Dấm còn gọi dấm chua, dấm gạo, thường làm bằng rượu gạo, bằng đường và chuối. Dấm là gia vị cho nhiều món ăn, đặc biệt trong Đông y, dấm là vị thuốc quý trị nhiều bệnh rất hiệu quả.
Sách Tuệ Tĩnh viết: “Dấm thanh (mễ thố) vị đắng chua, khí ấm, không độc, tính chạy khắp, làm mềm chất rắn, phá hoàn cục thu liễm vết thương, tiêu hạch, khỏi đau, tan đinh nhọt sưng tấy”.
Nghiên cứu còn cho biết dấm là vị thuốc quý tiêu huyết ứ, mềm nơi sưng đau, giãn gân cơ co rút.
Thường dùng dưới dạng bôi đắp ngoài chữa quai bị, viêm tuyến mang tai, tràng nhạc, sưng tuyến giáp, hạch cổ, mụn nhọt, uống trong chữa chứng huyết ứ mà đau tim, đau dạ dày, đau liên sườn, sang thương cơ khớp, chứng gân mạch tay chân co quắp, co duỗi khó khăn...
Dưới đây là một số cách dùng dấm chữa bệnh:
Dấm mài hạt gấc: Chữa quai bị, viêm tuyến nước bọt, bướu cổ, sang thương huyết ứ, trĩ, mụn nhọt, tắc tuyến sữa, viêm tinh hoàn, các chứng đau sưng do huyết ứ sưng đau.
Dùng nhân hạt gấc mài với dấm hoặc giã hòa dấm bôi đắp ngày vài lần nơi đau.
Chữa hoàng đản “tỳ hoàng” do uống rượu nhiều quá sinh chứng hoàng đản, da vàng, tiểu vàng đậm. Dùng 20-30ml dấm gạo, mài 2-3 hạt gấc cho uống, tiểu tiện thông lợi là khỏi.
Dấm gạo: Chữa chứng bụng tích trệ do uống nhiều rượu, thịt cá mà sình bụng đầy không tiêu. Uống vài li nhỏ dấm gạo cho nôn ra hoặc đại tiện thông là khỏi.
Dấm ngâm tỏi: Phòng chữa tăng huyết áp, mỡ máu cao, đầy bụng đau bụng. Lấy tỏi ngâm dấm, ăn ngày 2-3 tép, nên ăn nhiều ngày.
Dấm hòa với nước cốt lá xương sông: Chữa chứng mụn nhọt, hạch kết sưng đau, viêm tuyến mang tai, tuyến nước bọt.
Chứng huyết ứ đau tim, đau ngực sườn, phụ nữ có kinh đau bụng ra huyết bầm đen. Lấy lá xương sông giã vắt nước cốt hòa dấm uống, bã tẩm dấm đắp ngoài chữa mụn nhọt.
Dấm hòa nước cốt ngải cứu: Chữa chứng phong trên mặt lở ngứa và bệnh chàm, vẩy nến do huyết ứ đọng. Lấy nước cốt lá ngải hòa dấm bôi ngày vài lần.
Dấm nấu đậu đỏ: Chữa chứng tràng phong hạ huyết đi cầu ra huyết lâu ngày, chứng huyết ứ đau tim, đau đầu, dạ dày, liên sườn, đau bụng kinh, chứng miệng lở loét chảy máu.
Dấm gạo nấu đậu đỏ cho chín nhừ sau đó phơi khô tán nhỏ uống ngày 3 thìa (30g) hoặc hơn.
Dấm hòa bột đậu đỏ: Chữa chứng miệng lưỡi sưng đau chảy máu, viêm khớp hàm, viêm tuyến nước bọt do nhiệt độc. Đậu đỏ tán bột hòa dấm gạo ngậm uống ngày 3 lần/20g, kết hợp hòa dấm đậu đỏ bôi ngày vài lần.
Dấm kết hợp xạ can: Chữa mang tai sưng đau phát sốt, viêm tuyến nước bọt, tinh hoàn, viêm họng. Dùng một củ xạ can tươi 40-50g sắc nước hòa dấm gạo mật ong uống, kết hợp hòa dấm đắp bôi ngoài.
Dấm tẩm hương phụ sao: Chữa chứng phụ nữ có kinh đau bụng, đau dạ dày, các chứng đau do huyết ứ, huyết hàn. Dùng dấm tẩm hương phụ, tán nhỏ uống 12g/lần, ngày 3 lần.
Rau càng cua bóp dấm: Chữa gân cơ co rút, mụn nhọt, viêm họng viêm tuyến mang tai do huyết ứ nhiệt độc. Dùng rau càng cua bóp dấm chấm mắm ăn.
Nước cốt từ lá xương sông hòa với dấm là một vị thuốc tốt.
Trong dân gian còn dùng dấm ngâm gừng nghệ làm giảm đau dạ dày, đau liên sườn, tay chân co đau nhức; dấm ngâm trứng gà chữa viêm loét dạ dày; dấm ngâm đậu phộng chữa tăng huyết áp; dấm ngâm nếp cẩm ăn giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe; dấm ngâm tỏi, ớt gia vị cho nhiều món ăn; thịt bò nhúng dấm chữa hư nhược khí huyết, gân cơ yếu...
Lưu ý: Không dùng dấm cho người tỳ vị hư hàn, đang tiêu chảy, gân cơ teo nhão. Các chứng đau không phải huyết ứ không dùng.