Một số điều ít biết về thân thế Trần Thủ Độ
Chính sử chỉ chép rằng, về mặt huyết thống dòng tộc, Trần Thủ Độ ở vai chú họ của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và ông cũng chính là "tác giả" của cuộc chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần diễn ra vào tháng 12 năm Ất Dậu. Ngoài ra không có thông tin gì khác về thân thế của ông.
Theo 1 số thần tích, ngọc phả, ông người ở Bến Trấn, làng Ứng Mão (tên Nôm là làng Mẹo), huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), sinh năm Giáp Dần (1194), là con trai thứ 3 của Trần Hoằng Nghị, ban đầu Trần Thủ Độ có tên là Trần An Bang; hai người anh của ông là Trần An Quốc, Trần An Hạ.
Hình minh họa
Tương truyền, khi cha là Trần Hoằng Nghị mất, Trần Thủ Độ được bác ruột là Trần Lý đem về nuôi dưỡng.
Trần Lý vốn làm nghề đánh cá, sau giàu có, nhân xã hội có biến loạn mới chiêu tập lực lượng chiếm cứ vùng Hải Ấp lấy thôn Lưu Gia làm địa bàn chính (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Từ đấy về sau, họ Trần thế lực ngày càng mạnh, nhờ có công phù giúp vua Lý Cao Tông dẹp loạn Quách Bốc cuối năm Kỷ Tị (1209), con cháu dòng họ này dần giữ các vị trí quan trọng trong triều, cuối cùng đến Trần Thủ Độ khuynh đảo triều chính, đóng vai trò quyết định trong việc sáng lập ra triều Trần.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông như sau: "Trần Thủ Độ tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Vua Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ dựa mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước tin cậy… Thủ Độ tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc không việc gì là không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất".
Thái sư Trần Thủ Độ đi thị sát việc đắp đê chống lụt (Hình minh họa – Nguồn: vnart)
Trần Thủ Độ mất tháng giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi, triều đình truy tặng ông là Thượng phụ, Thống quốc Thái sư, Trung Vũ đại vương, lại xây đền thờ, ban lễ quốc tế.
Với những công trạng và dấu ấn để lại, nhiều nơi đã kính ngưỡng lập đình, đền, miếu mạo thờ phụng Trần Thủ Độ, như tại ngôi đền thờ ông ở đồi Lim (Tiên Sơn, Bắc Ninh) có câu đối ca ngợi rằng:
Công đáo vu kim bất đãn Trần gia nhị bách tải,
Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
Nghĩa là:
Công đức của Thần còn mãi đến nay, không chỉ bó hẹp ở đời Trần mà còn đến hàng trăm năm sau,
Bàn luận việc từ nghìn xưa ghi lại ở nước Nam, việc của Ngài xứng được lưu truyền nhiều nhất.
Nơi Thái sư họ Trần được tôn gọi là Thánh Cáu
Không chỉ có công lớn với vương triều Trần, đối với dân chúng Trần Thủ Độ là một đại ân nhân ân đức bao trùm bởi công lao dẹp loạn, khai hoang lập ấp, đào sông thậm chí nhiều truyền thuyết lưu lại ông còn diệt quái thú…
Một trong những công lao đó được lưu truyền nhiều đời nay tại làng Hương Tảo, thuộc tổng Yên Dũng, xưa thuộc lộ Bắc Giang (nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).
Tương truyền, tại làng Hương Tảo có núi Nham Biền nằm ven sông Cầu, trong núi có hang sâu, ở đấy có một con mãng xà (trăn núi) rất lớn; con quái vật này thường xuất hiện, bắt người và súc vật ăn thịt nên dân chúng trong vùng rất sợ hãi, không ai dám đến gần khu vực này.
Mãng xà núi Nham Biền (Hình minh họa – Nguồn: nxbkimdong)
Truyền rằng, vào khoảng năm Qúy Hợi (1263), một năm trước khi qua đời, Thái sư Trần Thủ Độ vẫn quan tâm đến việc trị thủy, chống úng lụt; năm đó ông đi kiểm tra đắp đê sông Cầu, thấy có một đoạn dài ở phía đông núi Nham Biền vẫn chưa được đắp.
Cho là chức dịch địa phương chểnh mảng việc công, ông liền gọi đến trách mắng thì huyện quan, xã quan đều cho biết về nạn mãng xà, nó thân hình to lớn, mình rất dài, ai thấy cũng khiếp sợ, không biết cách nào để diệt trừ.
Nghe lời tấu trình, Thái sư Trần Thủ Độ bèn cùng đoàn tùy tùng đến tận nơi để nghe dân làng kể thêm về sự việc; đúng lúc ấy con mãng xà xuất hiện, mọi người hoảng sợ chạy tứ tán, một cô thị nữ theo hầu vì sức yếu chạy không kịp bị con quái vật cuốn phăng đi mất.
Thấy không nhanh chóng diệt trừ con vật này thì mối họa cho dân ngày càng lớn, Thái sư Trần Thủ Độ thân hành khảo sát địa bàn rồi nghĩ kế sách.
Sau đó ông ra lệnh xuất tiền công quỹ mua nhiều trứng gà, trứng vịt bỏ vào các thúng đặt ở nơi con mãng xà khổng lồ thường đến rồi hạ lệnh cho người bí mật theo dõi, có sự khác lạ gì phải bẩm tâu ngay. Mấy hôm sau quan chức địa phương báo rằng con mãng xà đã nuốt hết số trứng đó.
Xem đầu con mãng xà sau khi bị diệt (Hình minh họa – Nguồn: nxbkimdong)
Nghe vậy, ông lại ra lệnh thu mua thêm nhiều trứng nữa, lại mua thêm các chất độc như hoàn nàn, thạch tín, vôi bột tán nhỏ, lại hút bớt lòng trứng rồi nhét bột đó vào.
Khi mọi việc đã xong, số trứng ấy lại được đặt ở vị trí cũ; lần này còn mãng xà quen ăn trườn đến nuốt hết trứng, chẳng bao lâu nó trúng độc lăn ra chết tại chỗ.
Nhân dân trong vùng cảm kích ơn đức đó đã lập bên cạnh đê một ngôi đền để thờ sống Trần Thủ Độ, coi ông là bậc Thánh.
Quan lại địa phương còn cho dựng khắc bia ghi ơn và giữ bộ xương mãng xà làm lưu niệm. Tương truyền người ta lấy xương sườn con quái vật ấy làm cán hai cây quạt cắm hai bên khám thờ Trần Thủ Độ.
Ngôi đền ân nhân của làng Hương Tảo được dân chúng 4 mùa hương khói. Trải qua thời gian ngôi đền đổ nát, người dân dựng đình thờ phụng, tôn ông là một trong 3 vị Thành hoàng của làng; tại đình có câu đối ca ngợi về công đức của Trần Thủ Độ như sau:
Ái Lý cô trung Trần, tích trứ lưỡng triều sư phụ trọng,
Trừ xà do diệt phạm, công lao thiên cổ nguyệt Nham trường.
Nghĩa là:
Bởi yêu nhà Lý nên trung với triều Trần, thêu sự tích hai triều là bậc thầy đáng kính trọng,
Trừ mãng xà còn dẹp loạn nước, công lao to lớn sáng cùng trăng núi mãi ngàn năm.
Lại có câu:
Trị thủy độ dân, thịnh đức thiên thu hương hỏa tại,
Sát xà cứu thế, kỳ công vạn cổ thạch bi truyền.
Nghĩa là:
Trị thủy giúp dân, đức lớn ngàn thu khói nhang còn mãi,
Giết rắn cứu đời, kỳ công muôn thuở bia đá lưu truyền.
Các câu đối đều có nội dung ca ngợi công lao trừ trăn núi cho dân yên, đắp đê ngăn lũ lụt bảo vệ mùa màng, không những vậy còn nói lên sự kính trọng của triều đình và dân chúng đối với Trần Thủ Độ, người đã cống hiến một đời cho dân yên, nước mạnh.
Vì làng Hương Tảo có tên Nôm là làng Cáu, mà Trần Thủ Độ được dân tôn là Thánh, gọi là đức Thánh Cáu; nơi thờ Ngài thì gọi là đình Cáu.
Tài liệu tham khảo:
1. Các vị thần thời Trần (Vũ Thanh Sơn)- NXB Quân đội nhân dân, 2011
2. Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Lựu Phố tỉnh Nam Định (Trịnh Thị Nga, Trần Viết Trường)- NXB Văn hóa dân tộc, 2012
3. Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La – Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình (Nhiều tác giả)- NXB Văn hóa thông tin, 2010
4. Đông A nhân kiệt (Hoàng Dương Chương, Trịnh Thị Nga)- NXB Văn hóa dân tộc, 2011
5. Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam (Nguyễn Bích Ngọc) – NXB Thanh niên, 2009
6. Thái Bình - đất phát tích, hưng nghiệp nhà Trần (Nhiều tác giả)- Hội văn học nghệ thuật Thái Bình, 2010
7. Thần tích Việt Nam (Lê Xuân Quang)- NXB Thanh niên, 2007
8. Văn hóa Việt Nam dưới triều Trần (Nguyễn Bích Ngọc) - NXB Văn hóa thông tin, 2008