Trước đó, từ 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.
Trong khi đó, ứng dụng gọi đồ ăn của Hàn Quốc Baemin công bố tỉ lệ chiết khấu của tài xế áp dụng từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5/12.
Đại diện Grab cho biết, nguyên nhân của việc điều chỉnh giá lần này do ảnh hưởng từ quy định mới của Nghị định 126/2020 (NĐ 126, hiệu lực từ 5/12/2020) thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với xe công nghệ. Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ.
Đại diện Grab cho rằng, nếu chờ thông tư hướng dẫn sẽ lâu, cơ quan thuế sẽ tính VAT từ ngày 5/12 nên hãng phải điều chỉnh ngay để tránh bị truy thu thuế, nộp phạt.
Theo đó, tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar phải nộp cho hãng cũng từ 28,3% tăng lên 32,% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,2%.
Theo anh Cao Sơn (32 tuổi), tài xế Grab Car ở Hà Nội, những tài xế công nghệ như anh phải tự dùng nguồn tài chính của mình để mua xe chạy, đồng thời cũng đã phải nộp thuế VAT, lệ phí trước bạ. Hơn nữa, theo luật thuế mới, nếu anh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân 1,5%.
Với việc Grab điều chỉnh giá cước mới để bù trừ 10% thuế VAT/tổng doanh thu, cánh tài xế như anh Sơn lo ngại khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ taxi, xe ôm truyền thống nhiều hơn. Kiến nghị của tài xế về việc giữ nguyên mức chiết khấu như cũ chưa được Grab trả lời.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định, việc tính thuế VAT 10% trên tổng doanh thu áp dụng cho cả hai loại hình gọi xe công nghệ gồm taxi và xe máy.
Theo bà Lan, mô hình kinh doanh của các dịch vụ gọi ôtô và xe máy có tham gia vào khâu quyết định giá cước và chính sách với khách hàng, đã được đưa vào Nghị định 10/2020 quy định là DN kinh doanh vận tải. Vì vậy, cơ quan thuế quản lý thuế VAT đối với dịch vụ vận tải của Grab, Gojek...bình đẳng với các DN taxi truyền thống.