"Ngôn ngữ của tình yêu", "thứ tiếng lãng mạn nhất thế giới", "tiếng nói của thi ca"... - có đủ mỹ từ và lời ca tụng dành cho tiếng Pháp.
Tất nhiên chẳng phải ai cũng sẽ dễ dàng đồng tình với nhận định này, nhưng với những người hiểu và đã "trót" yêu tiếng Pháp, phần ngữ âm vừa nhẹ nhàng thanh thoát, lại có vẻ sexy hoang dại phát ra từ cổ họng, cùng những nguyên âm mũi độc đáo khiến cách mà thứ tiếng này rót vào tai cũng tựa như cách một ly sâm panh hảo hạng tuôn vào cổ họng.
"Tình trường" nhiều thế kỷ
Một phần lớn lý do khiến tiếng Pháp được không ít người công nhận là ngôn ngữ lãng mạn nằm ở lịch sử của nó. Trong nhiều thế kỷ, tiếng Pháp đã được coi là ngôn ngữ của tình yêu. Nhưng lý do gì khiến ngôn ngữ gốc Latinh này gắn bó mật thiết với những cảm xúc bỏng cháy nhất của trái tim con người?
Người Pháp có một lịch sử văn hóa lâu đời và lừng lẫy khi nói đến nghệ thuật, và nhiều câu trả lời cho danh tiếng của ngôn ngữ này ẩn chứa trong văn học Pháp. Vào thời Trung cổ, Pháp đã được coi là một đất nước có cuộc sống tinh tế, chất lượng cao.
Danh sĩ Pháp không chỉ nổi tiếng với những áng văn thơ đẫm tình, mà còn sở hữu lối sống phong lưu hiếm có. Trong ảnh, Victor Hugo.
Vô số bài thơ và tiểu thuyết nổi tiếng về tình yêu đã được viết ở mảnh đất này, và chúng được lan truyền khắp châu Âu. Xu hướng này đã tiếp tục trong suốt thời trung đại. Từ những nhà thơ như Pierre de Ronsard đến những tiểu thuyết gia như Alexandre Dumas, Victor Hugo và Gustave Flaubert, người Pháp luôn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện tình yêu.
Ảnh hưởng này sâu rộng đến mức bản thân từ "lãng mạn" (romance) trong tiếng Anh còn bắt nguồn từ gốc "roman" (nghĩa là cuốn tiểu thuyết) trong tiếng Pháp.
Sau này, nhờ các điều kiện lịch sử, thơ ca và tiểu thuyết Pháp phổ biến khắp thế giới, khiến người ta tin rằng người Pháp, những người viết ra những áng thơ văn trữ tình như vậy, rất biết cách lấy lòng bạn tình. Và quan trọng nhất, chính nước Pháp đã trở thành nơi sản sinh ra quan niệm hiện đại về tình yêu với tư cách một cảm giác lãng mạn có thể tồn tại ngoài hôn nhân.
Khi thế giới ngày càng phát triển, phong tục cũng ngày một thay đổi, và một trong những thời kỳ chính ảnh hưởng đến danh tiếng "đất nước tình yêu" của Pháp là triều đại của Nữ vương Victoria. Vào thời điểm đó, nước Anh bước vào thời kỳ Thanh giáo, và Pháp trở thành một trung tâm tự do về văn hóa và nghệ thuật.
Tất cả những gì vượt ra ngoài chuẩn mực chung ở thế giới phương Tây và liên quan đến thể xác đều được coi là kiểu Pháp - nụ hôn kiểu Pháp, "thư tình kiểu Pháp", tiệm massage kiểu Pháp. Qua thời gian, nước Pháp càng khẳng định được vị thế là quốc gia giải phóng về tình ái.
Tuy nhiên, lịch sử không phải là điều duy nhất khiến người ta gọi tiếng Pháp là ngôn ngữ của tình yêu. Xét về mặt khách quan, tiếng Pháp có nhiều yếu tố khiến nó nổi bật về khía cạnh này.
Cách phát âm
Một trong những điều khiến tiếng Pháp trở nên lãng mạn là âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, nguyên âm hay và không sử dụng trọng âm như một số ngôn ngữ phương Tây khác, đơn cử là tiếng Anh. Các từ tiếng Pháp dễ dàng tuôn ra ngay cả đối với người nước ngoài. Thậm chí, cách phát âm tiếng Anh (accent) của người Pháp còn khiến dân tiếng Anh bản địa mê mẩn vì sự "sexy" của nó.
Những người hiểu tiếng Pháp thường nhận định rằng khi nói ngôn ngữ này, cảm giác như ta đang hát. Điều này là do tiếng Pháp có ngữ điệu đầy tiếng nhạc và dịu dàng, các âm tiết không bị nhấn mạnh hay gằn mà luôn giữ ở một mức trầm bổng êm tai, tạo cảm giác du dương.
Tiếng Pháp có âm điệu và khẩu hình đặc biệt quyến rũ.
Một điều đặc biệt khác khiến tiếng Pháp đầy du dương là cách nối âm, không bật phụ âm cuối và đôi khi là nuốt âm để tạo ra sự dễ dàng, êm dịu trong âm điệu. Đối với nguyên tắc chia động từ, cách viết sẽ khác nhau ở mỗi ngôi hay trường hợp sử dụng, nhưng khác biệt đó đa phần nằm ở chính tả, còn phát âm của động từ chia vẫn tương tự nhau, khiến việc viết ca khúc cho du dương, dễ nghe trở nên dễ hơn nhiều so với một số ngôn ngữ phương Tây khác.
Cuối cùng, tiếng Pháp có một số âm đặc biệt, đơn cử như âm "u" với khẩu hình giống như đang hôn. Giáo viên tiếng Pháp thời đại học của người viết từng nhận xét với tôi rằng, người Pháp nói chuyện đầy duyên dáng, cảm giác như lúc nào nụ hôn và nụ cười cũng thường trực trên đôi môi họ.
Từ vựng
Một lý do khác khiến tiếng Pháp được coi là một ngôn ngữ lãng mạn là vốn từ vựng của nó. Theo một nghiên cứu, ngôn ngữ này có nhiều từ mang tính lãng mạn nhất so với một số ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi khác (34 trên 1.000 so với 17 trên 1.000 trong tiếng Anh).
Tiếng Pháp cũng có vô số lời yêu thương và nhiều cách để nói "Anh yêu em": từ câu "Je t'aime" cổ điển và "Je t'aime beaucoup" (Anh yêu em thật nhiều) cho đến câu "Je suis fou de toi" (Anh phát điên lên vì em) đầy nồng nàn. Thậm chí, cách nói "Anh nhớ em" (tu me manques) trong tiếng Pháp cũng đầy đặc biệt khi chủ ngữ không phải là người nói, mà là người nghe. Động từ "manquer" vừa có nghĩa là nhớ, vừa có nghĩa là thấy thiếu. Nói cách khác, "Anh nhớ em" trong tiếng Pháp có thể hiểu là "Em làm anh thấy thiếu vắng, trống trải".
Hơn nữa, chính nhờ ngữ pháp và từ vựng vô cùng tinh tế, chính xác, tiếng Pháp có khả năng biểu đạt từng sắc thái cảm xúc một cách xuất thần, khiến nó trở thành ngôn ngữ hoàn hảo cho thi ca, âm nhạc.
Văn hóa
Cuối cùng, văn hóa Pháp đánh giá rất cao tình yêu và các mối quan hệ đôi lứa. Người ta thường hình dung đến những cặp đôi Pháp rất thân thiết, gần gũi bên nhau kể cả khi đã lớn tuổi hay gắn bó nhiều năm, và điều đó đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tạo.
Nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc và văn học Pháp đều có chung một khía cạnh là thể hiện tình yêu như một thứ cảm xúc phóng khoáng, tự nhiên và đầy đam mê.
Từ cách nói năng đến cách ăn mặc, người Pháp đã nỗ lực rất nhiều để trông thật lãng mạn. Và đó không chỉ là bề ngoài - họ thực sự tin rằng tình yêu là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Niềm đam mê tình yêu này không chỉ dành cho các cặp đôi - người Pháp được biết đến với những giá trị gia đình mạnh mẽ và họ rất coi trọng việc dành thời gian cho những người thân yêu. Dù là cùng nhau ăn tối lãng mạn hay đơn giản là đi dạo trong công viên, người Pháp biết cách tận hưởng cuộc sống và tôn vinh tình yêu.