Lương Như Hộc tên tự là Trường Phủ, người làng Hồng Liễu trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Hiện không rõ ông sinh và mất năm nào (một số tư liệu ghi ông sinh năm 1420, mất năm 1501). Không chỉ đỗ Thám hoa và là ông tổ nghề in, Lương Như Hộc còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học giá trị. Ông quan tâm đến nền giáo dục và nâng cao trình độ văn hóa dân tộc.
Thám hoa đầu tiên thời Lê sơ
Tranh chân dung Thám hoa Lương Như Hộc.
Theo các nguồn sử liệu, đời vua Lê Thái Tông năm Đại Bảo thứ 3 (1442), Lương Như Hộc thi đỗ Thám hoa. Đây cũng là khoa thi đầu tiên được dựng bia Tiến sĩ về sau này.
Tấm bia do Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn có tiêu đề văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (tức năm 1442).
Theo nội dung bài văn bia, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ tiến hành chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Nhà vua xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài.
Việc tuyển chọn nhân tài, vua Lê Thái Tổ đích thân ra đề thi văn sách, xét tài học của từng người mà bổ dụng, nhưng phải đến đời vua Lê Thái Tông thì kỳ thi Tiến sĩ mới được tổ chức.
Tấm bia cho biết số người tham dự kỳ thi năm 1442 có đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, nhà vua sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối thi Đình.
Ngày mùng 2/2, vua Thái Tông ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau, các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc Tử Giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn tiến hành chấm bài.
Kết quả được đưa lên để nhà vua xét định thứ bậc cao thấp. Vua cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa. Tuy nhiên sau đó, Lương Như Hộc được bổ chức gì thì không nói đến.
Sang đời vua Lê Nhân Tông, Lương Như Hộc làm An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ, rồi làm quan đến chức Đô Ngự sử.
Vào những năm làm quan dưới thời Lê ông được cử 2 lần đi sứ nhà Minh. Lần thứ nhất vào ngày 16/11 âm lịch năm Thái Hòa thứ nhất (1443) khi đang là Ngự tiền học sinh cục trưởng, ông cùng với Tri chế cáo Nguyễn Như Đổ và Ngự sử trung thừa Hà Phủ được sung vào đoàn sứ bộ sang Minh đáp tạ về việc tế điếu.
Lần thứ hai vào tháng 10 năm Thiên Hưng thứ nhất (1459), sau khi Lê Nghi Dân tiếm ngôi vua, đã sai Lương Như Hộc cùng Trần Phong, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong.
Ông tổ nghề in
Ván khắc trong 'Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh' - theo lối in khắc của Lương Như Hộc.
Các nguồn giai thoại còn lưu truyền đến nay về ông tổ nghề in Lương Như Hộc có khá nhiều điểm khác biệt. Theo đó, người nước ta theo học chữ Nho, sau đó chuyển sang chữ Nôm và coi là thứ chữ phổ biến nhất lúc bấy giờ.
Các sách vở cũng bị phương Bắc chèn ép và bị lệ thuộc. Nhân một hôm Lương Như Hộc đi lên kinh đô, có người bạn nhờ mua hộ mấy quyển sách nhưng đều hết cả.
Lương Như Hộc sau đó mới biết các sách đều được nhập từ Trung Hoa. Ông lấy làm buồn phiền và rất muốn qua Trung Hoa để tìm hiểu về nghề in ấn khắc gỗ. Năm 1449, trong đợt xét đặt quan chức ông được bổ nhiệm cùng với Nguyễn Như Đổ đi sứ nhà Minh. Đến nơi, ngoài việc hoàn thành sứ mệnh bang giao ông còn tìm cách tiếp cận với nghề in khắc.
Xung quanh việc Lương Như Hộc đi sứ có rất nhiều giai thoại nói việc ông học được nghề khắc in. Sách “Việt Nam danh nhân từ điển” chép rằng: Lương Như Hộc tìm cách mua chuộc các lính canh, giám hộ đoàn sứ thần. Từ đó, ông thường lui tới các ngôi chùa có thợ khắc làm việc, xem cách thức khắc bản in.
Năm 1459, Lương Như Hộc lại được sang sứ lần hai và lần này, ông còn giả làm thương nhân, đến Bắc Kinh mở hiệu buôn bán ngay cạnh một nhà in để bí mật xem các công đoạn của nhà in này. Sau khi thành thạo các bước thì trở về nước.
Sau khi học được nghề khắc mộc bản, về nước Lương Như Hộc liền truyền nghề cho người làng mình. Để nghề in phát triển, ông đã dày tâm truyền nghề cho các thợ nên nghề khắc mộc bản dần trở nên đắc dụng ở quê ông.
Sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” ghi: Liễu Tràng, Hồng Lục, quan Thám hoa thành thầy dạy khắc ván in. Để đền ơn Lương Như Hộc, dân hai làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng làng, vị tổ sư nghề khắc ván in và in sách.
Có ý kiến cho rằng, tôn Thám hoa Lương Như Hộc là người đầu tiên truyền bá nghề in vào Việt Nam là không đúng, bởi trước đó Phật giáo nước ta cũng đã khắc bản in kinh.
Sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” chép: “Thiền sư Trí Học họ Tô, người làng Chu Minh phủ Thiên Đức vốn làm nghề khắc bản in kinh. Ông mất ngày 12/5/1190, vào đời Lý Cao Tông”.
Sau này vào thời Trần, kinh sách cũng được in ấn khá nhiều. Đời vua Trần Anh Tông cho in các sách: Phật giáo pháp sư, Đạo trường tân văn, Công văn cách thức… để ban bố cho dân chúng biết. Đến đời Hồ Quý Ly (1400 - 1401) còn cho in tiền giấy và phát hành rộng rãi.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi lại hình dáng và thể thức của đồng tiền giấy: “Giấy 10 đồng vẽ rồng, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, giấy 2 tiền vẽ rùa, giấy 3 tiền vẽ lân, giấy 5 tiền vẽ phượng, giấy 1 quan vẽ rồng”. Điều này cho thấy kỹ thuật in ấn trước khi Lương Như Hộc truyền bá đã đạt đến trình độ cao.
Tuy nhiên có thể thấy rằng, dù nghề in đã có trước đó nhưng nó chỉ lưu hành trong phạm vi Phật giáo và quản lý Nhà nước. Bởi nhờ những cải tiến quan trọng và sự truyền dạy của Lương Như Hộc trong in ấn đã giúp nghề này phổ biến.
Nhờ đó, làng Liễu Tràng - Hồng Lục đã trở thành trung tâm khắc ván in chữ và sau là tranh khắc của cả nước. Nhiều bộ sách đã được khắc và in ở đây, trong đó phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” được khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) triều vua Lê Hi Tông.
Thành hoàng làng Liễu Tràng
Nhà bia Tổ sư nghề khắc ván in Lương Như Hộc ở Liễu Tràng (Hải Dương).
Nghề in khắc tại quê hương Lương Nhữ Hộc phát triển đến mãi về sau. Đầu thế kỷ 20, nghệ nhân làng Liễu Tràng đã tham gia khắc in bộ tranh dân gian “Kỹ thuật của người An Nam” gồm 4.577 bức - do tác giả Henri Oger, một người Pháp sưu tập. Ngoài vẽ về các nghề dân gian và đời sống hằng ngày của người Việt Nam, bộ tranh còn có hình các nhân vật lịch sử như Lương Như Hộc và Kỳ Đồng.
Nhờ nghề in ấn phát triển rộng rãi mà công lao thuộc về Lương Như Hộc, nên sau đó sách học và các sách kinh điển ở Việt Nam đã được sao chép in ấn ra rất nhiều, giúp các học trò không còn khó khăn trong việc thu thập và tiếp cận tri thức.
Một số tư liệu về làng nghề Việt Nam cho biết, từ hai học trò đầu tiên do Lương Như Hộc chọn truyền nghề là Phạm Niên (Phạm Trên) và Phạm Đới (Phạm Dưới), nghề khắc ván in không chỉ hình thành ở Hồng Lục và Liễu Tràng, mà còn lan sang thôn Khuê Liễu.
Ba làng tạo thành trung tâm khắc in bản mộc của cả nước, kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Thời ấy, đàn ông khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, phụ nữ và trẻ em thì ngồi in, xén cắt giấy.
Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả cho cả ba làng nên thời đó có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/ Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”.
Trong “Hải Dương phong vật khúc”, khi viết về nghề in ấn ở Hồng Lục - Liễu Tràng, có câu: “Phường Hồng Lục, Liễu Tràng khắc chữ/ Bản bộ kinh, bộ sử rành rành”.
Sách “Hải Dương địa dư” cũng viết: “… đến nay, dân hai xã đó còn thờ ông làm Tiên sư. Nhờ được truyền nghề ấy, dân Liễu Tràng, Hồng Lục nhiều thợ sành nghề lắm”.
Tuy không có nghiên cứu chính xác để xác định các bản lưu sách cổ có phải do thợ Liễu Tràng - Hồng Lục in khắc ra hay không, nhưng có thể thấy kỹ thuật in ấn từ hai ngôi làng này đã lan rộng khắp nước.
Nhiều tư liệu triều Nguyễn, một số bản sách cổ trong thư viện “Long Cương tàng bản” của Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục, hay “Phúc Giang thư viện” của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cũng được in khắc theo lối làng Liễu Tràng - Hồng Lục.
Không chỉ là Thám hoa đầu tiên của triều Lê sơ với tài cao học rộng trải các đời vua từ Thái Tông, Nhân Tông, Nghi Dân cho đến Thánh Tông. Lương Như Hộc còn nổi tiếng tài hoa.
Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao. Trong “Toàn Việt thi lục” - bộ sách do Lê Quý Đôn soạn còn ghi lại 6 bài thơ do Lương Nhữ Hộc sáng tác khi trên đường đi sứ, như: Thừa lộ bàn, Thiều Châu hoài cổ, Nam Hùng…