Trung Quốc - mối đe dọa tình báo lớn nhất
Giữa những cuộc tranh cãi nảy lửa về các cáo buộc Nga gài gián điệp vào nội bộ Mỹ và can thiệp bầu cử Tổng thống năm 2016, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray lại cho rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất về tình báo đối với nước này.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Tư vừa qua (18/7), các phóng viên đã đặt câu hỏi liệu ông Wray có coi Trung Quốc là "kẻ thù" hay không và ở mức độ nào.
Giám đốc FBI đã cho biết: "Xét từ góc độ điều tra phản gián, tôi cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, thách thức nhất và đáng lo ngại nhất của nước Mỹ".
"Sở dĩ tôi nói vậy là bởi họ đã tiến hành nhiều động thái gián điệp toàn diện trong nội bộ nước Mỹ. Không chỉ gài gián điệp thông thường, họ còn có cả gián điệp kinh tế [tại Mỹ]. Ngoài những đặc vụ truyền thống, họ còn tiến hành thu thập thông tin bằng nhiều cách khác, bằng nhân lực hoặc các thiết bị điện tử".
"Chúng tôi đã tiến hành điều tra gián điệp kinh tế trong tất cả 50 bang của Mỹ, và tất cả đều có bàn tay của Trung Quốc. Thiết bị theo dõi được tìm thấy ở những nơi ít ai ngờ tới - trong hạt ngô ở Iowa, hay những cối xay gió ở Massachusets... Do đó tôi cho rằng chúng ta không thể coi thường tầm cỡ, số lượng hay mức độ thâm nhập của gián điệp Trung Quốc".
Bình luận trên của ông Wray được đưa ra sau một báo cáo kinh tế năm 2017, trong đó Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã có các hành động ăn cắp "bí mật kinh doanh, tài sản online", giả mạo và "buôn bán hàng giả". Báo cáo này cho biết việc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ đã khiến Mỹ thiệt hại đến 600 tỉ USD hàng năm.
Giám đốc FBI Christopher Wray.
Thâm sâu, chiến lược và chịu chơi 'dài hơi' hơn người Nga
Ông Wray nhận định hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ mang tính chiến lược hơn và có quy mô lớn hơn nhiều so với hoạt động can thiệp nội bộ nước Mỹ của Nga trong những năm gần đây, dù những cáo buộc về Nga dường như đang "chiếm sóng" truyền thông nhiều hơn.
Giám đốc FBI cũng tỏ ra lo ngại trước tham vọng trở thành "siêu cường duy nhất" của Trung Quốc về kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.
"Họ đang cố gắng thay thế vị trí đó của Mỹ, do đó hoạt động tình báo của họ là một cuộc chơi lâu dài nhắm đến mọi lĩnh vực kinh tế và mọi ngóc ngách trong xã hội bằng nhiều cách khác nhau", ông Wray nói.
"Trong đó bao gồm cả mặt học thuật, nghiên cứu và phát triển trong các ngành từ nông nghiệp cho đến công nghệ cao. Vì vậy, cách tiếp cận của họ thâm sâu và bao quát hơn, và là mối đe dọa về lâu dài đối với nước Mỹ", ông Wray nhận định.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng chiến thuật dài hơi, bền bỉ và kiên nhẫn trong các chiến dịch can thiệp nội bộ nước ngoài. Chiến thuật này của Trung Quốc được đánh giá là thành công hơn so với chiến thuật của Nga.
Đầu năm nay, ông John Garnaut, người đứng đầu nhóm điều tra bí mật về việc Trung Quốc can thiệp chính trị ở Australia, đã nhận định tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng nước Nga thích "các đòn tấn công sắc bén, tập trung", còn Trung Quốc thì âm thầm và ưa chiến thuật dài hơi hơn.
"Trong khi Nga thường muốn đạt được nhiều nhất trong thời gian ngắn, thì Trung Quốc lại chiến lược và kiên nhẫn hơn. Họ tạo lập các nền tảng, thành lập các tổ chức và theo đuổi các kế hoạch này trong một thời gian dài", ông Garnaut cho biết.
Nhóm điều tra của ông Garnaut cũng xác định được các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc can thiệp chính trị ở mọi cấp độ tại Australia. Chính phủ Australia sau đó đã thông qua các đạo luật mới chống nước ngoài can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này.