Vị trí đau bụng cảnh báo tổn thương đại tràng, trong đó có ung thư

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, thói quen ăn uống, ngủ và nghỉ ngơi không hợp lý và những tổn thương thực thể làm gia tăng bệnh lý đại tràng, trong đó có ung thư đại tràng.

PGS.TS.BS Nguyễn Cảnh Bình, Chủ nhiệm Khoa Điều trị bệnh ống Tiêu hoá - Viện Điều trị các bệnh lý tiêu hoá (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh lý đại tràng. Tuy nhiên, nguyên nhân được nhắc tới nhiều là chế độ ăn thiếu điều độ, gây ra rối loạn chức năng đại tràng.

Với ung thư đại tràng, bác sĩ Cảnh Bình khuyến cáo những tổn thương như bệnh crohn, viêm loét đại tràng chảy máu... có thể gây ra những tổn thương cấp tính diễn biến thành mãn tính và ung thư hoá. Một số tổn thương polyp đại tràng nếu không được điều trị có khả năng diễn biến thành ung thư đại tràng.

Do vậy, người có bệnh lý viêm đại tràng mãn tính cần phải tầm soát ung thư để phát hiện sớm bệnh. Bên cạnh đó, trong gia đình có người mắc ung thư đại tràng trước tuổi 40 cũng nên tầm soát cả gia đình để phát hiện ung thư đại tràng sớm. Việc tầm soát có thể thực hiện bằng cách tìm máu ẩn trong phân, nội soi đại tràng.

Chia sẻ về những tổn thương tại đại tràng, bác sĩ Cảnh Bình cho hay tổn thương tại đại tràng được chia làm 2 nhóm khác nhau: tổn thương do bệnh lý rối loạn chức năng và tổn thương đại tràng do thực thể.

Vị trí đau bụng cảnh báo tổn thương đại tràng, trong đó có ung thư - Ảnh 1.

Đau do viêm đại tràng (ảnh: Internet)

Nhóm tổn thương do bệnh lý rối loạn chức năng bao gồm tổn thương do các bệnh như hội chứng ruột kích thích (IBS)... IBS có rất nhiều thể khác nhau như táo bón, tiêu chảy hoặc thể hỗn hợp ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân.

Nhóm tổn thương thực thể ở đại tràng gồm có viêm đại tràng nhiễm khuẩn, tổn thương không có nhiễm khuẩn như bệnh crohn, viêm loét đại tràng chảy máu, tổn thương polyp, ung thư đại tràng.

Theo bác sĩ Cảnh Bình, tổn thương tại đại tràng trong đó có ung thư đại tràng thường có những dấu hiệu rất đặc trưng. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau dọc theo khung đại tràng, đau bụng thành cơn và tăng dần.

Một số triệu chứng khác cần lưu ý tới như thay đổi đi ngoài và tính chất phân (số lượng đi ngoài, màu sắc hình thái phân thay đổi). Đại tràng là cơ quan bài tiết phân nên khi đại tràng tổn thương, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường và tình trạng này kéo dài.

Phòng ngừa bệnh không khó

Để phòng ngừa bệnh lý và ung thư đại tràng, bác sĩ Cảnh Bình cho hay nếu bệnh nhân không có tổn thương thực thể cần thay đổi chế độ ăn khoa học lành mạnh, chăm tập luyện thể dục thể thao.

Theo đó, mọi người cần hạn chế thức ăn chiên rán, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích..., tăng cường ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh; hạn chế rượu bia và thuốc lá vì gây hại cho đại tràng.

Những bệnh nhân tổn thương thực thể cần phải theo dõi điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có tổn thương có polyp cần cắt bỏ để tránh nguy cơ ung thư hoá. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp phát hiện tổn thương đại tràng, tổn thương tiền ung thư, tổn thương ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm. Các bệnh lý đại tràng, trong đó có ung thư, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm việc điều trị tiên lượng sẽ tốt, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn, giảm chi phí, tiết kiệm được thời gian điều trị.

*Đọc thêm bài của tác giả Ngọc Minh TẠI ĐÂY.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại