Vì sao tiêm kích hạng nặng Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng tại Zhuhai Airshow 2018?

Nam Đồng |

Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 (Zhuhai Airshow 2018) được Trung Quốc xem như cơ hội vàng để xúc tiến xuất khẩu vũ khí tới những khách hàng tiềm năng.

Những ngày vừa qua, một sự kiện quân sự thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông chính là Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 - nơi Trung Quốc trưng bày các thành tựu quốc phòng lớn nhất của mình, vừa nhằm mục đích phô trương sức mạnh nhưng quan trọng hơn lại chính là xúc tiến xuất khẩu vũ khí.

Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của Bắc Kinh đã mang tới Zhuhai Airshow 2018 những sản phẩm tốt nhất của mình để giới thiệu trước đối tác tiềm năng, một phần trong số đó là phiên bản xuất khẩu của vũ khí trang bị cho Quân đội Trung Quốc, trong khi chiếm số lượng nhiều hơn lại là những chủng loại được chế tạo dành riêng cho thị trường nước ngoài.

Vì sao tiêm kích hạng nặng Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng tại Zhuhai Airshow 2018? - Ảnh 1.

Bệ phóng đa năng của pháo phản lực phóng loạt AR-3, đây là vũ khí chỉ để xuất khẩu

Nhưng với danh nghĩa của triển lãm hàng không cho nên chủng loại phương tiện được quan tâm chú ý nhiều nhất vẫn là máy bay chiến đấu. Trung Quốc đã mang tới Chu Hải hầu như tất cả mọi tinh hoa của ngành công nghiệp hàng không nước mình.

Tùy thuộc vào túi tiền của khách hàng, họ có thể lựa chọn biến thể tối tân nhất của chiếc J-10 được trang bị radar mảng pha quét chủ động lẫn động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều có giá thành 60 triệu USD, hay đơn giản hơn là máy bay huấn luyện siêu âm có chức năng chiến đấu FTC-2000G đơn giá chỉ 20 triệu USD.

Bên cạnh đó, đối tác tiềm năng cũng sẽ phải "hoa mắt" trước vô số mẫu máy bay không người lái trinh sát và chiến đấu đủ kích cỡ lớn nhỏ, tương ứng với giá thành cũng phong phú chẳng kém. Ngoài ra còn "hằng hà sa số" chủng loại máy bay vận tải, máy bay tuần tra chống ngầm, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không, cũng như trực thăng quân sự...

Vì sao tiêm kích hạng nặng Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng tại Zhuhai Airshow 2018? - Ảnh 2.

Tiêm kích J-10B lắp động cơ 3D TVC bay qua chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20A

Tuy nhiên có một thắc mắc không hề nhỏ đã được đặt ra, đó là vì sao tại Zhuhai Airshow 2018 hoàn toàn vắng bóng tiêm kích hạng nặng thuộc các dòng "Flanker nội địa" như J-11 hay J-16 mà chỉ toàn là chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10 và JF-17...

Thời gian qua các phiên bản của J-11 hay J-16 được đánh giá khá cao bởi các chuyên gia quân sự quốc tế, tính năng kỹ chiến thuật của chúng theo nhận xét thì chẳng thua kém gì (nếu như không muốn nói là còn trội hơn) Su-27SM3 hay Su-30MK2 của Nga, với lợi thế giá thành rẻ thì chắc chắn sẽ thu về rất nhiều hợp đồng giá trị.

Vì sao tiêm kích hạng nặng Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng tại Zhuhai Airshow 2018? - Ảnh 3.

Máy bay không người lái vũ trang cỡ lớn CH-5 do Trung Quốc chế tạo

Việc Trung Quốc không mang tiêm kích hạng nặng tới Triển lãm Chu Hải theo nhận xét là do họ không có ý định xuất khẩu những chiếc "Flanker nhái" này, bởi vì khác với J-10 hay JF-17, dòng J-11/16 vẫn bị xem là vi phạm bản quyền của Nga.

Nếu bán tiêm kích thuộc họ Flanker ra ngoài, Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ lớn của Nga, thậm chí còn làm Moskva nổi giận khi bị cạnh tranh không lành mạnh, điều này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai đồng minh.

Trung Quốc hiện đã vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới với kim ngạch ngày càng gia tăng, trong đó tỷ trọng nhiều nhất thuộc về vũ khí lục quân và hải quân, họ chẳng cần thiết phải vì một số tiền không quá lớn mà phá hỏng liên kết với Nga.

Chính vì vậy việc tránh đưa tiêm kích hạng nặng tới Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 để chào hàng được xem là bước đi hoàn toàn hợp lý của Bắc Kinh.

Tiêm kích hạng nhẹ JF-17 tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại