Logo của tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga. Ảnh: AFP
Theo mạng tin Công nghệ (technology.org) mới đây, trong cuộc điều tra của mình, Bloomberg và Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Anh (RUSI) phát hiện ra rằng vào năm 2022, doanh số bán và xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Rosatom đã tăng tới 20%, đạt mức cao nhất trong 3 năm đối với thị trường EU.
Con số này là khá đặc biệt, xét trên thực tế là nguồn nguyên liệu hạt nhân được bán cho Đông Âu chỉ chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu từ Rosatom. Và không chỉ có các nước EU mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga, tại Mỹ, khoảng 20% số lò phản ứng hạt nhân hiện có hoạt động bằng cách sử dụng nhiên liệu hạt nhân được mua từ cùng một nguồn (Nga). Gần như tất cả nhiên liệu được sử dụng bởi các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ của Mỹ cũng là của Nga.
Do đó, để trả lời cho câu hỏi bí mật việc Rosatom không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây ở đâu là khá đơn giản. Trong khi thế giới đang tìm cách hạn chế những bước phát triển mới của năng lượng hạt nhân, Nga vẫn tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng nguyên tử trong suốt 30 năm qua.
Vì vậy, việc thay thế Rosatom trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân hàng đầu không phải là nhiệm vụ đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian. Theo Bloomberg, chỉ riêng Ukraine sẽ cần tới 4-5 năm trước khi chuyển sang các nhà cung cấp khác liên quan đến nguồn tài nguyên quan trọng này.
Đây cũng là lý do tại sao phương Tây không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ngay lập tức đối với Rosatom, mặc dù thực tế rằng công ty này có thể là một trong những nhân tố then chốt trong việc phá vỡ các biện pháp thương mại nhằm hạn chế sản xuất vũ khí từ Mỹ và EU đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.