Mù mắt vì nâng mũi
Chất làm đầy được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật.
Nhưng chất làm đầy filler này chứa đựng nhiều nguy cơ, để lại nhiều hậu quả nặng nề về thẩm mỹ, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể gây tử vong nếu người thực hiện không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo.
Mới đây, chị D 30 tuổi ở TP.HCM đã tới một spa ở quận 4 để nâng mũi. Sauk hi được tư vấn, chị D chọn nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler loại hyaluronic acid.
Chỉ 5 phút sau khi được tiêm chất filler vào mũi, chị thấy mặt có biểu hiện sưng phù, sụp mí mắt, da vùng mũi và trán có vết bầm ngày càng lan rộng.
Tuy nhiên, chị D nghĩ đó là phản ứng bình thường của cơ thể, chị về nhà nghỉ ngơi. Nhưng về nhà chị D thấy thị lực mắt trái giảm dần, chỉ nhìn thấy lờ mờ, chị mới vội tới Bệnh viện Trung vương thăm khám.
Qua thăm khám ở khoa chẩn đoán người bệnh bị tổn thương xoang hang, lấp mạch mắt trái do tiêm filler.
Tiến hành khám chuyên khoa mắt, bác sĩ ghi nhận mắt mi trái sụp hoàn toàn, giác mạc phù, không quan sát được bán phần sau, nguyên nhân do tăng nhãn áp bởi biến chứng chất filler.
Kết quả MRI sọ não, xác định người bệnh bị tắc động mạch ổ mắt. Sau 3 ngày điều trị mắt trái người bệnh bớt đau nhức. Nhưng các bác sĩ cho biết khả năng phục hồi thị lực mắt trái gần như vô vọng.
Hình ảnh nhãn cầu bị tổn thương
Đây không phải là trường hợp duy nhất bị mù mắt sau tiêm filler nâng mũi. Trước đó vào năm 2017, Nguyễn Thị L. (sinh năm 1994, quê Đắk Lắk) được một thẩm mỹ viện nơi L học việc tiêm cho mũi filler. Nhưng khi mới tiêm được nửa mũi filler thì chị L. than đau, mặt mày choáng váng, ói liên tục.
Chị L được chủ cơ sở cho uống nước gừng nhưng chưa kịp uống chị đã bị ngã gục và chị L được đưa đến Bệnh viện quận 6 cấp cứu, sau đó chuyển qua Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tại đây, kết quả chẩn đoán hình ảnh xác định chị L. bị đột quỵ. Sau đó, chị L. được chuyển qua Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị.
Sau khi xuất viện, chị L. đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ kết luận mắt trái của chị L. không thể hồi phục được vì toàn bộ dây thần kinh hốc mắt đã bị phá hủy, kèm theo viêm màng bồ đào, viêm mống thể mi và bắt đầu bong giác mạc.
Vì sao tiêm filler nâng mũi lại hại mắt?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc – Phòng khám Mắt Eyezone Hải Phòng cho biết những chất filler là những chất tan chậm hoặc không tan trong mỡ và nước tiêm vào để nhằm thay đổi hình dáng của mô, tổ chức. Đó cũng là lý do gây tai biến khi tiêm filler. Nếu tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch dẫn tới rất nhiều biến chứng không chỉ tại chỗ mà có thể đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Phúc cho biết chị D. được tiêm hyaluronic acid - một chất có thể tồn tại từ 4- 6 tháng trong cơ thể.
Trên ca lâm sàng này, với những biểu hiện như trên bác sĩ Phúc nghi ngờ khả năng bệnh nhân đã bị tiêm vào động mạch nuôi dưỡng khu vực tổ chức vùng mắt trái và như vậy sẽ dẫn tới nhãn cầu và mô tổ chức không được nuôi dưỡng gây ra hoại tử. Thậm chí là có thể tắc cả tĩnh mạch mắt trên và mắt dưới dẫn tới tăng áp lực nhãn cầu rất cao.
Nếu tiêm nhầm, filler sẽ gây nguy hiểm
Trong khi đó, biến chứng này có thể nguy hiểm hơn gây tắc mạch phổi, gây nguy hiểm cho não.
Thạc sĩ Phúc nhấn mạnh trên một mô tổ chức hoại tử rất dễ sinh ra các nối thông giữa động tĩnh mạch và huyết khối. Hyaluronic acid có thể theo đó đi vào xoang tĩnh mạch hang, rồi tới tĩnh mạch màng cứng, sau đó đổ về tĩnh mạch cảnh trên, tiếp theo đổ về tĩnh mạch chủ trên vào tim rồi từ đó sẽ đi vào động mạch phổi. Hệ quả là có thể dẫn tới tắc động mạch phổi - một tình huống cấp cứu phức tạp.
Ngoài ra, hyaluronic acid hoặc huyết khối ( nếu có) có thể gây tắc cả xoang tĩnh mạch não gây ra các bệnh cảnh nguy hiểm tại não.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phúc đây là một phác đồ dưới góc độ chuyên môn và cơ chế sinh lý bệnh chứ chưa được chính thức luật hóa. Bác sĩ Phúc cho rằng cần nghiên cứu và ban hành phác đồ xử trí theo luật định để các bác sĩ có cơ sở pháp lý xử lý tình huống cấp cứu trên.