Nga thực chất đang đối mặt với bế tắc
Hình ảnh chiến thắng của "Gấu" Nga đang được lan truyền rộng rãi kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan, được ký kết hôm 10/11.
Việc Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh được đánh giá là một thắng lợi chiến lược nhưng theo nhà phân tích Emil Avdaliani, giảng viên lịch sử & quan hệ quốc tế tại Đại học Tbilisi (Gruzia), thực chất Moscow đang đối mặt với một loạt vấn đề.
Mặc dù quyết định này giúp củng cố sức mạnh của Moscow ở Nam Caucasus nhưng phía trước họ là một nhiệm vụ đầy thách thức.
Cụ thể là duy trì hòa bình, xây dựng giải pháp dài hạn sao cho không làm ảnh hưởng tới vị thế địa chính trị của Nga, trong khi lại củng cố các mối quan hệ gần gũi hơn với Yerevan và Baku mà không kích động thái độ oán giận của người dân ở bất cứ bên nào. Ngoài ra, Moscow còn phải tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thách thức
Nhà phân tích Avdaliani cho rằng, vấn đề đầu tiên Moscow sẽ vấp phải là thiếu tầm nhìn về thực trạng chính trị ở Nagorno-Karabakh. Điều đó có thể sẽ tạo ra bất ổn và gây bất an cho những người Armenia còn lại ở khu vực này. Bên cạnh đó, một câu hỏi khác được đặt ra là: Bằng cách nào người Azerbaijan và Armenia ở đây có thể cùng tồn tại?
Thách thức tiếp theo sẽ là sự phân chia giữa Armenia và Azerbaijan. Hai thành phố Shusha (do Azerbaijan kiểm soát) và Stepanakert chỉ cách nhau 10km, do đó việc phòng thủ Stepanakert sẽ đặc biệt khó khăn. Điều này còn khiến Stepanakert dễ bị tấn công quân sự - một nguồn cơn căng thẳng khác mà lực lượng Nga sẽ phải đối mặt.
Thời hạn 5 năm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực cũng là một thực tại không mấy dễ chịu đối với Azerbaijan. Theo các điều khoản được ký kết, cả Armenia và Azerbaijan đều có quyền ngừng gia hạn tiếp thời gian hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình. Do đó, Nga sẽ phải dốc sức để đảm bảo điều ấy không xảy ra.
Yerevan có lẽ sẽ không phải là bên muốn "trục xuất" binh lính Nga nhưng Baku thì ngược lại. Viễn cảnh đó sẽ gây ra thêm các vấn đề cho Nga và lợi ích địa chính trị của họ trong khu vực.
Sau khi sự phấn khích xung quanh thành quả chiến tranh dần tan biến, giới chính trị gia Azerbaijan và công chúng nước này sẽ bắt đầu nhận ra rằng, cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Yerevan vẫn có kết nối trực tiếp đến vùng lãnh thổ Karabakh dù đã bị cắt bớt. Bên cạnh đó, sự hiện diện lâu dài của lực lượng Nga trên lãnh thổ Azerbaijan chắc chắn sẽ là một thực tế khó chịu đối với nhiều chính trị gia của Baku.
Binh lính Nga giơ tay ra hiệu cho phóng viên ngừng chụp ảnh tại một chốt kiểm soát được thiết lập ở cửa ngõ Stepanakert hôm 13/11. Ảnh: JACK LOSH/FOREIGN POLICY
Mặc dù cảm kích khi Moscow giữ vai trò trung lập trong cuộc xung đột lần này, nhưng làn sóng phẫn nộ tại Baku trước sự hiện diện quân sự của Nga [trên tâm thế không muốn rời khỏi Karabakh] có thể đang dần nổi lên.
Theo nhà phân tích Avdaliani, tại Ukraine, Gruzia và Moldova, sự hiện diện của Nga hoặc sẽ bị coi là tiêu cực ngay từ đầu, hoặc sẽ trở nên như vậy trong một khoảng thời gian nhất định. Và khó có khác biệt xảy ra tại Azerbaijan.
Để điều phối các nhu cầu địa chính trị của mình nhằm tạo ảnh hưởng lên cả Yerevan và Baku, trong khi đối diện với sự phẫn nộ gia tăng tại Azerbaijan, Moscow sẽ phải liên tục giữ cân bằng giữa hai phía, giữ thái độ "không thiên vị" ở mức cao nhất có thể và đưa ra cách tiếp cận thực tế cho giải pháp cuối cùng của cuộc xung đột – đây được xem là nhiệm vụ bất khả thi đối với các nhà hoạch định chính sách của Nga.
Một thách thức lớn khác với Nga là sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thế lực quân sự trực tiếp tại Nam Caucasus sau 100 năm. Đây là bước phát triển sẽ có ảnh hưởng tới những tính toán của Nga tại khu vực này.
Thực tế là Azerbaijan đã liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và giành chiến thắng trong cuộc xung đột, trong khi Armenia – đồng minh của Nga – đã thất bại. Thành quả này đã đạt được thông qua quá trình xây dựng quân đội kéo dài nhiều thập kỷ của Azerbaijan, cũng như sự hỗ trợ đào tạo và hậu cần của Ankara đối với Baku.
Nếu Nga không triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Karabakh thì tầm ảnh hưởng của Ankara tại Baku thậm chí sẽ lớn mạnh hơn nữa.
Có thể thấy vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ không được đề cập trong thỏa thuận ngày 10/11. Điều này tạo ra một lỗ hổng lớn. Ankara sẽ tìm cách có được sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Azerbaijan. Mối quan hệ hợp tác với Nga vẫn sẽ được thiết lập nhưng nó phải phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trái lại, vị thế quân sự của Moscow có thể gặp thách thức khi xét tới mức độ mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan. Xu hướng tiêu cực trong mối quan hệ giữa Moscow-Baku có thể sẽ là một cơ hội để Ankara lợi dụng.
Nói tóm lại, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Karabakh đã giúp tạm ngưng cuộc chiến tranh nhưng thỏa thuận ngừng bắn tháng 11 vẫn bỏ ngỏ một loạt câu hỏi: sự trở về an toàn của dòng người tị nạn, các lo ngại về nhân đạo, an ninh của cộng đồng người Armenia tại Karabakh, vai trò liên tục thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà phân tích Avdaliani, vị thế của Moscow đã hạn chế hơn nhiều so với trước khi cuộc xung đột nổ ra. Điện Kremlin sẽ phải điều phối giữa nhiều nhân tố khác nhau, và cố gắng tìm ra cách cân bằng tình hình, tránh gây ra phản ứng tiêu cực tại Baku bởi điều đó có thể thúc đẩy quốc gia này nghiêng hơn nữa về phía Thổ Nhĩ Kỳ.