Vì sao Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải từ chức?

Đào Cảnh |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quyết định loại Thủ tướng Ahmet Davutoglu khỏi vũ đài chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sau khi “bộ sậu” của ông Erdogan biết được thông tin về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý gặp riêng ông Davutoglu.....

Thông tin trên do tạp chí Al-Monitor đưa ra. Theo đó, cuộc gặp trực tiếp giữa ông Obama và ông Davutoglu đã được Nhà Trắng xác định sẽ diễn ra vào ngày 5/5. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã bị hủy bỏ vì ông Davutoglu tuyên bố từ chức.

Một nguồn tin thân cận trong giới lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với tờ Al-Monitor rằng chính thái độ thân thiết, gần gũi của Tổng thống Mỹ Obama với ông Davutoglu trong khi lại rất “lạnh nhạt” với ông Erdogan trong thời gian ông Erdogan ở Mỹ hồi tháng 3/2016 đã khiến ông Erdogan và ê kíp của mình dấy lên nghi ngờ về một âm mưu nào đó.

Theo Al-Monitor, ê kíp của ông Erdogan quan ngại rằng do nhận được sự ủng hộ của Washington nên ông Davutoglu đang cố gắng củng cố vị thế chính trị của mình và mở rộng thành phần ê kíp cho riêng mình.

Để ngăn chặn kịch bản này, Tổng thống Erdogan đã đi nước cờ không lấy gì làm đàng hoàng: trong khi ông Davutoglu đang trong chuyến công du đến Qatar, giới lãnh đạo Đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã vội vã thông qua quyết định mang tính chất “hạ nhục” đối với ông Davutoglu là tước quyền bổ nhiệm lãnh đạo cấp tỉnh của ông Davutoglu.

Sau khi tuyên bố từ chức, ông Davutoglu gọi động thái trên là một trong những nguyên nhân ông đưa ra quyết định của mình và nói “đó không phải là cách hành xử mà tôi mong đợi từ các đồng nghiệp”.

“Davutoglu đang cố gắng gây ảnh hưởng lên Tổng thống Erdogan nhưng ông Davutoglu đã không tránh được thảm kịch xảy ra đối với mình.

Ê kíp của Davutoglu đã phải rất khó khăn mới có thể tiếp nhận quyết định đã được 47 trong số 50 thành viên của Hội đồng lãnh đạo AKP đưa ra”- Al-Monitor khẳng định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama

Mỹ không phải là tác nhân duy nhất

Được biết, mâu thuẫn gay gắt giữa Thủ tướng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nảy sinh từ trước đó, tháng 2/2015.

Khi đó, giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch mang tên “Nước cờ Evfrat” nhằm đưa lăng mộ của Suleyman Shah, hậu duệ của người sáng lập ra đế chế Ottoman là Ottoman đệ nhất, ra khỏi vùng lãnh thổ do lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng ở Syria.

Khi đó, Thư ký Báo chí của ông Davutoglu đã cho đăng tải các bức ảnh về cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý là trong các bức ảnh này là hình ảnh Thủ tướng Davutoglu đang bàn bạc với giới lãnh đạo quân sự nước này về cách thức tiến hành chiến dịch mà không có mặt Tổng thống Erdogan.

Theo Al-Monitor, sự kiện này khiến ông Erdogan “nổi đóa”, coi đây là hành động gây mất uy tín của ông Erdogan với tư cách là Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không thể hiện sự tức giận này trên báo chí nhưng “bộ sậu” của ông Erdogan đã đi đến thống nhất rằng việc từ chức của ông Davutoglu sẽ chỉ là vấn đề mang tính thời gian.

Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã từng tuyên bố rằng không có ý định trở thành Chủ tịch của đảng AKP. Ông Davutoglu trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014.

Trong thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa ông Davutoglu với Tổng thống Erdogan đã nhiều lần nảy sinh, chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng trong cách thức giải quyết vấn đề người Kurd và bắt giữ một số phóng viên của các tờ báo đối lập, cũng như bắt giữ một số nhà hoạt động xã hội.

Hai chính trị gia này cũng tỏ ra bất đồng chính kiến đối với những chính sách kinh tế của đất nước, cũng như quá trình bắt giữ chờ xét xử đối với những người chống đối.

Theo nhận định của giới phân tích, việc Thủ tướng Davutoglu từ chức sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chính trường Thổ Nhĩ Kỳ vì khi đó, quyền lực hầu như tập trung toàn bộ vào tay ông Erdogan.

Với tính cách độc đoán, ông Erdogan sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tước quyền bị miễn trừ khởi tố của một số thành viên trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, ông Erdogan đã yêu cầu bắt giam các thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) do những cáo buộc rằng đảng này có liên quan đến Đảng Lao động người Kurd (PKK), tổ chức vũ trang đã giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Đảng HDP cảnh báo rằng việc bắt giữ bừa bãi các đại biểu quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm giải quyết xung đột giữa chính phủ và người Kurd.

Giới phân tích quốc tế cũng cho rằng vị thủ tướng kế nhiệm ông Erdogan sẽ khó có thể thực hiện được chính sách trái với quan điểm của ông Erdogan hoặc thực hiện chính sách mang tính chất độc lập nào đó.

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức khẳng định rằng Tổng thống Erdogan sẽ đưa con rể của mình là Berat Albayrak, hiện đang nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Năng lượng, lên thay thế Davutoglu.

Chủ tịch đảng và Thủ tướng mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bầu trong cuộc họp bất thường của đảng AKP vào ngày 22/5 tới đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại