhảy vọt về quyền tự chủ chiến lược của liên minh so với vài năm trước”.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đánh giá liên minh giữa Mỹ và EU vẫn vững mạnh. Nhưng “nếu liên minh với Mỹ đồng nghĩa với việc chúng ta phải theo đuôi lập trường của Mỹ một cách mù quáng, có hệ thống trong mọi vấn đề thì điều đó không được,” vị quan chức của EU nhấn mạnh.
Khi được đề nghị bình luận về những phát biểu của Tổng thống Pháp gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Pháp là một đồng minh lâu đời và những bất đồng không thường xuyên không làm giảm đi “mối quan hệ đối tác sâu sắc” với Paris. Về lập trường của EU, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã trích dẫn một bài phát biểu gần đây của Chủ tịch EU Ursula von der Leyen, trong đó mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”, đồng thời cho biết có “sự đồng thuận to lớn” giữa Washington và Brussels trong vấn đề này.