Vì sao xác 1 chiếc B-52 bị tên lửa VN hạ gục trong 12 ngày đêm lại nằm ở tận... Đà Nẵng?

PV - Tổng hợp từ hồi ký của Trung tướng Hoàng Văn Khánh |

Có chắc B-52 rơi không? Báo cáo! Rơi thì là chắc chắn là rơi rồi. Trận đánh đẹp như thế không rơi sao được nhưng mà... Tôi cười: Nhưng mà chưa "sờ được đuôi" có phải không?

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

----

VÌ SAO XÁC 1 CHIẾC B-52 BỊ TÊN LỬA VIỆT NAM HẠ GỤC TRONG 12 NGÀY ĐÊM LẠI NẰM Ở TẬN... ĐÀ NẴNG?

Sở chỉ huy đã sẵn sàng trong trận mở màn lịch sử

Cách đây tám tháng, hồi 1 giờ 26 phút ngày 16 tháng 4 năm 1972, Hải Phòng là thành phố đông dân đầu tiên trên thế giới bị máy bay B-52 giặc Mỹ ném bom rải thảm. Còn bây giờ, Hà Nội là Thủ đô đầu tiên trên thế giới bị chìm ngập dưới những đợt bom rải thảm của B-52.

Mặc dầu đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng tin B-52 ném bom Hà Nội vẫn gây cho chúng tôi một sự xúc động đặc biệt.

Thế là trận quyết chiến chiến lược của cuộc đụng đầu lịch sử đã bắt đầu.

Đêm nay bộ đội tên lửa Hà Nội sẽ chiến đấu như thế nào? Tiểu đoàn nào sẽ phóng những quả đạn đầu tiên? Chúng tôi nóng lòng chờ tin tức của Hà Nội. Giờ này, trong Sở chỉ huy Quân chủng ở Hà Nội, các đồng chí trong Bộ tư lệnh chắc đang phải sống những giây phút hết sức căng thẳng.

Đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri chắc đang nhíu đôi mày rậm, hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại phía sau bàn chỉ huy, chiếu những tia sáng của cặp mắt sâu vào những tốp B-52, trên bảng tiêu đồ.

Đồng chí Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích, người trực tiếp chỉ huy đêm nay với tác phong bao giờ cũng chững chạc, dứt khoát, chắc đang ra những mệnh lệnh quan trọng vào thời điểm quyết định của trận đánh.

Vì sao xác 1 chiếc B-52 bị tên lửa VN hạ gục trong 12 ngày đêm lại nằm ở tận... Đà Nẵng? - Ảnh 1.

B-52 Mỹ xuất kích.

Tôi hình dung ra thân hình to cao của anh đang chồm lên phía trước, chỉ vào những tốp B-52 như muốn bóp nát chúng trong lòng bàn tay rắn chắc của mình. Các đồng chí Hoàng Phương, Nguyễn Xuân Mậu, Nguyễn Văn Tiên chắc chắn không thể vắng mặt trong trận đánh mở màn đêm nay. Từ lâu, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chúng tôi đã trở thành một tập thể gắn bó.

Đặc biệt là từ gần một năm nay, khi "vấn đề B-52" trở thành vấn đề trung tâm của toàn Quân chủng, có thể nói tập thể chúng tôi càng được gắn chặt với nhau hơn. Làm sao kể hết được những cuộc họp của Thường vụ, của Bộ Tư lệnh xung quanh vấn đề B-52. Những cuộc họp đến tận đêm khuya, kéo dài đến quá giờ mà không ai để ý, vẫn cứ say sưa tranh luận.

Chúng tôi đã từng chia nhau niềm vui khi tìm ra được cách giải quyết mới, góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu cách đánh B-52 lên một bước. Vì vậy mà trong giờ phút này, tôi cảm thấy hơi tiếc là không được có mặt ở Hà Nội để cùng các đồng chí tham dự trận mở màn lịch sử.

Có điện của Hà Nội thông báo: hồi 19 giờ 44 phút, tiểu đoàn 78 trung đoàn 257 sư đoàn 361 đã phóng những quả đạn đầu tiên. Đó là tin làm chúng tôi hết sức phấn chấn.

Sau này nghe kể lại, khoảng thời gian bốn phút từ khi B-52 ném bom xuống Hà Nội đến khi những quả đạn đầu tiên được phóng lên là bốn phút cực kỳ căng thẳng, chưa từng có đối với các đơn vị tên lửa Hà Nội. Đây là những đơn vị đầu tiên mặt đối mặt với B-52. Còn các trắc thủ thì chưa từng một lần được tận mắt nhìn thấy B-52, dù chỉ là trên màn hiện sóng.

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt, một trong những tiểu đoàn trưởng xuất sắc nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm kể lại: "Đúng là phút đầu tiên chúng tôi có lúng túng, và thú thật là cũng có hoang mang. Nhiễu nhòe nhoẹt cả màn hiện sóng. Các sóng về cố định chìm hết vào nhiễu như một màn sương mù, sáng trắng.

Còn các màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ thì cứ y như những ô cửa kính màu xanh cả một loạt, có rất nhiều sọc xanh đậm đan chéo nhau, chuyển động với những tốc độ khác thường, dải nọ xen lẫn dải kia, sọc nọ nhập vào sọc kia rồi lại tách ra.

Rồi thì hàng trăm, hàng nghìn những chấm sáng lốm đốm như những chùm tín hiệu mục tiêu đang chuyển dịch một cách nhấp nháy như một trận mưa rào, làm sao phân biệt được đâu là nhiễu của F, đâu là nhiễu của B, đâu là nhiễu của EB-66, đâu là nhiễu tiêu cực của kim loại mà bọn F-4 tung xuống phủ kín cả một góc trời...

Thế rồi dần dần chúng tôi trấn tĩnh lại được, liên hệ với những điều đã học, nhắc nhau thao tác thật chính xác. Cuối cùng, tuy kẻ thù chưa hiện ra thực sự nhưng chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng của chúng phía sau những dải nhiễu.

Chỉ cần thế thôi là chúng tôi có thể phóng đạn theo cách đánh đã được luyện tập thành thục. Phải nói rằng những quả đạn của các đồng chí tiểu đoàn 78 đã có tác dụng thúc giục, động viên chúng tôi rất nhiều".

Vì sao xác 1 chiếc B-52 bị tên lửa VN hạ gục trong 12 ngày đêm lại nằm ở tận... Đà Nẵng? - Ảnh 2.

Bộ đội ta đứng trên xác một chiếc pháo đài bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi tại chỗ.

Những quả đạn phóng lên...

Về trận chiến đấu của tiểu đoàn 78, đồng chí Hoàng Bảo, nguyên phó ban tác huấn tên lửa, kíp trưởng kíp trực ban trong trận chiến đấu đầu tiên ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội kể lại:

"19 giờ 40 phút, khi những loạt bom B-52 đầu tiên ném xuống Hà Nội, Sở chỉ huy sư đoàn liên tiếp giục các đơn vị: Phát hiện được B-52 chưa? Đã chọn được dải nhiễu chưa? Sao chưa phóng đạn? Ở tiểu đoàn 78, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn căng mắt soi tìm kẻ thù trên màn hiện sóng.

Từng đám nhiễu giẻ quạt lớn chồng chéo lên nhau xóa mờ cả sóng về cố định, vàng chói đến nhức mắt. Trên bảng tiêu đồ 9x9 của mạng tình báo quốc gia, các tốp B và F xoắn xuýt lấy nhau thành một cục như cuộn chỉ rối.

Tuy đã hơn năm năm liên tục ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn, được rèn luyện, thử thách nhiều trong các trận chiến đấu với bọn cường kích, nhưng chưa lúc nào anh gặp phải một tình huống gay go, phức tạp như lần này. Trong xe chỉ huy, tiếng quạt máy rung đều đều, hòa nhịp với tiếng máy nổ chạy ầm ầm như tiếng trống trận thôi thúc.

Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyến với bàn tay điêu luyện nhẹ nhàng lăn trên vòng quay, khéo léo điều khiển máy thu của đài, căng mắt xác định các dải nhiễu lúc này như những đám mây bồng bềnh từ khoảng không xa thẳm lần lượt hiện về. Luyến vừa dừng lại giây lát ở phương vị X thì trắc thủ cự ly Đinh Trọng Đức đã đột ngột hô to "B-52".

Tiếng hô của Đức làm cho toàn xe như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Và mọi người đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa những dải nhiễu đang hiện ra trước mắt với những dải nhiễu của các loại F mà họ thường gặp trước đây trên bầu trời Hà Nội.

Một sự khác biệt hết sức ít ỏi mà chỉ những cặp mắt đã trải qua hàng trăm ngày đêm khổ luyện mới có thể nhận ra được.

Các hội nghị trắc thủ do sư đoàn tổ chức hồi tháng 8 năm 1972, cuộc tập huấn "bắt B-52" sau hội nghị tháng 10 của Quân chủng và đặc biệt có giá trị là những thước phim, những bức ảnh chụp nhiễu B-52 ở chiến trường Khu 4 gửi ra gần đây... đã giúp các chiến sĩ tiểu đoàn 78 đêm nay trở thành đơn vị đầu tiên của bộ đội tên lửa Hà Nội nhanh chóng nhận ra được kẻ thù.

Sau khi được sĩ quan điều khiển Luyến trao tay quay, Đức nhắc Ấp, trắc thủ góc tà, Hiển, trắc thủ phương vị, kẹp chặt dải nhiễu đã chọn vào giữa đường tim đứng.

Vệt sáng lớn của dải nhiễu được thu gọn lại sau thao tác điều chỉnh mạch khuếch đại của các trắc thủ góc, tốc độ của dải nhiễu biến đổi đều đặn, nhịp nhàng theo vòng tay quay, giống như tình huống diễn tập hàng ngày. Không kìm được niềm vui, Đức lại reo lên khẳng định: "Đúng B-52 rồi".

Mặc dầu vậy, vốn tính thận trọng, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn vẫn bình tĩnh nhắc anh em: "Chú ý xác định thêm cho chắc chắn". Và khi toàn kíp trắc thủ đã thống nhất khẳng định đúng là B-52, anh mới báo cáo lên trung đoàn trưởng trung đoàn 257 Nguyễn Điển và ra lệnh phóng.

Khi hô khẩu lệnh "phóng" vào giờ phút đó, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn và toàn kíp trắc thủ của tiểu đoàn 78 không hề hay biết rằng đó là khẩu lệnh "phóng" đầu tiên vang lên của một chiến dịch lịch sử.

Lúc đó là 19 giờ 44 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972".

Vì sao xác 1 chiếc B-52 bị tên lửa VN hạ gục trong 12 ngày đêm lại nằm ở tận... Đà Nẵng? - Ảnh 3.

Bộ đội tên lửa Việt Nam sẵn sàng chiến đấu. Ảnh minh họa.

... và xác 1 chiếc B-52 nằm ở tận Đà Nẵng

Tuy cách xa Hà Nội 300km, nhưng cuộc chiến đấu ở Hà Nội đã thu hút toàn bộ tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi thức cùng Hà Nội. Mà không phải riêng chúng tôi, tất cả các đơn vị của bộ đội tiền phương Quân chủng ở Nghệ An, Thanh Hóa, từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, sư đoàn đều thức với Hà Nội.

Tôi chỉ thị cho các đồng chí sĩ quan tác chiến thường xuyên thông báo tình hình chiến đấu của Hà Nội cho các đơn vị biết. Nhiều lúc thấy vắng tin, các đơn vị lại quay điện lên hỏi tình hình.

Sau khi được tin tên lửa Hà Nội đã phóng đạn, phán đoán trên đường rút chạy, B-52 có thể qua khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, tôi lệnh cho tất cả các tiểu đoàn tên lửa mở máy, hướng về phía bắc đón đánh địch. Rất khẩn trương, chỉ ít phút sau, tất cả 72 bệ phóng của cả ba trung đoàn tên lửa đều đã sẵn sàng. Đơn vị nào cũng náo nức lập công, cũng đều muốn được chia lửa với Hà Nội.

20 giờ 5 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp B-52 mang số hiệu 675 từ hướng tây bắc di thẳng xuống. Mấy phút sau, các tiểu đoàn 51, 52 trung đoàn 267 báo cáo đã thu được nhiễu B-52. Với các đơn vị trong Binh chủng Tên lửa, trung đoàn 267 là đơn vị đàn em nhưng tiến bộ nhanh chóng.

Đặc biệt, tiểu đoàn 52 chỉ bảy tháng sau ngày ra quân đã trở thành một đơn vị nổi tiếng đánh giỏi. Vào những ngày này năm 1971, toàn trung đoàn đã đánh thắng một trận xuất sắc trên vùng trời thành phố Vinh, bắn rơi năm máy bay địch. Sau đó, đơn vị được lệnh hành quân vào tham gia chiến dịch Trị - Thiên.

Tại đây, trung đoàn lại đánh thắng một trận giòn giã vào ngày 6 tháng 4 năm 1972, ngày Ních-xơn mở đầu cuọc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Trong trận này, riêng trung đoàn 267 được công nhận bắn rơi năm chiếc. Bây giờ, tất cả bốn tiểu đoàn của trung đoàn 267 lại được điều về chiến đấu trên quê hương Bác.

20 giờ 16 phút, sư đoàn 365 báo cáo tiểu đoàn 51, 52 đã phóng liên tiếp bốn quả đạn vào tốp B-52 mang số hiệu 675 trên đường từ Hà Nội bay về. Theo báo cáo thì phần tử xạ kích rất tốt, cả hai tiểu đoàn đều bám được dải nhiễu từ xa, rất đàng hoàng, chủ động. Tiểu đoàn 51 phóng trước khoảng 15 giây. Như vậy là đánh rất tập trung.

Tôi trực tiếp gặp đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365:

- Có chắc rơi không?

- Báo cáo! Rơi thì là chắc chắn là rơi rồi. Trận đánh đẹp như thế không rơi sao được nhưng mà...

Tôi cười, ngắt lời anh Giáo:

- Nhưng mà chưa "sờ được đuôi" có phải không? (Trong bộ đội phòng không, "sờ được đuôi" nghĩa là máy bay rơi tại chỗ).

Anh Giáo vẫn chưa hết hy vọng:

- Cũng chưa hẳn thế. Chúng tôi đang cho người đi tìm.

Nhưng anh Giáo không thể tìm được chiếc B-52 đó. Bởi nó không rơi tại chỗ trên miền Bắc mà đã lê được cái xác nặng nề về hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Đà Nẵng. Sau giải phóng, đồng bào xung quanh sân bay Đà Nẵng có kể lại cho chúng tôi nghe chuyện này.

Bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược số 8 Mỹ đã phải cho người đến tận nơi tháo gỡ máy móc của chiếc B-52 này mang đi để phi tang và để "giải phóng mặt bằng" cho bọn cường kích lên xuống.

Tôi còn nhớ hồi đó việc công nhận bắn rơi chiếc B-52 này cho tiểu đoàn nào cũng khá phức tạp. Hai tiểu đoàn phóng đạn hầu như cùng một lúc. Đạn đều nổ tốt. Cuối cùng, theo đề nghị của Sư đoàn 365, chúng tôi đã công nhận cho tiểu đoàn 52 vì tuy tiểu đoàn 52 chỉ có một quả nổ tốt nhưng xác minh lại phần tử thì xác suất của quả đạn này cao hơn cả.

20 máy bay ném bom chiến lược B-52 xuất kích khẩn cấp

Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Vinh, sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam và kíp trắc thủ Bách, Khoát, Hay tham gia đánh thắng trận này đã được đề nghị khen thưởng xứng đáng.

Sau này, trong bản thành tích đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn 267 và tiểu đoàn 52, thành tích bắn rơi chiếc B-52 trong đêm mở đầu chiến dịch lịch sử ngày 18 tháng 12 năm 1972 được nhắc đến như là một thành tích xuất sắc nhất trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của đơn vị.

(Trích Hồi ký Đánh thắng B-52 của Trung tướng Hoàng Văn Khánh, NXB QĐND 1993)

Hoàng Văn Khánh (1923-2002), tên thật Hoàng Văn Thiệu, bí danh Trần Giới, là tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại