Phụ nữ Afghanistan. Ảnh: Getty Images
Khi Taliban nắm quyền lần gần nhất, phụ nữ Afghanistan thường không được phép rời khỏi nhà, trừ một số ngoại lệ. Những người vi phạm có thể bị phạt đòn, thậm chí là bị hành quyết, theo New York Times.
Giờ đây, sau 9 ngày kể từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan sau hơn 20 năm, các thủ lĩnh của tổ chức này khẳng định thái độ của họ với phụ nữ sẽ khác trước. Theo lời các thủ lĩnh Taliban, phụ nữ sẽ được phép ra ngoài làm việc. Các bé gái cũng được tới trường học.
Tuy nhiên, hôm 24/8, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, tuyên bố phụ nữ Afghanistan nên ở nhà, ít nhất là thời điểm này.
Mujahid gọi đây là chính sách "tạm thời" nhằm bảo vệ phụ nữ Afghanistan cho tới khi Taliban đảm bảo được môi trường an toàn cho họ.
"Chúng tôi lo ngại rằng, một số tay súng mới của chúng tôi chưa được đào tạo bài bản và họ có thể ngược đãi phụ nữ. Chúng tôi không muốn các tay súng của mình làm hại hoặc quấy rối phụ nữ", phát ngôn viên của Taliban nói.
Mujahid còn nói thêm rằng, phụ nữ nên ở nhà "cho tới khi Taliban có quy định mới" và "lương của phụ nữ sẽ được mang tới tận nhà của họ".
Tuyên bố của phát ngôn viên Taliban lặp lại bình luận trước đó của Ahmadullah Waseq, phó ủy viên thuộc ủy ban các vấn đề văn hóa của Taliban, trên tờ New York Times trong tuần này. Theo đó, Waseq nói rằng, Taliban "không có vấn đề gì với việc phụ nữ có việc làm, miễn sao họ phải tuân thủ đội khăn trùm đầu. Nhưng giờ, chúng tôi yêu cầu phụ nữ ở nhà cho tới khi mọi thứ trở lại bình thường".
Trong thời kỳ đầu nắm quyền của Taliban ở Afghanistan (1996-2001), phụ nữ bị cấm làm việc bên ngoài hoặc rời nhà mà không có nam giới trong nhà đi cùng. Họ cũng không được phép tới trường và bị phạt đòn nếu vi phạm các quy tắc theo luật Hồi giáo, như việc yêu cầu phải mặc kín người khi đi ra ngoài.
Tuyên bố của Taliban, cho rằng các hạn chế hiện tại chỉ là tạm thời, không còn lạ lẫm với phụ nữ Afghanistan. Taliban từng đưa ra các tuyên bố tương tự trong lần gần nhất nắm quyền kiểm soát đất nước (1996-2001), theo Heather Barr, phó giám đốc về quyền phụ nữ tại tổ chức Human Rights Watch.
"Lý do mà họ đưa ra là tình hình an ninh chưa tốt và họ đang chờ đợi nó tốt hơn trước khi cho phụ nữ Afghanistan hưởng quyền lợi. Nhưng trong quá khứ, điều đó không xảy ra. Tôi có thể đảm bảo rằng nhiều phụ nữ Afghanistan sau khi nghe thấy lời giải thích hôm 24/8 cũng không mấy tin tưởng vào điều đó", bà Heather nói.
Brian Castner, cố vấn cấp cao về khủng hoảng tại tổ chức Amnesty International - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Anh, tập trung về quyền con người, cho rằng, nếu Taliban muốn đối xử tốt hơn với phụ nữ Afghanistan, họ cần phải đào tạo lại các tay súng của họ.