Hãng tin RFI (Pháp) dẫn lại bài viết trên tờ Le Point cho biết, một hôm trước khi gặp người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào trung tuần tháng Bảy, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một tuyên bố mà giới công nghiệp Pháp không thể quên: "Liên Hiệp Châu Âu là một kẻ thù (…) đã thực sự thủ lợi trên lưng nước Mỹ".
Đối với tạp chí Pháp, câu nói của người lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới không chỉ mang tính khiêu khích, mà thực sự là "một thanh gươm Damocles đang lơ lửng trên lĩnh vực quốc phòng, một mối đe dọa mang tên ITAR".
Đây là tên tắt của các Quy Định về Buôn Bán Vũ Khí Quốc Tế (International Traffic in Arms Regulations) của Hoa Kỳ, cho phép Washington nhân danh bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của Mỹ để ngăn chặn việc bán chiến đấu cơ, vệ tinh hoặc tên lửa cho một nước thứ ba, khi một trong những thành tố tạo nên thiết bị đó là của Mỹ.
Điều đáng ngại hơn, theo Le Point, là Washington có thể bất ngờ tuyên bố đưa vào danh sách cấm trong khuôn khổ quy định ITAR một bộ vi mạch điện tử hay một bằng sáng chế nào đó thuộc diện dân sự, mà trước đó còn được mua bán tự do. Chính quyền Trump đã từng 2 lần tung ra lời đe dọa này đối với Ai Cập và Qatar để tìm cách phá vỡ nỗ lực xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Nếu bị Mỹ cản trở, Pháp có nguy cơ bị mất hàng triệu đô la hợp đồng, và các khách hàng tiềm năng của Pháp sẽ nản chí. Theo Le Point, vấn đề là tất cả các thiết bị quân sự của Pháp (trong đó có chiến đấu cơ Rafale) đều có linh kiện nằm trong danh sách cấm ITAR của Mỹ, và việc thay thế các linh kiện này sẽ mất hàng năm trời, cũng như tốn hàng tỷ đô la.
Giới thiệu tiêm kích Rafale
TT Donald Trump không thích bị cạnh tranh
Tại sao chính quyền Trump lại tấn công vào Rafale ? Theo Le Point, đó là vì Washington đang bực tức trước một số thương vụ bán Rafale kỷ lục mà Paris vừa giành được, cạnh tranh với chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Theo ông Pierre Razoux, thuộc Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Võ Bị Pháp Insem, về số lượng xuất khẩu, Rafale - với không đầy 100 chiếc được 3 nước đặt mua (Qatar, Ai Cập, Ấn Độ) - thua xa F-35 đã có gần 3.000 chiếc được khoảng một chục quốc gia đặt hàng.
Vấn đề là với 3 thương vụ bán Rafale liên tiếp, Paris đang vươn lên thành phía có thể cạnh tranh với Washington, điều làm cho Mỹ không mấy hài lòng. Hoa Kỳ còn giận dữ vì Ai Cập chẳng hạn, đã đặt mua 24 chiếc Rafale của Pháp, trong khi Washington phải chi 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm cho Cairo...
Theo Le Point, cho đến giờ này, Mỹ không đánh trực tiếp vào Rafale, mà là vào loại tên lửa máy bay Pháp mang theo, họ muốn ngăn cản Paris cung cấp cho Ai Cập. Andrew Miller, nguyên cố vấn quân sự của cựu tổng thống Mỹ Barak Obama, đã giải thích:
"Có lệnh cấm bán tên lửa như vậy cho các nước Trung Đông. Lý do là vì tại Mỹ đang có một nguyên tắc là cấm bán qua vùng Cận Đông những loại vũ khí có thể làm giảm ưu thế quân sự của Israel".
Trong trường hợp tên lửa trang bị cho máy bay Rafale mà Ai Cập đặt mua, sở dĩ Mỹ có thể ngăn chặn việc cung cấp này vì sự hiện diện của hai linh kiện nhỏ thuộc diện ITAR trong hệ thống hồng ngoại hướng dẫn tên lửa hướng tới mục tiêu.
Đối với Le Point, sự vụ trên đây chứng tỏ rằng ngành công nghiệp vũ khí Pháp quá lệ thuộc vào "Chú Sam". Do vậy, mục tiêu mà Paris phải đặt ra kể từ nay là tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ.