LTS: Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và khối Arab năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với tổn thất nặng nề cho khối Arab.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến này, chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Chiến tranh 6 ngày". Mời quý độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô
Kỳ 2: Toan tính của các siêu cường
Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng
Israel hứng chịu thiệt hại không nhỏ
Với ưu thế tuyệt đối trên không và lực lượng Ai Cập tại bán đảo Sinai rút lui trong hỗn loạn, lục quân Israel liên tục giành những thắng lợi quyết định và chớp nhoáng trong phần còn lại của Chiến tranh 6 ngày. Tuy nhiên, một khía cạnh nhiều tài liệu về cuộc chiến ít đề cập đến là Israel cũng phải hứng chịu những thiệt hại không nhỏ cho các chiến thắng này.
Kể từ sau cuộc chiến giành kênh đào Suez năm 1956, thiết giáp trở thành binh chủng chủ lực của lục quân Israel, và chiến tranh 6 ngày là dịp để chứng thực hiệu quả học thuyết quân sự mới của Israel
Phần lớn lực lượng trên bộ của Israel tại bán đảo Sinai là các đơn vị thiết giáp và cơ giới. Về cơ cấu tổ chức, một lữ đoàn thiết giáp của Israel bao gồm 2 tiểu đoàn xe tăng, mỗi tiểu đoàn được trang bị 50 xe tăng, và ít nhất 1 tiểu đoàn bộ binh cơ giới. Những lữ đoàn này được kết hợp với các lữ đoàn cơ giới hoặc bộ binh để tạo thành các đơn vị cấp sư đoàn.
Vào thời điểm cuộc chiến bùng nổ, nòng cốt lục quân Israel gồm 4 sư đoàn thiết giáp, 3 trong số đó được triển khai ở chiến trường Sinai, sư đoàn còn lại phụ trách chiến trường với Jordan và Syria.
Xe tăng M48 Patton của Israel tại bán đảo Sinai
Đến trưa ngày 9/6, cả 3 sư đoàn Israel đã áp sát dọc kênh đào Suez, và lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc làm trung gian bắt đầu có hiệu lực từ tối hôm đó.
Tương tự số phận của không quân Ai Cập trong đợt không kích những ngày đầu tiên, lực lượng trên bộ của nước này cũng hứng chịu thiệt hại khổng lồ. Lệnh rút lui của nguyên soái Amer khiến các đơn vị Ai Cập trở thành mồi ngon cho không quân và thiết giáp Israel.
Chỉ tính riêng về xe tăng, 820 chiếc trong số 935 chiếc được Ai Cập triển khai tại bán đảo Sinai bị phá hủy: 291 chiếc T-54, 82 chiếc T-55, 251 chiếc T-34, 72 chiếc IS-3M, 51 chiếc SU-100, 29 chiếc PT-76, và khoảng 50 chiếc M4 Sherman. Ước tính có đến gần 15.000 binh sĩ Ai Cập bị loại khỏi vòng chiến.
Mặt khác, phía Israel cũng mất 122 xe tăng. Con số này tuy thấp hơn nhiều so với Ai Cập nhưng so với quy mô của quân đội Do Thái thì đây cũng là một thiệt hại đáng kể, đặc biệt trong đó có nhiều xe tăng chỉ huy.
Một xe tải quân sự Ai Cập bị phá hủy trong Chiến tranh 6 ngày
Ở mặt trận phía Đông, lực lượng của Jordan cho thấy sức chiến đấu và khả năng kháng cự hiệu quả hơn nhiều so với Ai Cập, một phần do đa số các đơn vị Israel triển khai tại mặt trận này là các đơn vị bộ binh và lính dù. Chiến lược ban đầu của Israel là tránh tham chiến với Jordan để dồn lực đối phó với Ai Cập.
Thông qua trung gian là Mỹ, Israel gửi một thông điệp đến vua Hussein, yêu cầu Jordan đứng ngoài cuộc chiến. Bị ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ chung với Ai Cập, quân đội Jordan vẫn buộc phải nổ súng tấn công
Tuy vậy, ưu thế trên không vẫn giúp Israel xoay chuyển cán cân chiến trường. Một đơn vị chủ lực của Jordan, lữ đoàn thiết giáp 60, chỉ còn 6 xe tăng chỉ sau 1 ngày giao tranh.
Chủ lực của Israel tại chiến trường này là sư đoàn thiết giáp 36, gồm 1 lữ đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn thiết giáp. Những trận đấu tăng sau đó giữa Israel và Jordan có mức độ ác liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến.
Đây là nơi duy nhất mà Israel phải đối phó với một đối phương tương xứng về quyết tâm và mức độ huấn luyện. Jordan mất hầu như toàn bộ 2 lữ đoàn thiết giáp của mình, với 179 xe tăng bị phá hủy. Nhưng ngược lại, phía Israel cũng chịu thiệt hại nặng, với 112 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến.
Chiến sự kết thúc với phần thắng thuộc về phía Israel. Jordan không chỉ thiệt hại nặng về lực lượng mà còn mất quyền kiểm soát khu thành cổ Jerusalem và vùng Bờ Tây.
“Khi đến mặt trận để thị sát và nhìn thấy cảnh người dân bỏ chạy khỏi vùng chiến sự, tôi hiểu rằng tất cả những công sức xây dựng quân đội và đất nước trong những năm qua đã đổ sông đổ biển,” vua Hussein nhớ lại tình cảnh lúc đó.
Chân dung tổng thống Ai Cập Nasser bên cạnh một chiếc xe tăng bị phá hủy trong giao tranh tại Sinai
Mặt trận phía Bắc khá yên tĩnh trong ngày đầu tiên của chiến sự. Những thắng lợi chớp nhoáng của Israel trước Ai Cập và Jordan khiến Syria có phần chùn tay và sẵn lòng cho một thỏa thuận ngừng bắn. Israel, tuy vậy, muốn giải quyết dứt điểm nguy cơ từ cao nguyên Golan. Từ điểm cao này, pháo binh Syria thường xuyên quấy phá các thành phố và thị trấn ở phía bắc Israel.
Đến ngày 9/6, Israel đã điều động 3 lữ đoàn thiết giáp từ các mặt trận khác về phía biên giới với Syria. Chủ lực phía Syria gồm 2 lữ đoàn thiết giáp 14 và 44 trong thế trận phòng ngự, với đa số xe tăng ở trong công sự, chỉ chừa phần tháp pháo bên trên mặt đất.
Một chiếc Panzer IV của Đức từ thời Thế chiến thứ 2 thuộc biên chế Syria được bố trí trong hệ thống phòng thủ tại cao nguyên Golan
Với xe ủi mở đường, thiết giáp Israel bắt đầu tấn công từ trưa ngày 9/6. Các sườn dốc đứng của cao nguyên Golan tạo thành một bức tường phòng thủ tự nhiên, và được Syria gia cố bằng mìn và các ụ súng chống tăng.
Do đã giải quyết xong Ai Cập và Jordan, Israel có thể dồn lực vào mặt trận tại cao nguyên Golan. Trong vòng 12 giờ kể từ khi chiến sự bắt đầu, không quân Israel đã ném một lượng bom lớn hơn toàn bộ lượng bom được dùng để tấn công các sân bay Ai Cập vài ngày trước đó, bao gồm cả bom napalm.
Bất chấp thiệt hại nặng, thiết giáp Israel vẫn chiếm được các điểm cao. Ngày 10/6, Syria, thông qua Liên Hợp Quốc, chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Israel.
Mặc dù không có những trận đấu tăng lớn, địa hình hiểm trở khiến Israel mất đến 160 xe tăng, trong khi đó phía Syria chỉ mất khoảng gần 80 chiếc.
Chỉ trong 6 ngày, diện tích phần lãnh thổ do Israel kiểm soát đã tăng gấp 4 lần. Ở biên giới phía Bắc, Israel chiếm cao nguyên Golan từ Syria.
Ở phía Đông, họ chiếm khu vực Bờ Tây và khu thành cổ Jerusalem từ Jordan. Ở phía Tây và phía Nam, họ chiếm dải Gaza và bán đảo Sinai từ tay Ai Cập. Song để trả giá cho những chiến thắng này, Israel cũng mất đến gần 400 xe tăng các loại.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại của Israel
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lực lượng trên bộ của Israel, đặc biệt là tăng thiết giáp, chịu thiệt hại nặng.
Không quân Israel tuy tinh nhuệ nhưng có quy mô khá nhỏ. Trong chiến dịch không kích “Tiêu điểm” mở đầu cuộc chiến, gần như toàn bộ máy bay của Israel được huy động để tấn công các sân bay quân sự Ai Cập.
Số ít còn lại được dùng để bảo vệ không phận Israel. Điều này đồng nghĩa với việc không đủ máy bay để oanh tạc các vị trí phòng ngự của Ai Cập tại bán đảo Sinai trước khi lực lượng trên bộ xung trận.
Trong tình thế buộc phải kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt do không nhận được sự hậu thuẫn chính trị từ các đồng minh, các đơn vị Israel phải hành quân nhanh nhất có thể, và chấp nhận chịu thương vong cao. Ngoài ra, tình báo Israel cũng đánh giá sai lực lượng phòng ngự của Ai Cập tại một số vị trí trọng yếu.
Israel chỉ dễ thở hơn sau khi nguyên soái Amer vội vã ra lệnh cho lực lượng Ai Cập rút lui trên toàn tuyến, cộng với việc không quân Israel rảnh tay hơn để tấn công các mục tiêu trên bộ sau khi đã gần như xóa sổ không quân đối phương.
Tại mặt trận phía Đông, Israel phải đối mặt với một đối phương có kỷ luật, được huấn luyện và trang bị tốt.
Quân đội Jordan, theo lệnh vua Hussein, đã được cải tổ toàn diện cả về nhân lực và trang thiết bị từ những năm 1950. Khác với đa số các nước Arập còn lại, quân đội Jordan được trang bị vũ khí phương Tây.
Tại mặt trận phía Bắc, bất lợi về địa hình là nguyên nhân chính khiến lực lượng thiết giáp Israel chịu thương vong cao.
Nhìn chung thì Chiến tranh 6 ngày vẫn là một chiến thắng vang dội cho lục quân Israel, đặc biệt là binh chủng tăng thiết giáp. Mặt khác, nó cũng khiến Israel trở nên phụ thuộc quá nhiều vào binh chủng này mà xem nhẹ các binh chủng khác như bộ binh cơ giới và pháo binh.
Israel phải trả giá cho sai lầm này 6 năm sau trong cuộc chiến Yom Kippur khi xe tăng Israel hành quân đơn độc không có bộ binh yểm trợ và trở thành mồi ngon cho tên lửa chống tăng của Ai Cập.