Quan hệ rạn nứt
Theo tờ Sohu (Trung Quốc), quan hệ của hai chị em Tống Khánh Linh, phu nhân Tôn Trung Sơn, và Tống Mỹ Linh, phu nhân Tưởng Giới Thạch, vốn vô cùng thân thiết nhưng sau này do quan điểm chính trị khác nhau nên hai chị em dần trở nên xa cách.
Đặc biệt, sau khi Tống Mỹ Linh chuyển đến Đài Loan sinh sống (năm 1950) thì hai chị em chính thức cách biệt, thư từ qua lại cũng thưa dần.
Tuy nhiên đến ngày 25/4/1971, Tống Tử Văn - một trong sáu người con họ Tống - đột ngột qua đời ở Mỹ. Giới truyền thông Trung Quốc và quốc tế khi đó cho rằng, đây là cơ hội tương phùng cho chị em nhà họ Tống.
Theo tài liệu do Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đăng tải, Tổng thống Mỹ Richard Nixon muốn mượn tang lễ của Tống Tử Văn để xúc tiến chuyến công du Mỹ của bà Tống Khánh Linh, khi đó là Quyền Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nên đã điện báo cho Bắc Kinh.
Đồng thời, Washington cũng điện báo cho vợ chồng Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc.
Phía Trung Quốc khi đó đã xác nhận việc bà Tống Khánh Linh sang dự tang lễ nhưng phía Đài Bắc lại vẫn lưỡng lự, hoài nghi.
Cuối cùng, khi nhận định rằng, chuyến đi này cũng sẽ có lợi cho quan hệ Mỹ-Đài nên Tưởng đã khuyến khích bà Mỹ Linh sang Mỹ.
Tống Mỹ Linh sau đó đáp chuyến bay tới Hawaii - chặng dừng chân trước khi đến New York. Tuy nhiên, tại đây bà lại nhận được điện báo của Tưởng rằng ,"hãy dừng chân ở Hawaii, tạm thời không đi đến New York nữa".
Cảm thấy nghi ngờ, bà liền sai người đi mua tất cả đầu báo tiếng Anh được xuất bản vào ngày hôm đó và từ tờ New York Times, bà phát hiện một tin nhanh về việc chị gái bà - Tống Khánh Linh cũng sang Mỹ dự tang lễ em trai.
Tại Hawaii, bà nhận được thư từ Đài Bắc thông báo cần tránh cuộc chạm trán với chị gái ở New York do phía Tưởng lo sợ đây là âm mưu nào đó của nước Mỹ cũng như Trung Quốc đại lục.
Đến ngày 30/4 - ngày tổ chức tang lễ Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh đã lên máy bay bay về Đài Bắc. Đặc biệt, Washington cũng nhận được thông báo từ Bắc Kinh cho biết, do không giải quyết được vấn đề phương tiện đi lại nên bà Tống Khánh Linh cũng không thể đến Mỹ.
Chính vì thế cuộc hội ngộ của chị em họ Tống bất ngờ lỡ dở vào phút chót.
Ba chị em nhà họ Tống tại Trùng Khánh năm 1940. Ảnh: QQ
Chia ly tiếc nuối
Theo truyền thông Trung Quốc, càng về sau sức khỏe bà Tống Khánh Linh càng suy giảm, dù thường xuyên tâm niệm đến Tống Mỹ Linh nhưng vì nguyên nhân chính trị khiến bà không thể công khai bày tỏ. Bên cạnh đó, bà cũng cố gắng thông qua nhiều kênh liên lạc khác nhau để mong liên lạc được với em gái.
Sau này, khi bệnh tình Tống Khánh Linh trở nặng hơn, người thân bà đã quyết định điện báo sang Mỹ, nói rõ bệnh tình cũng như hy vọng Tống Mỹ Linh có thể trở về Trung Quốc thăm chị gái trước khi bà qua đời.
Tuy nhiên, vài ngày sau, nhà họ Tống chỉ nhận được bức điện báo với nội dung: "Đưa chị ấy đến New York chữa bệnh".
Khi đó, các thành viên nhà họ Tống đã vô cùng bất ngờ bởi Tống Mỹ Linh thậm chí còn không điền họ tên trên bức điện báo.
Đến ngày 29/5/1981, Tống Khánh Linh từ trần. Ngày 30/5, Bắc Kinh gửi điện báo mời lãnh đạo Đài Loan bấy giờ là Tưởng Kinh Quốc cũng như điện báo sang Mỹ mời Tống Mỹ Linh về dự tang lễ chị gái.
Nhưng khi đó, Tống Mỹ Linh đã từ chối về Bắc Kinh tham dự tang lễ chị gái và trong các bức thư gửi Tưởng Kinh Quốc sau này khi nhắc về Tống Khánh Linh, bà cũng không hề gọi "chị gái" mà chỉ nói là "Tôn phu nhân".
Tuy nhiên, theo tờ Baixing (Hồng Kông), Tống Mỹ Linh thực sự không vô tình đến vậy. Theo lời người thân bên cạnh Mỹ Linh, vào cuối tháng 5/1981, khi nhận được tin chị gái bệnh nặng và qua đời, Mỹ Linh đã khóc rất nhiều.
Thậm chí trước đó, khi nhận được tập ảnh gia đình do chị gái nhờ người gửi sang, Tống Mỹ Linh dường như bất động, sau đó ngồi lần giở từng trang trong khoảng hai tiếng đồng hồ.
Một số ý kiến cho rằng, do nhiều nguyên nhân chính trị cũng như những điều cấm kỵ cá nhân buộc Tống Mỹ Linh không thể về thăm chị gái.