Hôm qua, Indonesia đã thay mặt Interpol bắt giữ tàu Hua Li 8 của Trung Quốc, con tàu được ghi nhận là đã đánh bắt trong khu vực đặc quyền kinh tế của Argentina, đất nước cách Trung Quốc nửa vòng Trái đất.
Sở dĩ tàu cá của Trung Quốc phải “làm ăn xa” như vậy là vì ở quê nhà, nơi kinh tế bùng nổ giao thoa với truyền thống cổ xưa, hi vọng về tương lai của con người nằm trong một… bát súp.
Thuốc phiện của biển
Hơn 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.
Tại Trung Quốc, thu nhập tăng, thị trường toàn cầu lại dễ tiếp cận. Những yếu tố đó đã làm thay đổi cách sống của 10 triệu người Trung Quốc. Họ lái xe ô tô Đức, đắp lên người các thương hiệu thời trang Pháp và tới hưởng thụ ở khắp các khu nghỉ dưỡng xa hoa trên thế giới.
Nhưng người Trung Quốc còn một món tiêu dùng xa hoa ít ai để ý. Đó là hải sản.
Không phải hải sản thông thường, mà là các loại quý hiếm.
Tiệc tùng, cỗ bàn vốn đã là một phần trong văn hóa Trung Quốc. Theo Telegraph, chỉ riêng số tiền chi cho các buổi tiệc của chính phủ nước này vào năm 2012 đã lên tới 60 tỉ USD (hơn 1,3 triệu tỉ đồng).
Tại một nhà hàng Hong Kong, các món hải sản nhập như súp vi cá mập, bao tử cá, hải sâm, tu hài, nhím biển có thể lên tới 200 USD/đĩa. Một chiếc bao tử cá totoaba có thể lên tới hơn 40.000 USD.
Hàng thế kỷ nay, người giàu Trung Quốc vẫn dùng loại bao tử cá này để nấu canh, món ăn mà họ cho là có tác dụng an thai và chữa đau khớp.
Các chuyên gia cho rằng, với người Trung Quốc, loại thực phẩm này không khác gì “thuốc phiện của biển”.
Gina Lam, một khách hàng thường xuyên của phố hải sản Sheung Wan (Hong Kong) thì chia sẻ, bà ăn súp vi cá mập tuần 1 lần. "Cứ nhìn tôi thì biết, tôi rất khỏe. Đó là vì tôi ngủ nhiều, và tôi ăn vi cá mập".
Nhưng cá mập cũng chỉ là một trong những nạn nhân làm thỏa mãn cơn sốt hải sản cao cấp của người Trung Quốc.
Mực khổng lồ, cá tuyết Patagonia ở vùng biển Argentina, cá ngừ ngoài khơi Chile, cá mập ở Colombia, Ecuador và cá totoaba ở Mexico là những loại hải sản được người Trung Quốc ưa chuộng.
Hiềm một nỗi, những loại hải sản này lại không có sẵn ở quê nhà.
Cuộc chiến không cân sức
Trung Quốc là thị trường cá lớn nhất và có lực lượng đánh bắt ngoài khơi lớn nhất thế giới, với khoảng gần 2.500 tàu.
Số lượng tàu cá gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, theo nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang.
BBC World đã lên tiếng cảnh báo về quy mô đánh bắt trái phép của các tàu cá Trung Quốc ở các vùng biển châu Mỹ Latinh. Trong khi có những tàu cá hoạt động hợp pháp thì rất nhiều tàu khác lại không.
Argentina đã từng đánh đắm một tàu cá Trung Quốc vì hoạt động trái phép trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo thông tin của BBC, Argentina không mấy khi dùng vũ lực nhưng các cuộc đụng độ xảy ra thường xuyên. Đa phần các tàu cá đều đến từ Trung Quốc.
Ông Guillermo Calle, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ tại Argentina cho biết: “Khu vực này có hiện tượng tàu cá xâm lấn trái phép”.
“Thường thì một đám tàu bè treo cờ giống nhau sẽ tập trung bên ngoài khu vực đặc quyền kinh tế. Ban đầu, một, hai chiếc tiến vào. Sau 3 ngày thì các chiếc khác cũng xâm nhập”.
Ảnh chụp vệ tinh giúp cho thấy các đội tàu lớn bên thềm khu EEZ. Ông Maximiliano Bello, giám đốc Quỹ Pew Charitable Trusts nhận xét: “Trông giống như những thành phố nổi”.
Ông Bello cho biết: các loại hải sản này sau đó đều được chuyển tới Hong Kong. Vì hải quan lỏng lẻo nên Hong Kong trở thành “điểm trung chuyển” trước khi hải sản quý hiếm được tuồn vào Trung Quốc đại lục.
Các nước khu vực Mỹ Latinh đã nỗ lực để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép này, nhưng chưa hiệu quả. Khoảng cách xa xôi giữa đất liền và vùng đánh bắt cùng chi phí giám sát tốn kém khiến các nước này nằm ở thế yếu trong cuộc chiến trên chính ngư trường của mình.
Và việc ấy càng khó khăn hơn khi mà món hời lớn lại dễ khiến người ta liều mạng. Như chuyên gia của Đại học California Andrew Johnson nhận xét: "Ngư dân có thể dễ dàng kiếm được 4000 USD cho 1 chiếc bao tử cá. Bắt được một con là đủ sống rồi."