Sau đợt mưa kéo dài vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất khiến gần 80 hộ dân phải di dời khẩn cấp do nhà bị sập hoặc rạn nứt nghiêm trọng.
Theo nhiều người dân ở thành phố Hòa Bình, tình trạng sạt lở đất chỉ bắt đầu xảy ra từ mùa mưa năm ngoái. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Thành phố Hòa Bình là nơi có nhiều điểm sạt lở đất nhất ở tỉnh này. Sau đợt mưa từ trung tuần tháng 7 đến nay xuất hiện 38 điểm sạt lở làm hơn 70 gia đình ở thành phố Hòa Bình bị ảnh hưởng, trong đó, 11 ngôi nhà sập hoàn toàn, 60 ngôi nhà khác bị sập một phần hoặc rạn nứt. Hiện tượng sạt lở xảy ra nghiêm trọng nhất tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nhà số 30 cho rằng, tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra từ mùa mưa năm ngoái, do đơn vị khai thác cát bên kia sông xây dựng bãi tập kết cát ra giữa lòng sông làm dòng chảy sông Đà bị thay đổi, xói thẳng vào nhà dân: “Tôi nghĩ là do bãi cát bên kia sông vì chúng tôi đến đây ở hơn 40 năm không xảy ra.
Trước đây, thủy điện xả 8 cửa nhưng chưa bao giờ bị sạt lở, nhưng từ khi người ta đưa đá hộc lấp xuống sông, xây dựng những bãi tập kết để khai thác cát đã bắn dòng chảy sông Đà xối trực tiếp vào tổ 26 phường Đồng Tiến này”.
Cả những người dân bị sập nhà, nứt nhà lẫn những người không bị ảnh hưởng đều cho rằng nguyên nhân của việc sạt lở đất ven sông Đà tại tổ 26 phường Đồng Tiến là do khai thác cát: “Không được phép làm bãi tập kết cát chắn dòng chảy của sông cả nhưng bây giờ tự dưng lại có bãi cát mọc lên mấy năm rồi mà chẳng cơ quan nào xử lý cả.
Bãi tập kết đó vừa cản trở vừa nắn dòng chảy sang bên này”.
Những người dân ở tổ 26, dọc quốc lộ 6 này mong muốn giải tỏa bãi cát kia trả lại dòng của sông Đà vì chỉ tại bãi cát kia mà chúng tôi bị ảnh hưởng.
Tình trạng khai thác cát mấy năm qua diễn ra rất công khai, tàu cát đi hút cả ngày cả đêm dưới lòng sông Đà, trọng tải tàu hàng mấy trăm tấn”.
Trước những nghi vấn của người dân về hoạt động khai thác cát gây sạt lở, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình nói: “Việc này chưa được xác định rõ. Xác định nguyên nhân phải chờ các cơ quan chức năng.
Theo tôi, qua đợt thủy điện xả lũ vừa rồi, nước lên rất cao làm nước ngấm sâu vào bờ. Khi nước rút đột ngột thì dòng chảy ngầm từ bờ sông sẽ rút xuống nhanh, kéo theo đất lở theo.
Khu vực phường Đồng Tiến này là khu vực hình thành từ việc xả đồi làm đường 6, là đất tạm, kết cấu không đảm bảo. Cơ quan chức năng đã cảnh báo yêu cầu bà con di chuyển từ lâu rồi ”
Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất không chỉ xảy ra ở thành phố Hòa Bình mà còn xảy ra ở một số nơi khác thuộc tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn- vùng hạ lưu của đập thủy điện Hòa Bình.
Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là vùng sạt lở có địa chất phức tạp, nằm trong dãy đứt gãy, đất đá đập vỡ mạnh có độ rỗng lớn, các chỉ tiêu cơ lý của đất đá thấp dễ thấm nước; khi mưa kéo dài lượng nước ngầm lớn gây bão hòa nước dẫn đến sạt lở đất.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Đợt bão số 3, đêm 19/7 bão bắt đầu vào và hoàn lưu sau đó, mưa ở Hòa Bình hơn 1000ml cộng với mưa từ đợt trước nữa nên địa chất, cấu tượng của đất bở hết, nhão nhoét hết nên nguy cơ sạt lở diện rộng có nguy cơ cao”.
Như vậy, đang có nhiều giả thiết về nguyên nhân xảy ra tình trạng sạt lở đất tại tỉnh Hòa Bình.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 31/7, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cử đoàn chuyên gia đang tiến hành khảo sát địa chất từng vùng sạt lở để đánh giá đúng nguyên nhân, giúp địa phương có biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp./.