Tờ SCMP dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Đài Loan nhận định bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc rằng, mặc dù căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan đang ở điểm nóng, tuy nhiên sử dụng sức mạnh quân sự sẽ là giải pháp cuối cùng mà Bắc Kinh tìm đến.
Ông Li Yihu, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Bắc Kinh cho hay, Đài Loan là một "điểm mấu chốt" trong quan hệ Trung – Mỹ ngay cả khi không ai biết liệu nó có leo thang thành một cuộc đụng độ mở hay không.
"Mỹ sẽ tiếp tục nhìn vào giá trị chiến lược của vấn đề Đài Loan trong kiềm chế Trung Quốc và sẽ sử dụng con bài Đài Loan thường xuyên trong một thời gian dài, giống như tình huống hiện tại", ông Li chỉ ra. "Eo biển Đài Loan thực sự là chiến trường chính cho đối đầu và tranh chấp Mỹ- Trung".
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn nữa mối quan hệ vốn đã xói mòn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Căng thẳng tiếp tục bùng nổ từ "trò chơi" đổ lỗi giữa hai bên về nguồn gốc của virus corona mới tới nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thương mại, công nghệ cao, quân sự, an ninh, Hong Kong và tất nhiên là không thể thiếu Đài Loan.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Sáng kiến Mở rộng và Bảo hộ Quốc tế Đồng minh Đài Loan (hay còn gọi tắt là Đạo luật TAIPEI). Động thái này thể hiện mức độ ủng hộ hiếm thấy trước sự ghi nhận của quốc tế dành cho Đài Loan, kể từ khi Washington cắt bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc tại năm 1979.
Mỹ cũng dẫn đầu một chiến dịch vận động để Đài Loan có thể trở thành thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong những tháng gần đây, Washington cũng tăng cường số tàu chiến và phi cơ hiện diện tại các vùng lãnh hải gần Đài Loan.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và coi bất kỳ hành động nào ủng hộ cho một Đài Loan độc lập đều là đi ngược lại với lợi ích cốt lõi của đất nước. Bắc Kinh còn đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan nếu hòn đảo này tìm kiếm nền độc lập.
Hồi đầu tháng 5 xuất hiện nhiều cuộc tranh luận trong giới học giả Đại lục về liệu Bắc Kinh có nên tận dụng đại dịch COVID-19 để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực hay không. Tuy nhiên, theo ông Li, Trung Quốc sẽ theo đuổi nguyên tắc tái thống nhất hòa bình và lựa chọn quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng.
"Chính sách về Đài Loan sẽ không bị thay đổi trực tiếp bởi ý kiến dư luận, đặc biệt là ý kiến mang tính cảm xúc", chuyên gia từ Đại học Bắc Kinh bình luận. "Nếu các tiếng nói kêu gọi lấy lại Đài Loan bằng vũ lực tiếp tục dâng cao, điều đó sẽ không có lợi cho mối quan hệ hai bờ eo biển".
Theo ông Li, khả năng Đài Loan trở thành điểm xung đột trong căng thẳng Mỹ - Trung sẽ được các yếu tố khác quyết định, như ảnh hưởng của kiểm soát virus, tình hình chính trị và kinh tế trong nước, cũng như thái độ của các cường quốc và các nước láng giềng.
Hôm 20/5, trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn bày tỏ quyết tâm bảo vệ hòn đảo khỏi các mối đe dọa. Bà nhấn mạnh, Đài Loan sẽ không công nhận đề xuất "một đất nước, hai chế độ" mà Bắc Kinh đưa ra.
Hai ngày sau đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra ở Bắc Kinh, khi báo cáo về công việc của chính phủ, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không đề cập tới tái thống nhất Đài Loan một cách hòa bình. Không chỉ thế, thỏa thuận năm 1992 - trong đó cả Trung Quốc và Đài Loan đồng ý rằng chỉ có một Trung Quốc nhưng lại có cách lý giải khác nhau về ý nghĩa của nó – cũng không xuất hiện trong báo cáo của ông Lý.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu sau đó, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc Li Zhanshu lại quay trở lại giọng điệu vốn có của Bắc Kinh về Đài Loan. Sự thay đổi trong báo cáo của chính phủ được đánh giá là một lời cảnh báo tới chính sách của bà Thái Anh Văn.
Ông Li Yihu cho rằng, chính quyền trung ương sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc trong thỏa thuận 1992 nhưng đi theo một cách tiếp cận có mục tiêu và linh hoạt hơn.
Bà Thái Anh Văn hiện đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các chính trị gia theo trường phái cứng rắn, thúc đẩy cải tổ hiến pháp nhằm phản ánh một vị thế độc lập cho Đài Loang. Bắc Kinh coi động thái này là khúc dạo đầu cho viễn cảnh hòn đảo chính thức tuyên bố tách rời khỏi Đại lục.
Chuyên gia về Đài Loan lưu ý, nỗ lực của bà Thái nhằm thay đổi tên gọi chính thức cho Đài Loan là một dấu hiệu hướng về độc lập và sẽ dẫn tới "sự bất ổn" trong quan hệ hai bờ eo biển. Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh duy trì cảnh giác cao trước mọi động thái thúc đẩy độc lập từ chính quyền bà Thái Anh và bất kỳ phong trào "độc lập" nào trên hòn đảo, cũng như cẩn trọng trước khả năng về một cuộc khủng hoảng mới nếu hai xu hướng trên kết hợp với nhau.