Người dân hi vọng kênh Hy Vọng 'hồi sinh' sau khi TPHCM đề xuất chi gần 2000 tỷ đồng 'giải cứu'.
10 năm sống trong ô nhiễm
Gần 10 năm qua, người dân sống tại khu vực kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TPHCM) phải sống chung với "dòng kênh rác". Tình trạng vứt rác thải, cơi nới, lấn chiếm bờ kênh khiến kênh Hy Vọng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Nước không thoát được mỗi khi mưa lớn gây ngập sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các khu dân cư.
Đầu kênh Hy Vọng.
Kênh Hy Vọng mùa khô cạn nước
Ngày 2/4, phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận, từ cầu Cống Lở quan sát dưới lòng kênh lộ ngổn ngang rác thải sinh hoạt như túi nilong, gối, mùng, bàn, ghế hư hỏng,...Theo người dân sống tại khu vực kênh Hy Vọng, tình trạng dòng kênh bị ô nhiễm đã xảy ra nhiều năm nay.
Các tuyến đường như Phạm Văn Bạch, Phan Phúc Chu,.. là những nơi đông dân cư, có chợ tự phát, quán ăn, tiệm rửa xe,…nên phần lớn rác, nước thải sinh hoạt bị người dân bỏ trực tiếp xuống kênh Hy Vọng.
Nước đen thui, bóc mùi hôi
Dòng chảy con kênh bị cản lại bởi rác và những căn nhà xây dựng lấn chiếm.
Đặc biệt, vào mùa khô khi nước thải bị ứ đọng gây ra mùi hôi. Nhiều người dân phải đóng cửa nhà suốt ngày vì không chịu được mùi hôi. Ông Trần Tiến, người dân sống hơn 20 năm tại đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) cho biết: Một số bộ phận người dân thiếu ý thức thải nước bẩn hay rác ra dòng kênh này gây ra tình trạng ô nhiễm.
"Trời nắng thì kênh bốc mùi hôi, trời mưa lớn kênh này lại ngập nước. Nước bẩn ô nhiễm tràn vào nhà cũng ghê tởm không kém", ông Tiến than thở.
"Dù chính quyền có tuyên truyền, cắm biển cảnh báo cấm đổ rác ra kênh nhưng vẫn không ăn thua, một số người chạy xe tiện tay là dửng dưng vứt rác xuống kênh", ông Đồng ngán ngẫm nói.
Theo ông Trần Tiến, có nghe chính quyền địa phương thông báo cải tạo lại kênh, ai nấy vui mừng. Tuy nhiên, ông Tiến lo lắng, đã chờ mòn mỏi nhiều năm qua mà vẫn chưa thấy gì hi vọng lần này sớm triển khai.
"Dù phải hiến 10m đất của căn nhà để cải tạo kênh, tôi vẫn rất sẵn lòng vì lợi ích chung của cộng đồng", ông Tiến mong mỏi dự án cải tạo kênh này sớm triển khai.
Lối thoát chống ngập cho sân bay
Dự án cải tạo kênh nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân khu vực hai bên kênh. Nếu không được sớm cải tạo sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gây mất an toàn bay, gây ô nhiễm môi trường cho người dân sống trong khu vực hai bên bờ kênh.
Dự án cải tạo kênh nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân khu vực hai bên kênh.
Trước thực trạng trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đã có gửi văn bản cho Sở Xây dựng TPHCM đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo kên Hy Vọng (quận Tân Bình, TP HCM).
Theo đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng có điểm đầu là đường Phạm Văn Bạch, điểm cuối là cầu Tham Lương với chiều dài xây dựng là hơn 1,1km. Dự án tập trung vào tiêu thoát nước mưa chống ngập úng cho khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực xung quanh kênh.
Ngoài ra, xây dựng 2 tuyến đường dọc kênh bảo đảm giao thông thuận lợi cho người dân trong khu vực, góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống. Toàn tuyến bố trí 55 hố thu chờ kết nối thoát nước mưa lưu vực dọc 2 bên bờ kênh.
Đồng thời, xây dựng mới 9 cống xả, xây dựng mới 2 cống qua đường,…Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.980 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù hơn 1.595 tỷ đồng. Dự kiến dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Trước đây, dự án cải tạo con kênh này đã được TPHCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013 nhưng đến năm 2016 thiết kế cơ sở của dự án mới được phê duyệt. Đây là dự án thành phần của Dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM", sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, do nhiều vấn đề chưa thống nhất nên giữa năm 2017, WB thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM" khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại.
Năm 2018, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách, mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Nhưng do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và một số thủ tục nên dự án chưa thể triển khai.