Vì sao Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc, Ấn Độ trong mắt nhà đầu tư nước ngoài?

Hoài Thu |

Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng tại châu Á...

Trang EurAsian Times mới đây dẫn báo cáo Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - cho biết Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trở thành điểm đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn tại châu Á. 

Báo cáo của EIU nhận định Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng tại châu Á. Các nhân tố giúp Việt Nam nổi trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực bao gồm ưu đãi dành cho doanh nghiệp quốc tế mở nhà máy sản xuất hàng công nghệ cao, nguồn lao động dồi dào giá rẻ cũng như lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.

"Việt Nam ghi điểm cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc về chính sách FDI và kiểm soát thương mại quốc tế, hối đoái", báo cáo của EIU nhận định. "Điểm số về thị trường lao động của Việt Nam cũng cao hơn so với Ấn Độ. Với dân số 1,38 tỷ người, Ấn Độ vẫn xếp sau Việt Nam - quốc gia có dân số 97,34 triệu người".

Ấn Độ có điểm số thấp đáng ngạc nhiên về chính sách FDI trong số 14 quốc gia được EIU khảo sát. Ngoại trừ Indonesia và Bangladesh, Ấn Độ xếp sau tất cả quốc gia khác về FDI và thị trường lao động. Cả Ấn Độ và Indonesia đều đang nỗ lực thực hiện cải cách luật lao động. Trong khi đó, Bangladesh đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do và ưu đãi.

Báo cáo của EIU dự báo triển vọng tươi sáng đối với Việt Nam trong thời gian tới. "Việc trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do chứng tỏ Việt Nam có vị thế mạnh mẽ trong quan hệ thương mại, nhờ đó giảm chi phí xuất khẩu", báo cáo nhận xét.

Theo Ruchir Sharma, chiến lược gia về các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, mức FDI trên GDP hơn 6% của Việt Nam là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia mới nổi trên thế giới. Sau năm 2013, chi phí lao động tăng lên tại Trung Quốc đã dẫn tới dòng vốn FDI sụt giảm và chuyển hướng chảy sang các quốc gia châu Á khác, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, trong năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD. Dù con số này chỉ 75% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn được đánh giá là một thành tựu lớn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề tới hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Hồi tháng 7/2020, tờ The Economist, cũng thuộc Economist Group, nhận định Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thương mại thế giới và giờ đây tiếp tục hưởng lợi từ sự lung lay của toàn cầu hóa.

"Nền kinh tế phát triển ổn định giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc ngân hàng nhà nước giữ đồng nội tệ ổn định so với đồng USD, tính dụng ngân hàng được thắt chặt, lạm phát duy trì ở mức thấp... là loạt yếu tố giúp Việt Nam chiếm được lòng tin của giới đầu tư", The Economist chỉ ra.

Trước đó, báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance cũng nhận định Việt Nam đang nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á.

"Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 thấp đáng kinh ngạc và nổi lên là một trong những điểm đến sản xuất hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", Brand Finance đánh giá.

Theo Brand Finance, Việt Nam là nước có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại