Vì sao thế giới vẫn "nể" tên lửa Scud của Nga?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí National Interest, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud là một trong những loại vũ khí nổi tiếng nhất thời hiện đại, và kể từ khi ra đời vào thời Chiến tranh Lạnh tới nay nó đã xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới.

Tên lửa Scud là sản phẩm của công nghệ mà Liên Xô thu thập được từ tay Phát xít Đức. Công nghệ tên lửa V-2 của Đức đã mở đầu cho một quá trình phát triển kéo dài 10 năm ở Liên Xô, và vào tháng 11/2957, tên lửa R-11M đã được ra mắt trước công chúng.

R-11M là một loại tên lửa nhiên liệu lỏng phóng từ một dàn phóng di chuyển trên đường ray, và có tầm bắn tối đa vào khoảng 270 km. R-11M sau đó được NATO gọi bằng tên gọi Scud, và những phiên bản sau đó của tên lửa này được gọi là Scud-A.

Vì sao thế giới vẫn nể tên lửa Scud của Nga? - Ảnh 1.

Phần còn lại của một tên lửa Iraq được phát triển dựa trên tên lửa Scud của Liên Xô tại Trung Đông.

Với tầm bắn ngắn, Scud-A được coi là một loại tên lửa hạt nhân chiến lược. Khi đó, độ chính xác của tên lửa này không cao khi sai số trượt mục tiêu (CEP) lên đến gần 3 km. 

Về sau, thiết kế của tên lửa Scud đã nhiều lần được sửa đổi. Đến năm 1965, một phiên bản mới mang tên Scud-B đã ra đời và được lắp đặt một hệ thống dẫn đường quán tính, qua đó sai số CEP giảm xuống chỉ còn gần 1 km.

Theo nhà phân tích quân sự Steven Zaloga, tổng số tên lửa Scud được sản xuất là vào khoảng 10.000 quả, trong số này khoảng 5.000 - 6.000 tên lửa vẫn còn hoạt động tính đến năm 1997. Ngày nay tên lửa Scud đã không còn được sản xuất và không còn được sử dụng trong quân đội Nga nữa.

Thế nhưng, Scud vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Trong chiến tranh Iran - Iraq vào thập niên 1980, tên lửa Scud của Iran, mua về từ Libya, đã được dùng để tấn công các thành phố của Iraq. 

Trước tình hình này, Iraq cũng nghiên cứu một loại tên lửa của riêng mình. Sau đó, Iraq cho ra mắt tên lửa al-Hussein, được chế tạo dựa trên thiết kế của tên lửa Scud, có tầm bắn lên đến 650 km. 

Hàng trăm tên lửa Scud và al-Hussein đã được phóng đi trong suốt chiều dài cuộc chiến, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu dân sự. Năm 1991, 93 quả tên lửa Al Hussein đã được Iraq phóng đi trong Chiến tranh Vùng Vịnh.

Iran đến này vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và theo tổ chức phi chính phủ NTI tin rằng Iran có ít nhất 200 đến 300 tên lửa giống Scud cùng 25 đến 100 tên lửa Shahab-3 và có 12 đến 18 dàn phóng tên lửa di động. 

Shahab-3 có hình dáng tương tự tên lửa tầm trung Nodong của Triều Tiên, vốn cũng được phát triển dựa trên tên lửa Scud. Sau đó, Iran cũng công bố tên lửa Ghadr-1, một phiên bản nâng cấp của Shahab-3 có tầm bắn 1.600 km.

Một quốc gia khác phát triển các loại tên lửa dựa trên thiết kế của Scud, đó là Triều Tiên. Bình Nhưỡng mua về 2 quả tên lửa Scud-B từ Ai Cập trong khoảng thời gian 1976 đến 1981. 

Tên lửa này đã được Triều Tiên nghiên cứu rất kỹ lưỡng, và đến năm 1986 nước này đã chế tạo được một phiên bản sao chép mang tên Hwasong-5, có tầm bắn xa hơn tên lửa Scud-B.

Chính phủ Triều Tiên đang cần một loại tên lửa có thể tấn công các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, và đến năm 1994 họ đã chế tạo thành công tên lửa Nodong, có tầm bắn 1.500 km, đủ sức bắn tới đảo Okinawa của Nhật Bản. 

Độ chính xác của Nodong không cao khi nó có sai số CEP vào khoảng 2 km. Những nghiên cứu trong việc phát triển Nodong cũng được sử dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung Taepodong-1, và tên lửa không gian Unha-3 của Triều Tiên cũng sử dụng động cơ của tên lửa Scud.

Không chỉ có vậy, trong cuộc nội chiến ở Yemen, một vài tên lửa giống Scud đã được sử dụng. Một số nguồn tin cho biết, các tên lửa này đều được mua về từ Triều Tiên và đã được phóng vào nhiều mục tiêu quan trọng trong khu vực. Hiện vẫn chưa xác định được chính xác số tên lửa đã được phóng đi.

Mặc dù chưa từng được phóng đi trong thời Chiến tranh Lạnh, song tên lửa Scud đã trở thành một mối đe dọa thực sự vào thời điểm hiện tại. Nhiều loại tên lửa khác nhau dựa trên tên lửa này đã được sản sinh và vẫn đang được tiếp tục nâng cấp, và thế giới sẽ còn được chứng kiến sự xuất hiện của những loại tên lửa giống Scud trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại