Ấn Độ gấp rút đưa T-90 tới Ladakh...
Các xe tăng của Trung Quốc và Ấn Độ gần như đang rơi vào thế đối đầu ở đông Ladakh.
Ngoài T-72, Ấn Độ đang vận hành các xe tăng hạng nặng T-90 do Nga thiết kế, còn Trung Quốc đang chú trọng triển khai các xe tăng hạng nhẹ, cơ động cao Type 15.
Cuộc đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan đã đặt lực lượng phòng thủ của hai phía vào trạng thái báo động cao. Các đợt triển khai quân sự tại/quanh Ladakh đã gia tăng mạnh mẽ, cả hai phía đã tung ra những cỗ máy chiến tranh mới nhất, trong đó có máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, các hệ thống pháo và xe tăng chiến đấu chủ lực.
Như EurAsian Times đưa tin trước đó, Ấn Độ đã triển khai các xe tăng T-90 Bhisma ở Ladakh cùng với các máy bay chiến đấu và trực thăng của Không quân Ấn Độ. T-90 Bhisma là một trong những mẫu xe tăng đáng gờm nhất trên thế giới với khả năng đối phó với cả vũ khí hóa học và sinh học.
Xe tăng T-90 Bhishma của Ấn Độ. Nguồn: NI
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 2,8 tỷ USD với công ty Ordnance Factory Board (OFB) để sản xuất theo giấy phép thêm 464 xe tăng T-90S tại nhà máy chế tạo xe hạng nặng (HVF) Avadi cho Lục quân Ấn Độ. Chúng dự kiến sẽ được chuyển giao vào nửa sau năm nay.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã thông qua chương trình mua sắm và ký hợp đồng với công ty M/s Bharat Earth Movers Limited (BEML) để mua 1.512 thiết bị quét mìn dành cho các xe tăng T-90S/SK.
Những thiết bị này sẽ được gắn trên xe tăng giúp dọn sạch các bãi mìn, cho phép xe tăng cơ động tự do và giảm đến mức tối thiểu các rủi ro cho nó, cũng như cho kíp lái.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Các xe tăng T-90 đã được đưa tới Ladakh theo kế hoạch triển khai tăng cường của Lục quân Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC).
... Nhưng liệu có hiệu quả trước Type 15 Trung Quốc?
Chính phủ của Thủ tướng Modi đã bật đèn xanh cho lục quân Ấn Độ mua sắm khẩn cấp các xe tăng hạng nhẹ tương tự như mẫu Type 15 mà quân đội Trung Quốc (PLA) gần đây bố trí ở đông Ladakh.
Chương trình này được phê duyệt sau khi Trung Quốc nhanh chóng triển khai các xe tăng Type 15 dọc đường LAC, đây được xem là một động thái khiến Ấn Độ hoang mang.
Đối với New Delhi, chương trình mua sắm các xe tăng hạng nhẹ mới rất quan trọng bởi khác với Trung Quốc, Ấn Độ không có mạng lưới đường xá công phu dọc biên giới, trong khi các xe tăng hạng nặng như T-90 lại khó di chuyển và hoạt động ở những khu vực có độ cao lớn.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), các xe tăng hạng nhẹ Type 15 của PLA đã tham gia vào một số cuộc tập trận quân sự ở vùng cao nguyên đồ sộ có nhiệt độ thấp.
Xe tăng hạng nhẹ Type 15 của Trung Quốc. Ảnh: NI
Tờ này còn cho biết thêm rằng, một tiểu đoàn bộ binh tại quân khu Tây Tạng của PLA đã tổ chức các cuộc tập trận phối hợp bộ binh-xe tăng tại một "địa điểm bí mật" ở độ cao trên 4.700m, nhằm kiểm tra toàn diện năng lực phản ứng nhanh và hiệp đồng tác chiến của quân binh.
Xe tăng hạng nhẹ Type 15 tỏ ra rất nhanh nhẹn trên cao nguyên, một dạng địa hình mà các xe tăng hạng nặng có thể sẽ gặp khó khăn do thiếu oxy hỗ trợ động cơ.
Theo EurAsian Times, bất cứ loại xe nào giáp mỏng hơn có thể hoạt động trên cao nguyên hiện nay đều không tạo ra được mối đe dọa với Type 15. Có thể nói, về cơ bản Type 15 hiện "không có đối thủ" trên cao nguyên, và đang tạo ra thách thức rất lớn cho binh lính Ấn Độ.
Type 15 nặng 33 tấn, bằng khoảng một nửa khối lượng của một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiêu chuẩn. Nó có lớp giáp mỏng hơn và trang bị pháo 105mm, thay vì pháo 120-125mm trên MBT hạng nặng. Điều đó khiến Type 15 trở nên phù hợp hơn trong các hoạt động tác chiến ở độ cao lớn, như tại Ladakh.
"Xe tăng Type 15 là sự ‘thèm muốn’ của thế giới" – EurAsian Times viết – "Nhiều quốc gia phương Tây đã vật lộn phát triển xe tăng hạng nhẹ. Lục quân Mỹ trong những năm 1990 từng thử sức nhưng đã thất bại khi muốn cho ra đời một mẫu xe tăng hạng nhẹ dành cho lực lượng đổ bộ đường không".
"Hình ảnh vệ tinh cho thấy các xe tăng hạng nhẹ T-15 / ZTPQ được ngụy trang tại những vùng sâu ở đông Ladakh trong cuộc đối đầu gần đây là một lời cảnh tỉnh rằng Ấn Độ cần tăng cường năng lực răn đe ở những khu vực mà các xe tăng hạng trung khó triển khai tới" – Trung tướng AB Shivane (đã về hưu) của lực lượng cơ giới Ấn Độ đề cập trong một nghiên cứu chi tiết về việc tái trang bị các xe tăng hạng nhẹ .
Ông Shivane cho rằng, các xe tăng hạng nhẹ sẽ giúp tăng cường vị thế răn đe đáng tin cậy và năng lực tác chiến của Ấn độ tại mặt trận phía bắc – môi trường không thích hợp với các loại xe tăng hạng trung/nặng. Vị tướng đồng thời gợi ý rằng, những chiếc xe tăng hạng nhẹ này nên được sản xuất và chế tạo tại Ấn Độ.