Thực trạng qua con số
Theo dữ liệu của chuyên gia thống kê Omar Chaudhuri, Ngoại hạng Anh không có thói quen đón các tân binh mùa đông vào những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng. Giải Ngoại hạng chỉ chứng kiến 74 vụ chuyển nhượng diễn ra trong ngày cuối cùng của phiên chợ đầu năm 4 mùa giải gần đây.
Trong số này, có 30 tân binh nằm trong độ tuổi U22. Hiểu đơn giản thì gần một nửa số vụ mua bán được thực hiện với mục đích ươm mầm tài năng trẻ và không nằm trong kế hoạch sử dụng tức thời của các CLB.
Liverpool "chốt sớm" thương vụ Van Dijk với giá 75 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm nay.
Trong 44 người còn lại, có 6 người chỉ chơi nhiều hơn 10 trận trong phần còn lại mùa giải, 11 người được ra sân tối đa 6 lần dưới màu áo mới. Chỉ một lượng rất ít còn sót lại (11 người, tương đương 14,8%) thực sự thể hiện được năng lực của mình khi đóng góp 57% số điểm mà CLB chủ quản giành được.
Dẫu vậy, xét tổng thể thì dấu ấn nhóm tân bình cập bến Premier League trong ngày cuối cùng của TTCN mùa đông để lại vẫn quá ít ỏi.
Vì lẽ này mà các CLB ở Anh luôn hạn chế mua sắm muộn. Bằng chứng là 9 kỳ chuyển nhượng tháng giêng mới đây, số tiền mà các đội bóng ở giải Ngoại hạng ném ra chỉ là 335 triệu bảng, tức trung bình 37,2 triệu bảng/kỳ, kém cả con số của Ligue 1 (40,2) hay Serie A (42,3).
Chơi trội là chết
Lịch sử chỉ ra, hễ đội nào mua người phút chót thì ắt đội đó và cá nhân cầu thủ được mua về chuốc họa vào thân. Điển hình là mùa đông 2011 điên rồ, ít giờ trước khi TTCN đóng cửa, Chelsea giới thiệu bản hợp đồng kỷ lục Fernando Torres.
Ở Merseyside, Liverpool không chịu kém cạnh khi ra mắt Andy Carroll, biến chân sút này thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB. Kết cục thì ai cũng biết, Chelsea tốn nửa triệu bảng cho một bàn thắng của El Nino, Liverpool khóc dở mếu dở vì đôi chân gỗ của Carroll.
Fernando Torres gia nhập Chelsea với giá 50 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2011.
Hay như QPR, họ mua liền Townsend, Samba, Jenas với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 20 triệu bảng vào ngày cuối của phiên chợ đông 2013. Cuối mùa, đội chủ sân Loftus Road vẫn chịu cảnh xuống hạng. Năm ngoái, Fulham đem về Mitroglou với cái giá 11,8 triệu bảng kỷ lục song những gì họ nhận lại là 151 phút và 0 bàn thắng.
Xa hơn một chút, Afonso Alves từ một tài năng lớn của xứ Samba, anh đánh mất chính mình ngay khi chuyển tới Middlesbrough từ Heerenveen (2008) để rồi chôn vùi sự nghiệp ở Qatar những năm tháng sau đó.
Lý do là sự phức tạp
Thông thường, để hoàn thành một vụ chuyển nhượng ở Anh, các bên liên quan cần trải qua tối thiểu 9 bước trước khi đi đến thống nhất. Ngay cả khi tất cả đều hài lòng và sẵn sàng đặt bút ký vào bản giao kèo, mỗi bước như vậy cần tối thiểu 2 giờ đồng hồ. Theo phép nhân, các CLB có tối đa 6 giờ đồng hồ để chuẩn bị mọi thứ trước khi xúc tiến một thương vụ trong ngày cuối cùng của TTCN mùa đông.
Tất nhiên, sự rối rắm chưa dừng lại ở đó. Trong 9 bước đề cập ở trên, có 2 công đoạn tiêu tốn tới 18 giờ đồng hồ để xin được xác nhận của BTC giải đấu, đó là giấy phép lao động và hồ sơ xác minh quyền sở hữu bên thứ ba, đặc biệt với những trường hợp tới từ Nam Mỹ hoặc Nam Âu.
Arsenal suýt không mua được trung vệ Gabriel Paulista vì không xin được giấy phép lao động cho cầu thủ này.
Xét theo luật, không CLB nào đủ lực mua bán cầu thủ trong ngày cuối cùng. Thế nên, muốn mua người trong tình cảnh như vậy thì họ buộc phải bỏ ra một số tiền nhất định gọi là "phí bôi trơn".
Theo chế tài, một vụ chuyển nhượng phút cuối được thông qua nếu cầu thủ, người đại diện hoặc CLB trả cho BTC giải Ngoại hạng 8% giá trị của bản hợp đồng. Chưa hết, phía CLB được hỏi mua cũng chỉ chịu nhả người nếu bản thân đội bóng đó nhận trước 10% tiền đặt cọc, riêng chủ tịch được trích thêm 2% hoa hồng. Nghĩa là, giá trị thực để mua tân binh bị đẩy lên thêm 20%.
"Không ai đi chợ chiều" là câu nói cửa miệng trong giới mộ điệu bởi mức độ rủi ro của những bản hợp đồng đầu năm mang lại. Vì thế, nếu có mua người vào tháng 1, các CLB về bản chất cũng đã theo sát mục tiêu từ mùa hè và khóa giao dịch trong những ngày đầu tiên của phiên chợ để giúp tân binh hòa nhập tốt. Do đó, mua người sớm là xu hướng tất yếu.