1. Tiếp tục ở lại Top 4 không phải là việc bất khả với Arsenal nhưng nếu có giành được tấm vé Champions League, một việc không dễ ở bối cảnh cạnh tranh căng thẳng này, họ cũng sẽ chỉ nhận được những lời chế giễu.
Đó là điều chứng minh rằng Arsenal là một thương hiệu lớn thế nào. Đơn giản, vì tầm vóc thương hiệu của mình, họ được kỳ vọng phải giành tranh chức vô địch chứ không chỉ suốt ngày an phận với cương vị “anh Tư” của giải Ngoại hạng.
Nhưng đó chỉ đơn thuần là những kỳ vọng xét trên tầm vóc của một thương hiệu, thứ bao trùm lên một CLB chứ không chỉ ở khía cạnh thể thao đơn thuần. Ở góc độ thể thao đơn thuần, Arsenal còn là một CLB lớn hay không?
Câu hỏi khá phức tạp nhưng nhiều người sẽ nghĩ là không, sau chuỗi thất bại ở vòng 16 đội Champions League và hơn chục năm trường không biết mùi vô địch Premier League là gì.
Và nếu nhìn vào cách các CLB nhỏ hơn đối diện Arsenal lúc này, chúng ta càng thấy họ bị đối thủ “xem thường” ra sao nếu so sánh với những gì đã diễn ra khoảng 15 năm trước.
Đã không còn thời các đội bóng kiểu như Sunderland, Southampton… cứ gặp Arsenal là run sợ, bối rối nữa rồi. Bây giờ, ai cũng nhìn họ bằng cặp mắt sòng phẳng dù vẫn giữ một sự tôn trọng nhất định.
2. Khi Sanchez bắt đầu lắng nghe những CĐV quê nhà kêu gọi anh rời Arsenal, và có thông tin anh muốn trở lại Inter, chúng ta hẳn nhận ra sự thất vọng của cầu thủ ấy sau một thời gian dài kỳ vọng sẽ cùng Arsenal làm nên chuyện lớn.
Và việc cầu thủ có tính chiến đấu nhất, có kinh nghiệm và danh hiệu Champions League hiếm hoi trong đội hình Arsenal (cùng Oezil và Cech) muốn bỏ CLB mà đi, chúng ta cảm nhận cái “bé nhỏ” của Arsenal trong mắt giới bóng đá là có thật.
Các CĐV Arsenal muốn chia tay Wenger bởi họ cho rằng chính Wenger là nguyên nhân cơ bản khiến Arsenal “nhỏ lại” suốt mười năm qua. Đó không phải là sự vu vạ mà nó bắt nguồn từ những thực tế, những kinh nghiệm rất cay đắng.
Mỗi lần báo chí nhắc lại danh mục cầu thủ mua hụt của Wenger; mỗi lần Arsenal qụy ngã trước các CLB lớn ở cả Champions League lẫn Premier League, người ta đều nhận ra có bóng dáng của Wenger ở đó. Và họ nghĩ, chỉ có chia tay Wenger thì Arsenal mới có cơ quay trở lại, và duy trì, tầm vóc lớn lao của mình.
Nhưng có một nghịch lý là những cầu thủ ngoài Arsenal, ngoài Premier League vẫn nhìn vào Arsenal như một đội bóng lớn, và họ lại cho rằng, Wenger chính là người kiến tạo ra tầm vóc lớn lao đó. Đúng là trong chán, ngoài thèm.
Và một khi những người như Sanchez bỏ đi, Arsenal chỉ còn cách giữ Wenger nếu muốn lôi kéo các cầu thủ tốt từ các nền bóng đá mạnh bên ngoài nước Anh. Tất nhiên, để tốt hơn thực sự, Wenger cũng phải thay đổi cách tiếp cận thị trường chuyển nhượng quá cũ kỹ của mình.
3. Nhưng không phải là không có những cầu thủ ngoài nước Anh không nhận ra sự thực mà nội bộ Arsenal vẫn biết. Ví dụ như Rabiot, mục tiêu Wenger theo đuổi từ rất lâu rồi. Anh ta tiết lộ: “Tôi còn hợp đồng tới năm 2019 nhưng tôi sẽ lắng nghe nếu có đề nghị từ CLB lớn”.
Người Anh cho rằng Rabiot đánh tiếng sang Arsenal, CLB nổi trội nhất trong cuộc săn lùng chữ ký của anh mấy năm qua. Song, Rabiot lại nói ra điều mà chính những người Arsenal phải nghĩ: “Những CLB như Real Madrid thì quá tuyệt vời rồi.
Nhưng tôi bây giờ chỉ nghĩ đến hiện tại mà thôi”. Hoá ra, Rabiot muốn "gạ gẫm” Zidane để ý tới mình, vì anh ta hiểu, Bernabeu là sân khấu hoàn hảo để sự nghiệp của anh tiến lên một bậc.
Không phải Arsenal là ước muốn của Rabiot, điều đó hẳn Wenger phải suy nghĩ. Và có lẽ, để giúp Arsenal có cơ hội lấy lại tầm vóc mà vẫn giữ được cái nhìn ngưỡng mộ của cầu thủ nước ngoài,
Wenger nên bằng lòng với một cương vị mới tại Emirates, kiểu như Giám Đốc Thể Thao, để lại ghế HLV trưởng cho một tên tuổi mới, dũng cảm hơn, liều lĩnh hơn và dấn thân hơn.