Nếu chỉ đơn thuần quan sát thái độ giận dữ của Bắc Kinh trước việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc, người ta có thể cho rằng mục tiêu nhắm đến của THAAD là Trung Quốc. Nhưng cả Washington và Seoul đều khẳng định hệ thống này rất cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc trước sự tấn công của Triều Tiên.
THAAD là gì ?
THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (tạm dịch Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối), được chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trong giai đoạn cuối của hành trình bay.
Theo hãng sản xuất Lockheed Martin, hoạt động này gồm 4 bước. Trước tiên, hệ thống radar sẽ nhận dạng tên lửa đối phương. Sau đó, tên lửa đánh chặn được khai hỏa từ hệ thống phóng tên lửa đặt trên xe chuyên dụng, phá hủy tên lửa đối phương bằng động năng. Vì mối đe dọa được hóa giải ngay từ trên cao nên tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt được giảm nhẹ.
Một vụ bắn thử tên lửa thuộc hệ thống lá chắn (THAAD) tại quần đảo Marshalls, nam Thái Bình Dương, hồi 2012.
THAAD vô cùng cơ động, gồm bốn bộ phận chính: một xe chuyên dụng phóng tên lửa, 8 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar cơ động và một hệ thống kiểm tra nối kết nhiều bộ phận khác nhau với trung tâm chỉ huy bên ngoài.
Được thiết kế để chống lại các tên lửa Scud của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh, nay THAAD được Mỹ bố trí tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đảo Guam và Hawai. Từ năm ngoái, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai tại Hàn Quốc như biện pháp phòng vệ trước việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và bắn thử tên lửa đạn đạo.
Tuần này, tình hình bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng. Hôm thứ Ba, báo chí Bình Nhưỡng loan báo, vụ phóng tên lửa sáng 6/3 là cuộc tập trận quân sự của Triều Tiên nhằm "thực hành tấn công căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản".
Số tên lửa được Triều Tiên bắn đi cho thấy nước này đang thử nghiệm xem làm thế nào nhanh chóng triển khai các tên lửa trong trường hợp chiến tranh.
Cùng ngày, Mỹ thông báo bắt đầu đưa THAAD đến Hàn Quốc. Do địa điểm chưa sẵn sàng, hệ thống lá chắn tên lửa tạm thời đặt tại một căn cứ Mỹ ở Osan và việc triển khai có thể hoàn tất vào tháng Sáu.
Cũng trong ngày thứ Ba, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc và Bắc Kinh "sẽ kiên quyết có những biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi".
Cận cảnh hệ thống tên lửa THAAD Mỹ đem tới Hàn Quốc
Hệ thống radar tinh vi của THAAD
Tờ Washington Post nhận định, thoạt nhìn thì khó có thể hiểu được cơn thịnh nộ của Bắc Kinh đối với THAAD. Một mặt, đây chỉ là một hệ thống phòng vệ. THAAD không mang theo các đầu đạn để tấn công, mà chỉ dựa vào các tên lửa đánh chặn để phá hủy tên lửa đối phương.
Tuy trên lý thuyết, hệ thống này có thể sử dụng để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, nhưng THAAD chỉ can thiệp vào giai đoạn cuối cùng.
Hơn nữa, Trung Quốc, "ông anh lớn" lâu nay của Triều Tiên, cũng đã tỏ ra bực tức trước các vụ bắn tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã ngưng nhập khẩu than đá của Triều Tiên, làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của đất nước bị cô lập này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, sự giận dữ của Bắc Kinh không nhắm vào các tên lửa, mà chủ yếu do lo ngại trước hệ thống radar tinh vi của THAAD.
Các radar này có thể theo dõi những hệ thống tên lửa của Trung Quốc, tạo ưu thế lớn cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh trong tương lai. Một số nhà phân tích Trung Quốc còn cho rằng, bản thân THAAD chỉ được sử dụng một cách hạn chế để chống lại Triều Tiên, việc triển khai hệ thống radar mới là mục đích chính.
Nhìn rộng hơn, Bắc Kinh lo sợ Mỹ có thể sử dụng cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản để cầm chân Trung Quốc trong tương lai. Thời báo Hoàn Cầu đã lớn tiếng dọa dẫm: "Nếu Hàn Quốc nhất định trở thành con rối của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải hành động".
Tìm hiểu cơ chế hoạt động của hệ thống phòng thủ THAAD