Nghịch lý bán giá 24,5 tỷ, không bán giá 49 tỷ?
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Văn Khuyến (SN 1960, trú thôn Đông Cốc) – người đã dồn nhiều tâm huyết cho hành trình “đòi quyền lợi về cho thôn Đông Cốc” cho biết: “Ngay từ đầu, người dân trong thôn đã không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành.
Thế nên mọi việc cứ bị lần nữa mãi không giải quyết được”.
Theo lời ông Khuyến, trong khuôn viên đình Đông Cốc nằm trên địa phận thôn có 3 cây sưa đỏ quý hiếm, niên đại lần lượt là khoảng 50 tuổi, 200 tuổi và 400 tuổi.
Trước đây do đình xuống cấp, nên vào năm 2008, người dân địa phương đã đồng thuận bán đi cây sưa 50 tuổi có dấu hiệu bị mục và một cành nhỏ của cây sưa 200 tuổi cho một người đàn ông tên Hải, một chủ gỗ có tiếng ở Bắc Ninh.
Đầu năm 2013, ông Hải mang theo một người đàn ông Trung Quốc quay lại thôn Đông Cốc đặt vấn đề khảo sát để mua tiếp cây sưa 200 tuổi.
Trưởng thôn Đông Cốc thời ấy là ông Nguyễn Văn Ngư đã tiếp 2 vị khách và đưa họ vào khoan lõi, xem cây có bị mục rỗng hay không.
Đến năm 2014, một vị khách khác là bà Nguyễn Thị H., sau khi khảo sát đã quyết định trả giá 49 tỷ đồng cây sưa trên.
Tuy nhiên việc mua bán này đã lập tức bị UBND tỉnh Bắc Ninh “tuýt còi” dù người dân thôn đều tỏ nguyện vọng muốn bán cây, lấy nguồn kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Kể từ đó, mâu thuẫn xung quanh cây sưa cổ này ngày một gay gắt.
Trong khi người dân thôn Đông Cốc mặc định rằng cây sưa là “lộc” do tổ tiên để lại và họ có toàn quyền trong việc định đoạt cũng như sử dụng nguồn tiền bán cây thì chính quyền sở tại lại có phương án khác.
Theo đó, do cây sưa đỏ thuộc sở hữu của đình Đông Cốc – một di tích cấp quốc gia nên việc khai thác di sản phải được sự cho phép, chứ không có chuyện ban quản lý đình, hay lãnh đạo thôn tùy tiện rao bán.
Trong khuôn viên đình làng Đông Cốc hiện có cây sưa 400 tuổi nằm ngay sân đình và cây sưa 200 tuổi nằm ở cổng đình.
Cũng trong thời gian này, do cây có dấu hiệu chết nên mong muốn bán cây lại càng mạnh mẽ.
Sau nhiều đơn thư qua lại, đầu năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ban hành văn bản số 157 cho phép thôn Đông Cốc tự hạ giải cây sưa, giao UBND huyện Thuận Thành và xã Hà Mãn giám sát và hướng dẫn.
Thế nhưng, khi niềm vui còn chưa trọn thì họ bất ngờ nhận được thông báo của xã với nội dung: Cây đã được bán cho một thương lái ở Hà Nội với giá 24,5 tỷ đồng.
“Chúng tôi không ai chấp nhận việc đó nên ngày 10/8 đã tiếp tục tổ chức cuộc họp. Theo đó, 100% các cụ đều không nhất trí bán với giá 24,5 tỷ đồng nên phải hoãn lại.
Đến ngày 30/11, tại phiên họp dân, chúng tôi tiếp tục phản đối bởi cây của thôn mà mua bán lúc nào chúng tôi không được thông báo, không được biết, không được thống nhất”, ông Khuyến bức xúc phản ánh.
Bên cạnh đó, ông này cũng nói rằng người dân Đông Cốc mong muốn số tiền bán cây phải được giao lại để thôn tự quyết.
Chính vì những bức xúc đó, nên ngày 7/12 vừa qua, hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa 200 tuổi nói trên đã xảy ra ẩu đả ngay khi chỉ định thư ký ghi biên bản là người làm công tác thủy lợi của UBND xã Hà Mãn.
Theo ghi nhận, có ít nhất một người đã bị toạc da đầu, máu chảy đầm đìa khắp mặt.
Chưa thống nhất ngày hạ giải cây sưa 200 tuổi
Liên quan sự việc ẩu đả tại đình thôn Đông Cốc, ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL Bắc Ninh) cho biết: “Việc bán cây sưa 200 tuổi là địa phương đề nghị, sau đó tỉnh cũng có báo cáo lại với Bộ VH-TT&DL.
Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý giao cho tỉnh xử lý”. Cũng theo ông Đáp, phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.
Ông Nguyễn Xuân Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cũng cho biết, để ổn định tình hình địa phương, UBND huyện đã ban hành quyết định tạm dừng khai thác cây sưa cổ quý hiếm này.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị họp dân.
Trước thông tin người dân bức xúc về việc có người ký hợp đồng mua cây sưa trên với thôn trả giá gần 50 tỷ đồng mà tại sao xã bán đấu giá chỉ được 24,5 tỷ đồng? Ông Đương khẳng định: Trước đó Ban quản lý thôn không xin phép, tự ý ký hợp đồng mua bán với bà H. giá 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên đây là hợp đồng “xí chỗ” vì mấy năm nay bà H. chưa nộp một đồng nào.
Khi chính quyền xã Hà Mãn được các cơ quan chức năng cho phép bán đấu giá cây thành công, bà H. đã đến và nói “đây là cây sưa của tôi, tôi đã hợp đồng mua rồi”.
Bên cạnh đó, vị Phó chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định, chủ trương từ đầu của chính quyền là sẽ giao xã quản lý tiền bán cây nhưng phải đầu tư 100% về hạ tầng và cuộc sống của người thôn Đông Cốc chứ không mất đi đâu cả.
Mọi việc chi tiêu sẽ có biên bản cụ thể để toàn dân theo dõi, đảm bảo tính minh bạch.
Trả lời câu hỏi tại sao mục đích như vậy vẫn không được người dân đồng thuận thì ông Đương cho rằng, nội bộ thôn đang có dấu hiệu chia rẽ nên chưa thể có sự nhất trí 100%.
Hiện tại, chính quyền huyện Thuận Thành vẫn chưa thống nhất được ngày mở lại hội nghị hạ giải cây sưa 200 tuổi này.
Được biết, đình Đông Cốc nằm bên bờ con sông Dâu cổ thuộc địa phận xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đình thờ Phật Pháp Vũ, một trong Tứ Pháp linh thiêng khởi nguồn trung tâm Phật giáo Thuận Thành, Bắc Ninh.
Nhờ những giá trị lịch sử, văn hóa, và những cổ vật còn lưu giữ, năm 1992 ngôi đình đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Gỗ sưa quý hiếm đến đâu?
Những năm gần đây, cơn sốt gỗ sưa nóng đến mức nhiều gia đình còn tháo dỡ cả bàn thờ, hoành phi, câu đối làm bằng gỗ sưa để đem bán.
Có luồng tin còn cho rằng, các đại gia Trung Quốc dùng gỗ sưa để ướp xác sau khi tạ thế. Theo thạc sĩ Từ Vũ, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, gỗ sưa Hải Nam của Trung Quốc rất quý hiếm nhưng đã bị khai thác cạn kiệt.
Gỗ sưa Việt Nam không có hương thơm nhưng lại có vân giống hệt gỗ sưa Hải Nam. Người Trung Quốc thu mua gỗ sưa Việt Nam để làm giả gỗ sưa Hải Nam, thậm chí họ làm giả đồ gia dụng của vua chúa ngày xưa để kiếm lời bạc tỷ.
Sau thời gian thị trường Trung Quốc náo loạn bởi các sản phẩm gỗ sưa, giờ họ nhận ra rằng các sản phẩm gỗ sưa có mặt ở Trung Quốc phần lớn đến từ Việt Nam chứ không phải từ Hải Nam, do đó giá gỗ sưa giờ đã giảm nhiều so với đỉnh điểm năm 2007...