Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.
So với các quy định hiện hành, thông tư mới nhất đã bỏ một số nội dung liên quan đến hoạt động công khai của lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, bãi bỏ việc công khai nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên.
Như vậy, từ ngày 15/11, các lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông không phải công khai các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư số 46 cũng bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu CAND của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe trong công tác đăng ký, cấp biển số xe. Bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu CAND và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.
Lý giải về việc bãi bỏ nội dung công khai kế hoạch tuần tra, ban soạn thảo cho biết lực lượng thực thi công vụ khi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông thì ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì họ còn trực tiếp hoặc phối hợp với đơn vị nghiệp vụ phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng.
Theo Cục CSGT, thời gian qua, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhiều người dân đã yêu cầu CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối. Việc này đã gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Người dân cần phân biệt giữa “kiểm tra” và “giám sát”, bởi việc kiểm tra thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn người dân có quyền giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT theo quy định.