Tại phiên họp tổ chức cải cách ngày 18/4, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định mở rộng chương trình thí điểm siết chặt hoạt động kinh doanh của những người thân quan chức. Đây được coi là biện pháp quan trọng để chống tham nhũng ở nước này.
Chương trình hiện đang được thí điểm ở Thượng Hải và sẽ mở rộng ra ở bốn địa phương khác gồm Bắc Kinh, Quảng Đông, Trùng Khánh và Tân Cương.
Báo Thanh niên Bắc Kinh ngày 19/4 chỉ ra chi tiết "lạ": Thiên Tân là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không nằm trong phạm vi thí điểm này.
Theo đó, những lãnh đạo đứng đầu 5 địa phương được chọn thí điểm đều là ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, trong khi nguyên Bí thư thành phố Thiên Tân, Tôn Xuân Lan đã được điều về Bắc Kinh làm Bộ trưởng Chiến tuyến thống nhất (tương đương Mặt trận tổ quốc) vào năm 2014.
Thiên Tân hiện chưa có bí thư chính thức.
Thượng Hải được chọn làm địa phương thí điểm đầu tiên trong chương trình siết chặt quản lý kinh doanh của người thân quan chức Trung Quốc. (Ảnh: Reuters/VCG)
Bắc Kinh gia tăng kiểm soát thế hệ lãnh đạo thứ ba?
Có bình luận cho rằng, ngoài nhằm vào thân phận ủy viên Bộ chính trị của các lãnh đạo đứng đầu 5 địa phương được chọn thí điểm trên, ông Tập Cận Bình còn có mục đích khác.
Đơn cử như trường hợp Thượng Hải, tập thể lãnh đạo đời thứ 3 của Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Dung Cơ... đều sinh ra hoặc có thời gian nắm quyền ở đây.
Trong khi đó, các "gia tộc đỏ", tức các gia đình "khai quốc công thần" của Trung Quốc, ít nhiều được đều được cho là có lợi ích thâm căn cố đế tại Thượng Hải.
Theo Thanh niên Bắc Kinh, năm 2014, khi tổ kiểm tra trung ương rà soát tình trạng chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố tại Trung Quốc thì Thượng Hải bị phản ánh nhiều nhất về thực trạng người thân "dựa hơi" quan chức để lũng đoạn thị trường và trục lợi trong kinh doanh.
Do đó, Bí thư Thượng Hải Hàn Chính đã chủ động kiến nghị chọn thành phố này làm địa phương thí điểm đầu tiên cho chương trình "quản lý người thân lãnh đạo" mà ông Tập khởi xướng.
Theo thông báo của nhà chức trách Trung Quốc trong lần thí điểm này, Trung Nam Hải yêu cầu cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hành vi của các doanh nghiệp có người thân quan chức công tác.
Theo thống kê, rất nhiều trong số hơn 100 "hổ lớn" đã bị xử lý đều từng lợi dụng chức quyền để giúp người thân kinh doanh bất hợp pháp.
Cách thức này được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) gọi là "hình thức trục lợi 'một nhà hai chế độ' mới của các cán bộ lãnh đạo".
Ví như, con trai cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là Chu Tân đã lợi dụng quan hệ của cha mình để trục lợi trong lĩnh vực kinh doanh dầu khí và thủy điện.
Hay như cựu Chánh văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch bị tố bao che cho vợ con và người thân hình thành "đế quốc doanh nghiệp" riêng từng gây rúng động dư luận Trung Quốc.