Mùa hè đến là lúc các bể bơi hoạt động và đông đúc trở lại. Đi đôi với đó là vấn đề vệ sinh nguồn nước nơi công cộng.
Khi đắm mình vào làn nước trong xanh và mát mẻ tại bể bơi, ít người biết được trong đó có chứa đủ thứ bụi bẩn, mồ hôi, nước tiểu thậm chí cả phân và mầm bệnh.
Trước khi mùa bơi lội bắt đầu, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) đã kịp phát hành một bản báo cáo tổng hợp, về các dịch bệnh bùng phát liên quan đến bể bơi và các hoạt động giải trí với nước.
Theo đó, trong vòng 14 năm gần đây, ở Mỹ đã có hơn 27.000 trường hợp mắc bệnh sau khi đi bơi và sử dụng các dịch vụ khác như xông hơi, spa, tắm nước nóng… Có ít nhất 8 ca tử vong trong số này.
CDC khuyến cáo mọi người giữ vệ sinh chung và các hồ bơi nên kiểm tra chất lượng nước định kỳ đồng thời thực hiện đúng quy trình khử khuẩn. Những người ốm, đặc biệt là mắc tiêu chảy thì không nên tham gia vào các hoạt động giải trí với nước để tránh lây nhiễm cho người khác.
Đừng bao giờ đi bơi khi bạn có triệu chứng tiêu chảy
Từ năm 2000 đến năm 2014, ở Mỹ có tổng cộng 493 vụ bùng phát dịch bệnh liên quan đến nước bể bơi hay các nguồn nước phục vụ giải trí nói chung. Những ổ dịch này đã lây nhiễm 27.219 người và giết chết 8 người, theo thống kê của CDC.
Trong số gần 400 vụ bùng phát có thể truy tìm nguyên nhân cụ thể, 94% thủ phạm là vi khuẩn. Ba vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất là Cryptosporidium, Legionella và Pseudomonas. Chỉ có 22 đợt bùng phát, tương đương 6% là do ô nhiễm hóa chất (ví dụ, quá nhiều clo trong nước).
Từ năm 2000 đến năm 2006, số lượng các trường hợp bùng phát Cryptosporidium tăng trung bình 25% mỗi năm, nhưng ổn định sau năm 2006.
Các trường hợp bùng phát Legionella tăng trung bình 14% mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2014. Trong cùng khoảng thời gian này, số đợt bùng phát Pseudomonas giảm trung bình 22% mỗi năm.
Chắc chắn có những yếu tố bên ngoài góp phần gây ra những đợt bùng phát này, chẳng hạn như sai sót trong quá trình khử khuẩn nước, ô nhiễm từ nguồn nước gốc, hoặc việc làm ấm nước tại các bể bơi trong nhà cũng cho phép vi khuẩn phát triển và tồn tại lâu hơn.
Nhưng CDC cho biết hầu hết các đợt bùng phát dịch bệnh từ bể bơi có nguồn gốc chủ quan, do những người bị ốm, ví dụ như bị nhiễm vi khuẩn Cryptosporidium gây tiêu chảy, mà vẫn tham gia vào các hoạt động giải trí dưới nước.
"Vấn đề xuất phát chủ yếu từ những người bị ốm [mà vẫn đi bơi]", Michele C. Hlavsa, một thành viên của Ban Thực phẩm, Nước và Môi trường của CDC, nói với Gizmodo. "Điều quan trọng là mọi người hoặc con cái của họ không nên bơi khi đang bị bệnh tiêu chảy".
Cảnh báo của Hlavsa là điều mà mọi người nên ghi tâm. Bởi vi khuẩn Cryptosporidium gây tiêu chảy rất dễ lây lan vào nước. Và một khi đã ở trong hồ bơi, clo cũng rất khó để tiêu diệt chúng.
Khuẩn Cryptosporidium gây ra đến 89% tất cả các trường hợp bùng phát dịch bệnh mà CDC tìm được nguyên nhân. Vi khuẩn này có thể sống tới 7 ngày trong một hồ bơi được khử khuẩn liên tục theo tiêu chuẩn.
Ngược lại, vi khuẩn Legionella và Pseudomonas không có khả năng chống lại hóa chất tẩy rửa. Nhưng còn một nguy cơ khác với 2 loại vi khuẩn này.
Chúng có thể sống lâu trong bồn tắm nước nóng và spa, nếu những khu vực này không được khử khuẩn thường xuyên. Các vi khuẩn tạo thành một màng sinh học dày và bám vào các bề mặt cũng rất khó được loại bỏ.
Nếu nhiễm vi khuẩn Cryptosporidium, bạn sẽ gặp các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng và tiêu chảy. Vi khuẩn Legionella chịu trách nhiệm về bệnh Legionnaires, một dạng viêm bệnh phổi có thể gây chết người, đặc biệt nếu hít phải vi khuẩn trong các giọt aerosol.
Ngoài ra, ở trường hợp nhẹ hơn, người nhiễm Legionnaires có thể bị sốt Pontiac, giống một trận cúm nhẹ.
Cuối cùng, vi khuẩn Pseudomonas là một nhân tố kích thích da, gây ra chứng phát ban bồn nước nóng. Nếu nước bị ô nhiễm chảy vào tai, nó cũng có thể gây nhiễm trùng tai ngoài.
Đừng nuốt nước ở bể bơi, bởi chúng có thể chứa mầm bệnh
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân vào mùa bơi lội, Hlavsa khuyến cáo cần phải có biện pháp tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức được nguy cơ phơi nhiễm mầm bệnh trong hồ bơi và các khu vực giải trí dưới nước nói chung.
Những người mắc bệnh, đặc biệt là tiêu chảy, không nên đi bơi. Ngoài ra, các hồ bơi nên thường xuyên kiểm tra chất lượng nước và duy trì quy trình khử khuẩn tiêu chuẩn.
Một lời khuyên cuối cùng nhưng không thừa dành cho tất cả mọi người: “Đừng nuốt nước khi bạn đi bơi”, Hlavsa nói.
Tham khảo Gizmodo