Vì sao Trung Quốc điều thiết giáp đến sát Hong Kong?

Vĩ Cường |

Nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng đại lục sẽ gửi quân đội chính thức can thiệp vào vấn đề Hong Kong.

Trong cuộc họp báo sáng 13-8, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cảnh báo “các hoạt động vi phạm pháp luật nhân danh tự do” của người biểu tình đang đe dọa đến luật pháp và sự tồn vong của đặc khu .

Bắc Kinh sử dụng đòn tâm lý

Phản ứng trước vụ biểu tình ở Hong Kong, nhiều quan chức Trung Quốc (TQ) đã kêu gọi sử dụng “bàn tay thép” để giải quyết “những hành vi bạo lực”.

“Những người bạo loạn đã liên tục tấn công cảnh sát bằng vũ khí nguy hiểm. Họ đã gây ra tội ác nguy hiểm và biểu lộ dấu hiệu khủng bố.

Họ xâm hại nghiêm trọng đến luật pháp và trật tự Hong Kong, đe dọa đến tính mạng và an nguy của người dân” - người đại diện Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau phát biểu.

Truyền thông TQ ngày 12-8 đăng tải một video cho thấy nhiều xe bọc thép chở quân (APC) di chuyển tới TP Thâm Quyến. Cả hai tờ báo này nói rằng cảnh sát đang chuẩn bị tập trận.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Lowy (Úc) Ben Bland, Bắc Kinh “muốn ngụ ý rằng họ hoàn toàn đủ khả năng gửi quân đội và can thiệp trực tiếp Hong Kong nhưng hiện tại họ chưa muốn”.

“TQ đại lục đang hy vọng những tín hiệu như vậy sẽ làm người biểu tình chùn bước, vì nếu TQ thật sự muốn dùng quân đội ngay lập tức, họ sẽ không công khai như thế.

Với mức độ rủi ro kinh tế và uy tín cao đối với TQ, điều động quân đội sẽ là một động thái nguy hiểm” - ông Bland nói với đài CNBC.

Thống đốc cuối cùng của Hong Kong thuộc Anh Chris Patten cảnh báo hành động đe dọa của Bắc Kinh có thể sẽ “phản tác dụng”. Một khi lính TQ đặt chân vào thành phố, mọi thứ sẽ trở thành “thảm họa”. Ông kêu gọi Anh cùng Mỹ tìm cách ngăn chặn khả năng trên.

Chuyên gia chính trị Hong Kong Chen Daoyin tại Thượng Hải trả lời hãng tin Reuters rằng với việc phương Tây ngày càng chú ý đến các hành động của TQ, Bắc Kinh đang duy trì Hong Kong như một kênh mở để kết nối với thế giới bên ngoài và để thử nghiệm những chính sách ngoại giao mang tính rủi ro cao trước khi áp dụng cho những cường quốc khác.

“Nếu quân đội được triển khai tại Hong Kong thì điều đó có nghĩa là TQ đã sẵn sàng đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài” - ông Chen nhận xét.

Một đoàn xe tải tiến về phía Hong Kong

Kinh tế Hong Kong thiệt hại nặng nề

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, kinh tế Hong Kong đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc biểu tình kéo dài gần hai tháng đến nay mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

“Rất nhiều lãnh đạo các tập đoàn đang cân nhắc kế hoạch đến và đi Hong Kong. Việc này chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của họ” - Benjamin Quinlan, CEO hãng tài chính Quinlan & Associate, chia sẻ với Bloomberg.

Dù sân bay Hong Kong hôm 13-8 đã mở cửa trở lại nhưng không thể lường trước được liệu người biểu tình có lại tái chiếm địa điểm này hay không. Sân bay này mỗi năm đóng góp 5% vào tổng GDP đặc khu.

Cảnh sát Hong Kong ngày 12-8 đã xác nhận bắt giữ 149 người sau loạt biểu tình thời gian qua. Các đối tượng này bị cáo buộc các tội danh tụ tập bất hợp pháp, tấn công cảnh sát, cản trở cảnh sát thi hành công vụ, sở hữu vũ khí tấn công và gây nguy hiểm.

Bất ổn nội địa và thương chiến Mỹ-Trung gây sức ép lên giá bất động sản và nhấn chìm thị trường chứng khoán 4.900 tỉ USD tại đây.

Giao dịch bất động sản tháng 7 giảm 35% và doanh số bán lẻ cũng giảm năm tháng liên tiếp. GDP Hong Kong hiện giảm 0,3% so với ba tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất tháng 7 cũng xuống thấp nhất kể từ năm 2009.

“Chúng tôi dự báo Hong Kong sẽ rơi vào suy thoái” - chuyên gia kinh tế Iris Pang tại Tập đoàn tài chính ING cảnh báo.

Ông Steven Leung, Giám đốc Ngân hàng Uob Kay Hian (Hong Kong), cho biết nếu tuần nào biểu tình cũng nổ ra ở Hong Kong, “chẳng nhà đầu tư nào sẽ còn muốn mua tài sản ở đây nữa”.

Ngay cả trong trường hợp biểu tình chấm dứt, hình ảnh và độ ổn định của Hong Kong đã bị ảnh hưởng trong mắt các nhà đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia.

“Cuộc biểu tình là một trong các mối nguy lớn nhất đe dọa kinh tế Hong Kong trong vòng vài thập niên qua. Nếu còn tiếp diễn, nó sẽ khiến nhà đầu tư chuyển sang những nơi khác, như Singapore” - Bloomberg cho biết.

Vì sao Trung Quốc điều thiết giáp đến sát Hong Kong? - Ảnh 3.

Xe thiết giáp WZ-551 tại Thâm Quyến

Nhiều chuyến bay Việt Nam bị ảnh hưởng

Theo tờ South China Morning Post, sân bay quốc tế Hong Kong hôm 13-8 đã mở cửa trở lại nhưng 310 chuyến bay, trong đó có Việt Nam, vẫn bị hủy do lo ngại biểu tình.

Được biết Vietnam Airlines lùi giờ khai thác hai chuyến bay VN594, VN595 giữa TP.HCM - Hong Kong 7 giờ 40 phút so với kế hoạch ban đầu.

Các chuyến khác trong ngày của Vietnam Airlines vẫn khai thác bình thường, bao gồm VN593, VN592 giữa Hà Nội - Hong Kong và VN598 giữa TP.HCM - Hong Kong.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã thông tin đến hành khách tại các sân bay và qua nhiều kênh truyền thông, qua điện thoại, tin nhắn SMS về sự cố biểu tình tại sân bay Hong Kong.

Còn hãng Jetstar Pacific hủy hai chuyến BL160, BL161 giữa Hà Nội - Hong Kong và hai chuyến BL164, BL165 giữa Đà Nẵng - Hong Kong. Hãng VietJet thông tin chuyến bay VJ876/VJ877 chặng TP.HCM - Hong Kong - TP.HCM cũng bị hủy.

Trung Quốc điều thiết giáp đến sát Hong Kong

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại