Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022- 2023 .
Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho hay, có 74.602 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện.
Kết quả cho thấy, có hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72,08%. Hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%.
Tại hội nghị, PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác tôn giáo đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí rất đáng "nghi ngờ", nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay.
“Việc điều tra xã hội học phải được thực hiện bài bản, khoa học và có số liệu phân tích cụ thể, không thể chung chung bao nhiêu % đồng ý”, ông Thảo nói.
Riêng tỷ lệ gần 30% số người tham gia ý kiến không đồng tình việc tăng học phí, ông Thảo cho rằng cần rất chú ý tới nhóm này vì nó cho thấy sự đồng thuận của nhân dân với việc tăng học phí có thể không cao.
Ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp, phân tích Dư luận xã hội cho rằng, các bảng số liệu của Tờ trình khá đầy đủ thông tin và là cơ sở khoa học khá vững chắc cho việc ban hành Nghị quyết thu học phí trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Quang, số người không đồng thuận là 27% cũng đặt ra vấn đề cần xem xét điều khoản bổ sung cho Nghị quyết.
Tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất năm học 2022-2023 dự kiến khoảng 1.742,390 tỷ đồng (tăng khoảng 523,300 tỷ đồng so với tổng thu theo mức thu năm học 2021-2022).
Luật gia Lê Gia Ánh cho rằng, nếu mở rộng đối tượng góp ý thì kết quả sẽ khác. Ông đề nghị lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc tăng học phí này. Nên lấy ý kiến qua đường tổ dân phố sẽ khách quan hơn hay qua các phụ huynh tại các lớp học của nhà trường,...
Ông Ánh cũng nêu quan điểm, về an sinh xã hội, không nên lấy việc tăng học phí là nguồn thu . Nhà nước nên bổ sung kinh phí bằng nguồn ngân sách. Với việc mỗi thứ tăng một chút; giá sinh hoạt, xăng, học phí, viện phí,... dẫn đến việc chi hàng tháng của người dân ngày càng tăng so với mức thu nhập, lương.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, nếu Hà Nội không tăng học phí trong năm 2022- 2023 thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm nữa sẽ phải tăng gấp 3 theo lộ trình.
Ông Cương nêu, như TP.HCM mấy năm không tăng học phí, nên mới có chuyện học phí trong năm học tới tăng 5 lần. "Hà Nội tăng từ từ", ông Cương nói.
Để hỗ trợ học sinh 23 xã miền núi, liên ngành thành phố đã báo cáo cho phép dùng nguồn kinh phí hỗ trợ, dự kiến khoảng 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, học sinh hộ nghèo, gia đình chính sách đều được miễn giảm học phí.
Ông Cương cũng cho biết thêm, Hà Nội hiện có 2.835 trường học với 2,3 triệu học sinh (đông gấp 2 lần dân số của một số tỉnh); có hơn 138.000 giáo viên, trong đó khoảng 100.000 người dạy công lập.
Các bậc học dự kiến sẽ tăng học phí theo từng năm. (ảnh: Như Ý)
Mỗi năm ngân sách thành phố chi khoảng 12.000 tỷ đồng cho giáo dục. Trong khi đó nguồn thu từ học phí theo tờ trình chỉ đảm bảo chi 19% cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn phải chi 81%.
Ngoài ra, ông Cương cũng thông tin thêm, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 60.000 học sinh, tương ứng phải xây thêm 30 trường học. Hiện, thành phố thiếu hơn 7.000 giáo viên. Vừa qua các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Hà Nội tuyển bổ sung 2.800 giáo viên nhưng nếu chia cho các trường còn thiếu thì không đáng là bao.
Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, các địa bàn của thành phố Hà Nội được chia thành bốn vùng để xét thu học phí khác với trước đây thành phố chỉ chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.
Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất.
Theo đó, năm học 2022- 2023, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (vùng 3) và từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (vùng 4).
Như vậy, học phí tăng khoảng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng năm 2021 lên 300.000 đồng.