Từng kỳ vọng sẽ chiếm một thị phần tương đối trong miếng bánh cho vay phi ngân hàng được đánh giá có quy mô lên tới hàng chục tỷ USD nhưng dự án cho vay ngang hàng (vay cá nhân) của Tập đoàn công nghệ NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình đã âm thầm dừng hoạt động từ đầu năm nay.
Có phải thị trường P2P – thị trường cho vay phi ngân hàng – đang cạnh tranh quá khốc liệt, hay tiềm năng thị trường không còn quá lớn, hoặc do thiếu hành lang pháp lý như đôi lần ông Bình chia sẻ, khiến NextTech phải “tạm dừng” cuộc chơi?
NEXTTECH BỎ GIỮA LÚC THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU NGƯỜI CHƠI
Dự án cho vay ngang hàng P2P Vaymuon.vn của NextTech chính thức khởi động từ đầu năm 2017. Sau 18 tháng ứng dụng/hệ sinh thái Vaymuon.vn hoàn thành và đầu năm 2019 tập đoàn NextTech đã giới thiệu và cung cấp ra thị trường dịch vụ cho vay ngang hàng Vaymuon.vn.
Sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, hệ thống Vaymuon.vn đã có được hơn 3.000 người đăng ký trở thành nhà đầu tư cá nhân để cấp vốn cho những người có nhu cầu, và hàng ngày có hàng nghìn giao dịch được thiết lập, theo chia sẻ của bà Đào Thị Trang, CEO Vaymuon.vn khi đó.
"Chúng tôi thấy thị trường không còn quá hấp dẫn nên dừng, kệ cho các công ty Trung Quốc làm cả".
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình.
Trong suốt hai năm 2019-2020, các số liệu về số người đăng ký làm nhà đầu tư cho vay, số người vay, số giao dịch được thực hiện, tổng số tiền đã cho vay… đều không được NextTech công bố. Đến đầu năm nay, khi Nexttech rời bỏ cuộc chơi, CEO Đào Thị Trang cũng đã chuyển công ty khác, thì mọi con số trên của Vaymuon.vn gần như “biệt tích”.
Một nguồn tin từ tập đoàn Nexttech cho biết, khách hàng và nhà đầu tư của dịch vụ cho vay ngang hàng Vaymuon.vn không bị ảnh hưởng bởi công ty vẫn giải quyết, đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư theo đúng quy định đến tháng 2/2021.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nói với VnEconomy ngày 26/5, Nexttech chỉ dừng hoạt động cho vay cá nhân, còn đối với doanh nghiệp thì vẫn dùy trì – tức Vaymuon.vn vẫn hoạt động.
Phải chăng thị trường cho vay ngang hàng cá nhân – cho vay phi ngân hàng mà chính ông Bình nhìn nhận có quy mô lên tới hàng chục tỷ USD, nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn – đã không còn tiềm năng và màu mỡ? - “Chúng tôi thấy thị trường không còn quá hấp dẫn nên dừng, kệ cho các công ty Trung Quốc làm cả” - ông Bình đáp.
Sẽ rất khó đo lường “thị trường không còn hấp dẫn”, bởi theo thống kê, báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P Lending (cho vay ngang hàng) toàn cầu cách đây chưa lâu, thị trường này có thể đạt quy mô 897,9 tỷ USD vào năm 2024.
Riêng thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam, thời gian qua, không ít ý kiến chuyên gia cho rằng vẫn nhiều tiềm năng và còn ở giai đoạn đầu.
Thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng.
Đơn cử như dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2020, cho biết có khoảng 100 công ty P2P Lending, bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó, một số công ty P2P Lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia... , như vậy cho thấy thị trường P2P vẫn đang là “miền đất hứa” với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
CÓ PHẢI BỎ VÌ THIẾU HÀNH LANG PHÁP LÝ?
Mặc dù hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam xuất hiện từ năm 2016, nhưng 5 năm sau, một hành lang pháp lý cụ thể và chính thức cho hoạt động này đến nay vẫn chưa được ban hành.
Ở góc độ vĩ mô, cuối tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 5225/VPCP-ĐMDN về đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai là nghiên cứu giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay.
Thông tin mới nhất từ đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thì cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Cơ chế Regulatory Sandbox) dự kiến triển khai trong năm 2021.
Hoặc, cũng có thể do ông Bình tìm sang một mảng mới, thú vị hơn, như ông nói. “Đấu trường Shark Tank” chẳng hạn!
NextTech và ông Nguyễn Hòa Bình đã không “kịp chờ” hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng ra đời.
Ông Bình không ít lần “than phiền” với VnEconomy rằng, trong suốt hai năm 2019-2020 ông đã nhiều lần kiến nghị cần phải sớm cấp phép thí điểm để các công ty của Việt Nam hoạt động nghiêm chỉnh nhưng vẫn không có một hành lang pháp lý cho việc thực hiện cấp phép.
Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, việc không có hành lang pháp lý, dẫn đến các công ty khởi nghiệp P2P Lending tại Trung Quốc tràn sang Việt Nam, có thời điểm lên tới 60-70 công ty P2P Trung Quốc không phép.
Các app Trung Quốc này vào Việt Nam, theo ông Bình đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, họ dùng các chiêu bài quảng cáo, gây nhầm lẫn, lừa đảo… để lấy khách hàng, theo đó gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chân chính và thị trường.
Nếu có hành lang pháp lý, có công cụ sẽ ngăn chặn được các công ty làm chui làm lậu của nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng do mình không có pháp lý về hoạt động cho vay ngang hàng nên các công ty Trung Quốc sang Việt Nam, thuê người Việt đứng tên để hoạt động. “Thôi kệ các công ty Trung Quốc làm, nhường cho họ, của họ tất”, ông Bình nói mang vẻ buông xuôi.
Thị trường không còn hấp dẫn, cộng thêm không có hành lang pháp lý, là lý do NextTech dừng dịch vụ cho vay ngang hàng cá nhân. Tất nhiên khó người khó ta.
Nếu tính theo số liệu theo báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm 2020 như kể trên với khoảng 100 công ty P2P Lending, đến nay, nếu có rơi rụng như Vaymuon.vn (mảng cho vay cá nhân) thì chắc chắn số lượng công ty P2P Lending trên thị trường vẫn còn rất lớn.
Hoặc, cũng có thể do ông Bình tìm sang một mảng mới, thú vị hơn, như ông nói. “Đấu trường Shark Tank” chẳng hạn!