(Nguồn ảnh: MW)
Vấn đề gây tranh cãi
Kể từ khi được đưa vào biên chế Quân đội Ấn Độ năm 2002, Su-30MKI đã trở thành máy bay chiến đấu hạng nặng nhất và có năng lực đáng gờm nhất trong biên chế Không quân Ấn Độ (IAF). Ngày nay, mẫu máy bay này đang giữ vai trò là "xương sống" của lực lượng không quân hùng hậu ở Nam Á.
Các máy bay chiến đấu Su-30 được đưa vào trang bị của IAF với tốc độ tương đối nhanh chóng, trong đó 50 chiếc đã đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2005 để thay thế cho các máy bay thế hệ cũ như MiG-23, MiG-27 và một số biến thể của MiG-21. Nó cho thấy sự thay đổi độc đáo dựa trên thiết kế Su-30 nguyên bản.
Các tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ (Defense World)
Bất chấp sự thành công của chương trình Su-30MKI, một số nhà phân tích vẫn lưu tâm tới việc các máy bay chiến đấu này có giá thành cao bất thường. So với các biến thể Su-30 khác, như Su-30MKK do Trung Quốc triển khai, hay thậm chí là mẫu Su-30SM tiên tiến của Nga, thì Su-30MKI cực kỳ đắt đỏ với giá cao gần gấp đôi các loại trên.
Mặc dù chương trình Su-30MKI ít gây tranh cãi hơn nhiều so với việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định mua các máy bay chiến đấu hạng nhẹ Rafale từ Pháp, nhưng giá thành cao của Su-30MKI vẫn khiến nhiều người thắc mắc.
Lý do là gì?
Theo tạp chí MW, một trong những lý do khiến chi phí của Su-30MKI cao hơn so với các biến thể khác của Su-30 là do quy mô sản xuất nhỏ hơn nhiều, và dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ được đánh giá là kém hiệu quả hơn so với dây chuyền sản xuất Su-30MKK, Su-30SM... tại Nga.
Ông Subhash Bhamre - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ khi đó cho biết, thỏa thuận cấp phép sản xuất Su-30MKI của Nga cho Ấn Độ đã bao gồm phí chuyển giao công nghệ. Đây là điều vốn sẽ mang lại lợi ích cho ngành quốc phòng Ấn Độ về lâu dài, nhưng làm phát sinh chi phí lớn hơn so với các máy bay được mua nguyên chiếc từ Nga.
Một lý do khác là Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tìm cách tích hợp công nghệ từ nhiều quốc gia vào máy bay chiến đấu của mình, và các hệ thống mới thì cực kỳ tốn kém. Chúng bao gồm tên lửa MICA của Pháp, ASRAAM (Anh), cho tới các loại bom và thiết bị điện tử dẫn đường GPS của Israel, cũng như tên lửa Astra và BrahMos của Ấn Độ.
Trong nhiều trường hợp, những trang thiết bị này ít tinh vi hơn về mặt cấu trúc, tính năng so với các loại tương tự được triển khai trên Su-30SM hoặc Su-35 nhưng lại có tác động rất đáng kể đến giá thành của mỗi máy bay chiến đấu.
Dây chuyền lắp ráp Su-30MKI tại Nashik, Ấn Độ. Nguồn: http://ajaishukla.blogspot.com/
Với giá khoảng 62 triệu USD/chiếc, chi phí cao của Su-30MKI so với tất cả các biến thể Su-30 khác, (trong đó có Su-30SM với mức độ tiên tiến hơn nhiều), đã làm dấy lên nhiều câu hỏi chất vấn gay gắt trong Quốc hội Ấn Độ, mặc dù xét về mặt bằng chung, Su-30MKI vẫn là một lựa chọn mang lại hiệu quả chi phí so với các mẫu máy bay chiến đấu của phương Tây như Rafale.
Năm 2020, có thông tin Ấn Độ cân nhắc mua thế hệ chiến đấu cơ tiếp theo của Nga - Su-57, nhưng tại quốc gia Nam Á này đã bùng nổ các cuộc tranh cãi về việc liệu giá thành cao của Su-30MKI có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền New Delhi hay không, họ sẽ mua nguyên chiếc từ Nga hay tiếp tục mua giấy phép sản xuất máy bay tại Ấn Độ.
Theo MW, giấy phép sản xuất sẽ có tiềm năng mang lại hiệu quả cao hơn nếu Ấn Độ sản xuất Su-30 theo chuẩn của Nga, tương tự như khi họ sản xuất theo giấy phép các máy bay chiến đấu MiG-27, hoặc như những gì Trung Quốc làm với mẫu Su-27, và Triều Tiên với mẫu MiG-29.
Mặc dù Su-30 cũng gây tranh cãi vì tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu thấp nhưng giới chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở Không quân Ấn Độ, chứ không phải nằm ở máy bay. Các máy bay có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác trong trang bị của họ cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Trong khi đó, mẫu Su-30 do Trung Quốc hay Algeria vận hành có tỷ lệ sẵn sàng cao hơn nhiều.