Tháng 4/2017, Thủ tướng có ý kiến về việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Vietstar Air. Theo đó, việc chấp thuận chủ trương cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay mới ở Tân Sơn Nhất.
Với việc phải đợi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Vietstar Air sẽ mất ít nhất 2-3 năm nữa để có thể bay. Đây cũng là lý do khiến nhiều người hoài nghi về kế hoạch bay vào đầu năm 2018 của liên doanh giữa AirAsia và Tập đoàn Thiên Minh, cũng như hãng hàng không Bamboo Airways của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, kế hoạch bay của hãng hàng không liên doanh với AirAsia sẽ không bị ảnh hưởng bởi hạ tầng đang quá tải của Tân Sơn Nhất.
Vị chủ tịch này cho biết, hãng bay mới sẽ tập trung vào các đường bay quốc tế, thời gian bay dưới 4 tiếng nhưng ở các điểm đến thứ cấp như các sân bay Cam Ranh (Nha Trang), Cần Thơ, Chu Lai, Đà Nẵng, Huế, Vân Đồn… chứ không tập trung ở TPHCM.
Trong khi đó, hạ tầng hàng không tại các điểm đến thứ cấp này vẫn đang thừa công suất và trở thành cơ hội tốt cho các hãng bay mới.
Tháng 9/2016, sân bay Cam Ranh (Nha Trang) đã khởi công dự án có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, công suất thiết kế đạt 8 triệu hành khách quốc tế mỗi năm và khả năng phục vụ tới 4.000 lượt khách trong giờ cao điểm.
Tại Đà Nẵng, thành phố này vừa hoàn thành giai đoạn 1 dự án nhà ga hành khách quốc tế có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, với công suất từ 4-6 triệu khách/năm và phục vụ được 1.800 khách trong giờ cao điểm. Tại Cần Thơ, một điểm đến du lịch tiềm năng, hạ tầng sân bay thường khai thác chưa đến 30% công suất…
Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, hãng bay mới mà ông dự kiến làm CEO chủ yếu khai thác các đường bay quốc tế mà điểm đến là 6 quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái lớn của FLC.
Do các điểm đến này không phải là TPHCM hay Hà Nội nên không gặp vấn đề về quá tải hạ tầng hàng không.
“Các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác dịch vụ tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, mà chưa chú trọng nhiều tới các đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước tới các điểm du lịch Việt Nam”, ông Thắng nhận xét.
Đâu là nỗi lo thực sự?
Trước khi 2 hãng bay mới của Tập đoàn FLC và Thiên Minh dự kiến bay vào 2018, 2 hãng hàng không khác từng hoạt động một thời gian ngắn rồi phải tạm đóng cửa là Indochina Airlines và Mekong Air. Một hãng hàng không khác (chỉ bay trực thăng) đã hoạt động được hơn 2 năm và đầu năm 2017 mới có lãi là Hải Âu.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh cho biết, với việc thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng từ 28-30% liên tục trong vài năm gần đây, và có thể tăng với tốc độ 10% trong 10 năm tới thì cơ hội kinh doanh là rất lớn.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho biết, với hãng bay liên doanh với AirAsia, kế hoạch đặt ra là 3 năm mới đạt điểm hòa vốn. “Vấn đề lớn nhất với chúng tôi là phải trả lời câu hỏi: Tạo ra trải nghiệm gì khác biệt để khách hàng muốn bay cùng hay lý do mà họ phải chọn một hãng bay giá rẻ mới?”, Chủ tịch Thiên Minh chia sẻ.
Ông Kiên cũng khẳng định, việc có thêm nhiều hãng bay mới sẽ giúp cho người dân Việt Nam có thêm lựa chọn và mức độ cạnh tranh tăng lên cũng khiến cho dịch vụ hàng không chắc chắn tốt hơn.
Hiện tại, FLC dự định sẽ bay chuyến đầu tiên của Bamboo Airways vào cuối năm 2018 nhưng chưa cho biết cụ thể về thời gian hoàn vốn dự kiến.
Về điểm khác biệt, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc FLC cho biết, Bamboo Airways là hãng bay lai (hybrid) và tập trung vào khách du lịch, đặc biệt là quốc tế: “Chúng tôi ưu tiên vào việc đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, tránh cho họ phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết”.